15 năm thực hiện NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX)

Đà Nẵng-thành phố động lực của sự phát triển - Bài 2: Đột phá từ công nghệ thông tin, công nghệ cao

.

Trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), thành phố chú trọng đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh 6 khu công nghiệp (KCN), Công viên Phần mềm Đà Nẵng và đang tích cực triển khai Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin số 1…

Cùng với đó, thành phố có các chính sách thu hút đầu tư công nghiệp và hiện đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) công nghệ cao.

Đặc biệt, với chính sách đột phá của mình, Đà Nẵng không những có phân ngành công nghiệp phần mềm (CNPN), mà còn đưa CNTT trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn thứ 2 của thành phố.

Rất cần có chính sách xây dựng các không gian làm việc chung như IoT Coworking Space cho đội ngũ làm phần mềm.   Ảnh: HOÀNG HIỆP
Rất cần có chính sách xây dựng các không gian làm việc chung như IoT Coworking Space cho đội ngũ làm phần mềm. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Ngành kinh tế mũi nhọn thứ 2

Ông Phạm Kim Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng cho hay, CNPM là một bộ phận không tách rời của công nghiệp CNTT. Vào năm 2000, doanh thu ngành CNTT của Đà Nẵng gần như là số 0, nhưng đến cuối năm 2017 đã đạt hơn 15.000 tỷ đồng, trong đó, doanh thu CNPM gần 3.000 tỷ đồng và doanh thu xuất khẩu phần mềm đạt gần 70 triệu USD…

Nhìn lại quá trình hình thành, đầu tư và phát triển nhanh chóng của CNPM, có thể thấy rõ, tầm nhìn và chính sách phát triển CNPM của thành phố từ rất sớm với việc Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 3-10-2000 về một số chủ trương phát triển CNPM.

Năm 2003, khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW với định hướng Đà Nẵng phải trở thành một trung tâm công nghiệp, trong đó chú trọng đến công nghiệp công nghệ cao, thành phố đã được tạo điều kiện xây dựng Công viên Phần mềm Đà Nẵng.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vận dụng chính sách của Trung ương về hỗ trợ cho địa phương làm công nghệ cao với số tiền hỗ trợ ban đầu là 78 tỷ đồng xây dựng tòa nhà Công viên Phần mềm Đà Nẵng tại số 2 Quang Trung cùng với nguồn vốn đầu tư ban đầu của thành phố là 40 tỷ đồng.

“Tòa nhà Công viên Phần mềm Đà Nẵng bắt đầu đưa vào vận hành đầu năm 2009 và được lấp đầy sau 2 năm với hơn 60 doanh nghiệp phần mềm, CNTT hoạt động. Công viên Phần mềm Đà Nẵng đã quy tụ nhiều tập đoàn CNTT hàng đầu thế giới như: Microsoft, Cissco, Intel…, đặc biệt, có 1 doanh nghiệp đầu tư phòng lab có giá trị đến 10 triệu USD.

Đây cũng là nơi chủ lực về xuất khẩu phần mềm và doanh thu cho ngành CNTT, trong khi tổng vốn đầu tư của Trung ương chỉ 100 tỷ đồng và thành phố là 60 tỷ đồng”, ông Sơn nói.

Từ năm 2003 đến nay, lĩnh vực công nghiệp CNTT phát triển nhanh, với cơ sở vật chất và hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ, giữ vai trò trung tâm ở khu vực miền Trung, một trong ba trung tâm CNTT của cả nước.

Bên cạnh Công viên Phần mềm Đà Nẵng, thành phố đã tập trung đầu tư hạ tầng CNTT như: các thiết bị phần cứng, mạng, cổng giao dịch điện tử, trung tâm dữ liệu…

Công viên Phần mềm FPT cũng đã được đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả. Thành phố đang triển khai đầu tư xây dựng Khu CNTT tập trung số 1, xúc tiến chuẩn bị đầu tư Khu CNTT tập trung số 2 và Công viên Phần mềm số 2.

Hiện nay, toàn thành phố có gần 1.000 doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Doanh thu toàn ngành CNTT và truyền thông năm 2017 đạt 21.740 tỷ đồng, tăng 70 lần so năm 2003.

Kim ngạch xuất khẩu phần mềm giai đoạn 2003-2013 đạt 22 triệu USD, nhưng trong 3 năm (2014-2017) bứt tốc lên đến 217,2 triệu USD, tăng trưởng hơn 30%/năm.

Đây là mức tăng trưởng lớn nhất trong các ngành nghề thành phố có thế mạnh. Thị trường xuất khẩu phần mềm chủ yếu ở các thị trường chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu.

Cùng với CNPM, dịch vụ thông tin và truyền thông phát triển mạnh, đóng vai trò trung tâm của khu vực. Thành phố đã nâng cấp xa lộ thông tin ngang tầm với các thành phố phát triển ở khu vực, tạo nền tảng xây dựng mô hình Chính quyền điện tử.

Hiện nay, 100% tổ dân phố, thôn có điện thoại cố định, di động, hạ tầng viễn thông; 100% phường, xã có mạng lưới cung cấp dịch vụ truy cập internet băng rộng. Đà Nẵng liên tục dẫn đầu cả nước về chỉ số ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (ICT-Index) trong nhiều năm liền...

Thành phố cũng đang tích cực triển khai xây dựng Khu Công nghệ cao, đây là Khu Công nghệ cao đa chức năng thứ 3 của cả nước và xúc tiến thu hút 14 dự án với tổng số vốn đầu tư 345 triệu USD.

