Đừng vì cái lợi trước mắt

.

Dịp lễ vừa qua, một du khách viết bài đăng trên mạng xã hội “tố” một khách sạn trên địa bàn thành phố “lừa đảo, vô trách nhiệm, bẩn, dọa khách” đã ảnh hưởng ít nhiều đến môi trường du lịch chung của thành phố.

Chuyện là, vị khách này đã đặt phòng tại khách sạn ở một thời gian, trước khi rời đi chị đặt tiếp khách sạn giữ căn phòng đó trong những ngày đầu tháng 5 và thanh toán trước tiền cho khách sạn. Đến ngày chị quay lại thì căn phòng đặt trước (đã trả tiền) có người ở và khách sạn đề nghị chị chọn phòng khác.

Tuy nhiên, hai căn phòng mà nhân viên khách sạn đưa chị khách đi xem thì đều chưa được dọn sạch sẽ nên chị không đồng ý và nhân viên khách sạn cũng không xử lý thỏa đáng cho khách... Điều đáng nói, chưa biết đúng sai thế nào nhưng bài viết của vị khách này đăng ở một trang mạng xã hội chuyên đánh giá về du lịch ăn uống của Đà Nẵng - Hội An có gần 220.000 thành viên.

Sự lan tỏa của mạng xã hội đã khiến tên tuổi khách sạn này bay xa khắp nơi. Rất nhiều những bình luận yêu cầu đơn vị chủ quản phải xử lý tới nơi tới chốn để tránh tình trạng sai phạm của một vài đơn vị ảnh hưởng đến môi trường du lịch chung của Đà Nẵng.

Ngay khi nắm được thông tin phản ánh, ngành du lịch thành phố đã chuyển thông tin cho địa phương nơi có cơ sở lưu trú bị khách tố xử lý theo phạm vi ủy quyền quản lý. Lực lượng chức năng đã vào cuộc kiểm tra, xác định các lỗi vi phạm và lập biên bản vi phạm hành chính đối với cơ sở lưu trú... Sau khi kiểm tra, cơ sở lưu trú có thể bị phạt hành chính hoặc cảnh cáo, nhắc nhở.

Theo đó, hành vi vi phạm của khách sạn không phải chỉ nộp phạt là xong, mà những hình ảnh xấu về cơ sở lưu trú vẫn còn lưu trên các trang mạng xã hội. Khi du khách tìm kiếm thông tin, đọc được những thông tin xấu đó, trước tiên là doanh nghiệp/cơ sở lưu trú làm chưa đúng đó sẽ bị thiệt vì khách sẽ e dè, ngần ngại không muốn đặt, sử dụng dịch vụ.

Không phải ngẫu nhiên dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương, 30-4 và 1-5 vừa qua Đà Nẵng đón gần 322.000 lượt khách đến tham quan, du lịch (tăng 26,6% so với năm 2022). Trong đó, khách nội địa ước đạt 287.000 lượt, tăng 16,3% so với năm 2022; khách quốc tế ước đạt 35.000 lượt, tăng 4,7% so với năm 2022. Đó là sự nỗ lực của chính quyền thành phố, ngành du lịch, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp trong suốt thời gian qua.

Thành phố liên tục tổ chức các sự kiện lễ hội trong nước và quốc tế để phục vụ cho người dân và du khách; thường xuyên có các chuyến xúc tiến du lịch tại các thị trường khách trọng điểm… để thu hút khách đến Đà Nẵng.

Tuy nhiên, để Đà Nẵng luôn là điểm đến bền vững và có sức hút đối với du khách thì cần có sự chung tay của cả chính quyền thành phố, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và cả cộng đồng cư dân. Bởi dù các đơn vị, doanh nghiệp nỗ lực bao nhiêu nhưng chỉ cần một vài doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đi ngược với các tiêu chí thành phố đang hướng đến thì những nỗ lực trước đó đều không được ghi nhận.

Qua câu chuyện của vị khách “tố” cơ sở lưu trú không thực hiện đúng các cam kết ở trên có thể thấy, việc nắm bắt sự việc và vào cuộc nhanh chóng của các đơn vị chức năng là rất cần thiết. Bởi lúc này không chỉ là xử phạt bên sai phạm mà du khách cảm thấy được yên tâm hơn khi bức xúc của khách được các đơn vị chức năng quan tâm, xử lý.

Các đơn vị kinh doanh dịch vụ đừng vì cái lợi trước mắt mà ảnh hưởng đến thương hiệu lâu dài của thành phố, điểm đến. Sắp tới đây, thành phố diễn ra Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023, dịp này cũng là cao điểm hè, dự kiến lượng khách đến vui chơi, xem pháo hoa sẽ tăng cao.

Các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch phải có sự chuẩn bị chu đáo từ cơ sở hạ tầng, nhân sự, dịch vụ… để tránh những rủi ro không đáng có, ảnh hưởng đến môi trường du lịch Đà Nẵng. Không riêng gì các cơ sở lưu trú, những người làm trong dịch vụ du lịch, thương mại nói chung đều cần nâng cao sự chuyên nghiệp trong ngành dịch vụ, phục vụ khách hàng.

Trước đây, ngành du lịch thành phố đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch dành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các ngành liên quan đến du lịch; người dân Đà Nẵng; khách du lịch trong nước và quốc tế tham quan, lưu trú tại thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh những quy tắc chung, bộ quy tắc còn có những quy định riêng về ứng xử, thái độ niềm nở với khách hàng…

Hàng năm, Sở Du lịch cũng tổ chức các buổi tập huấn, nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ, bảo đảm văn minh thương mại, nụ cười thân thiện và nội dung bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch tới các hộ kinh doanh dịch vụ, cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố. Điều quan trọng là mỗi người dân, mỗi tiểu thương, mỗi đơn vị kinh doanh dịch vụ cần làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, luôn có ý thức giữ gìn điểm đến văn minh, thân thiện, mến khách. Có như vậy thì du lịch Đà Nẵng mới phát triển bền vững.

NHẬT HẠ

;
;
.
.
.
.
.
gọng kính chất lượng