ĐNO - Chiều 3-11, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị giao ban công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam tham dự hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, môi trường nước ta nói chung và khu vực miền Trung và Tây Nguyên nói riêng đang chịu áp lực từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức.
Vấn đề ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp và có nguy cơ ô nhiễm, đăt ra những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung và công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường nói riêng.
“Xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 là triển khai có hiệu quả, đồng bộ các quy định, chính sách của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, các địa phương ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần làm rõ thực trạng ô nhiễm nước, đất, không khí; những hạn chế yếu kém còn tồn tại và đưa ra các giải pháp kiểm soát để chúng ta chuyển từ bị động sang chủ động, tiến đến nâng cao chất lượng môi trường”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị.
Các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần tập trung triển khai một số nội dung quan trọng theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Cụ thể, các địa phương tập trung xây dựng các nội dung về bảo vệ môi trường quy hoạch tỉnh để phù hợp với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, dự thảo Quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, tập trung nguồn lực để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên; trong đó tập trung xây dựng hạ tầng thu gom và xử lý nước thải đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị và làng nghề đang hoạt động nhưng chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, cần kiên quyết không tiếp nhận, mở rộng hoặc nâng công suất đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề khi chưa đáp ứng yêu cầu hạ tầng về bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, triển khai công tác quản lý chất thải theo quy định của pháp luật, tập trung xây dựng kế hoạch phân loại chất thải, chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để bắt đầu triển khai từ năm 2025 theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhằm tăng khả năng tái chế, tái sử dụng chất thải, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra cần xây dựng các giải pháp nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; giám sát chặt chẽ các nguồn thải thông qua hệ thống quan trắc tự động, liên tục; xây dựng các giải pháp để khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với các khu vực đang bị ô nhiễm hiện nay tại các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, vấn đề ô nhiễm lưu vực sông và ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam nhấn mạnh, những năm qua, mục tiêu xây dựng thành phố môi trường luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đặc biệt quan tâm, chỉ đạo và có sự vào cuộc của các cấp, các ngành.
Trong giai đoạn 2008-2020, việc thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” đã đạt những kết quả to lớn như: cấp nước đô thị đạt 99%; 100% nước thải tại các khu công nghiệp được thu gom, xử lý, thực hiện quan trắc tự động, liên tục; giải quyết 13/15 điểm nóng về môi trường; hơn 83% nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý; tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt đạt 95%...
Đặc biệt, nhân dân thành phố đã tham gia tích cực thực hiện đề án thông qua nhiều phong trào, giải pháp rất hiệu quả, nhân văn...
Thành phố Đà Nẵng đã được các bộ, ngành Trung ương, tổ chức, cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và trao tặng nhiều giải thưởng về môi trường và đô thị như: Thành phố bền vững về môi trường (ASEAN); Thành phố carbon thấp (APEC); Thành phố phong cảnh Châu Á; Giải thưởng môi trường Việt Nam; Thành phố Xanh quốc gia...
Đặc biệt, năm 2020, thành phố là 1 trong 5 thành phố đạt mức tốt, năm 2021, là địa phương dẫn đầu về công tác bảo vệ môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đánh giá và công nhận...
“Để phát triển thành phố theo hướng dịch vụ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, tiên tiến và bảo đảm môi trường chung, thành phố đã có nhiều chủ trương kêu gọi đầu tư, ưu tiên các dự án tiết kiệm năng lượng, dự án xanh... và từ chối các dự án khi xét thấy nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm.
Vào tháng 4-2021, UBND thành phố tiếp tục ban hành Đề án “Xây dưng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, trong đó, phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm là mục tiêu hàng đầu”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam nhấn mạnh.
Thành phố đã xây dựng nhiều chương trình, nhiệm vụ quan trọng như: chương trình quản lý ô nhiễm công nghiệp thành phố Đà Nẵng; đề án xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường các hồ nội thành trên địa bàn thành phố; kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang giai đoạn 2020-2025...
Các sở, ban, ngành của thành phố chủ động tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng nước thải, khí thải các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm và các trạm xử lý nước thải; tập trung giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại và kiến nghị của cử tri; kiểm soát ô nhiễm bụi, tiếng ồn trong đô thị; tăng cường chất lượng thẩm định, cấp phép và thu phí bảo vệ môi trường; đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường.
Thành phố Đà Nẵng đang tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu bảo vệ môi trường, đáp ứng với định hướng đô thị sinh thái theo Nghị quyết số 43-NQ/BCT ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đặng Quang Vinh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có biện pháp giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện nay như: các định mức kinh tế, kỹ thuật để xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch quản lý môi trường; khoảng cách cách ly môi trường giữa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề với khu vực dân cư xung quanh; các chính sách, hành lang pháp lý thuận lợi để tăng cường khả năng vận động, kêu gọi nguồn vốn phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm...
HOÀNG HIỆP