Tiêu biểu là các dự án: Tokyo Keiki Precision Technology (40 triệu USD), Niwa Foundry Việt Nam (30 triệu USD), Dự án Nhà máy sản xuất dược phẩm với công  nghệ nano, công nghệ sinh học và Trung tâm nghiên cứu - phát triển công nghệ cao (1.500 tỷ đồng)...

Ông Đoàn Ngọc Hùng Anh, Phó ban quản lý Khu Công nghệ cao Đà Nẵng cho biết, từ khi Chính phủ ban hành nghị định với nhiều chính sách ưu đãi vượt trội, cộng với hiệu ứng của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, liên tiếp các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng.

Nền công nghiệp theo hướng hiện đại   

Trên thực tế, dòng đầu tư FDI của Đà Nẵng có sự chuyển hướng sang công nghệ cao và CNTT, mỗi năm đều có dự án mới triển khai. Bên cạnh các chính sách thu hút đầu tư vào các KCN, Khu Công nghệ cao, Khu CNTT…, thành phố cũng có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, mở rộng quy mô hoạt động theo hướng bảo vệ môi trường.

Thành phố cũng chú trọng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ trong các doanh nghiệp và đã có sự chuyển biến rõ nét. Phần lớn máy móc thiết bị được sản xuất sau năm 2000, trong đó, máy móc thiết bị mua mới chiếm tỷ lệ cao, bình quân hơn 75%, một số ngành có tỷ lệ trên 90% như: công nghiệp hóa chất 95,9%, điện tử-cơ điện 93,9%...

Quan điểm của Đà Nẵng là không chấp nhận những dự án công nghiệp nặng, gây ô nhiễm môi trường. Năm 2016, trong bối cảnh vốn FDI vào thành phố tương đối thấp so với các địa phương trong khu vực, Đà Nẵng vẫn kiên quyết từ chối dự án sản xuất bột giấy và dự án dệt máy kết hợp nhuộm, bởi nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

Bên cạnh đó, thành phố tập trung xử lý những vấn đề môi trường phát sinh từ các dự án công nghiệp cũ. Trong 2 năm qua, Đà Nẵng giải quyết các “điểm nóng” tại KCN Dịch vụ thủy sản Thọ Quang, KCN Hòa Khánh, tăng cường quản lý Nhà nước về môi trường và đầu tư giải pháp kỹ thuật.

Đặc biệt, thành phố đã và đang tiến hành vận động các chủ đầu tư dự án chuyển đổi loại hình sản xuất, ngành hoạt động theo hướng công nghiệp sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường, đồng thời, xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

Theo Sở Công thương, trong suốt 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo (từ 92,8% lên 95,4%).

Các ngành công nghiệp truyền thống, chế biến thô, dựa trên khai thác tài nguyên, giá trị gia tăng thấp (chế biến nông  - lâm - thủy sản, dệt may, chế biến gỗ, gia công cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, các lĩnh vực gia công, chế biến khác…) giảm từ 79,6% còn 60,3%.

Trong khi đó, các ngành có giá trị gia tăng cao (sản xuất thiết bị điện, điện tử, cơ khí chế tạo máy móc thiết bị, ô-tô, sản xuất kim loại…) tăng từ 20,4% lên 39,7%.

Cũng theo kết quả khảo sát của Sở Công thương, trình độ công nghệ của đa số ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố đã được nâng lên mức trung bình khá. Đặc biệt, một số nhà máy (sản xuất bia, sữa, thiết bị phụ trợ…) được đầu tư công nghệ đạt mức tiên tiến, hiện đại.

Tuy nhiên, sau 15 năm, quy mô ngành công nghiệp của Đà Nẵng vẫn còn nhỏ, chưa có bước phát triển đột phá so với các địa phương khác trong vùng và trong cả nước.

Vì vậy, quan điểm của Đà Nẵng khi xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2020 là tập trung ưu tiên các ngành hàng và sản phẩm có công nghệ hiện đại, hàm lượng chất xám cao, giá trị gia tăng lớn. Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cao cấp, hàng xuất khẩu.

Đối với thành phố, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực trình độ cao phải là nền tảng của việc phát triển công nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Đà Nẵng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ cơ bản trở thành thành phố có nền công nghiệp theo hướng hiện đại; trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp CNTT, công nghiệp hỗ trợ của khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Để làm được điều này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy nghiên cứu - phát triển…”.

Trong 15 năm qua, thành phố đã chú trọng đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh 6 KCN với tổng diện tích 1.141,8 ha. Đến hết quý 2-2018, các KCN đã thu hút 471 dự án (353 dự án trong nước, 118 dự án nước ngoài) với tổng vốn đầu tư 17.020 tỷ đồng và 1,06 tỷ USD, tỷ lệ lấp đầy đạt 85,37%.

Thành phố đã thu hút các doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn, như: Nhà máy sản xuất ô-tô TCIE, Nhà máy sản xuất lốp xe tải Radial, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Đà Nẵng, Nhà máy sữa Vinamilk...  đầu tư mới, mở rộng sản xuất, góp phần hình thành các sản phẩm mới, tạo giá trị gia tăng cao. Một số sản phẩm đã tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất và phân phối toàn cầu như lốp ô-tô, linh kiện điện tử...

HOÀNG HIỆP – KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.