Để khắc phục tình trạng nhiễm mặn nặng và thiếu nước sinh hoạt như vừa qua, nhất là khi thời tiết chuyển sang hiện tượng El Nino, thành phố Đà Nẵng cần sớm triển khai nhiều biện pháp như nâng cao hiệu quả vận hành nhà máy nước, đề xuất đắp đập chặn cửa sông Quảng Huế để ngăn nước từ sông Vu Gia chảy về sông Thu Bồn…
Bể tiếp nhận nguồn nước thô ở Nhà máy nước Cầu Đỏ có dung tích lớn nhưng mực nước thấp và chưa được đưa vào sử dụng để trữ nước, phục vụ chống nhiễm mặn. |
Nâng cao hiệu quả vận hành nhà máy nước
Ngày 15-11, tại buổi làm việc giữa Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường với Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cùng lãnh đạo các đơn vị chức năng của thành phố, các chủ hồ thủy điện trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn, ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco cho hay, khi sông Cầu Đỏ nhiễm mặn trên 1.000mg/l, việc cung cấp nguồn nước thô cho 2 nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ và Sân bay phụ thuộc vào trạm bơm phòng mặn An Trạch.
Tuy nhiên, tuyến ống nước thô chuyển tải nước từ Trạm bơm phòng mặn An Trạch được xây dựng từ năm 2007 và chỉ có thể chuyển tải với công suất khoảng 210.000m3/ngày. Trong khi đó, công suất sản xuất nước sạch và nhu cầu sử dụng nước lên đến 270.000-280.000m3/ngày. “Dù mực nước tại đập dâng An Trạch đủ để bơm nhưng nguồn nước thô từ Trạm bơm phòng mặn An Trạch đưa về không đủ cho 2 nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay hoạt động.
Chúng tôi đang nghiên cứu triển khai cải tạo Trạm bơm phòng mặn An Trạch và đường ống chuyển tải nước thô để phục vụ cho việc nâng cấp, mở rộng Nhà máy nước Cầu Đỏ. Trước mắt, đề nghị các nhà máy thủy điện vận hành xả nước luân phiên để bảo đảm dòng chảy liên tục trên sông Vu Gia…”, ông Hồ Hương nói.
Tuy nhiên, theo ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, nguồn cung nước cho thành phố Đà Nẵng và Nhà máy nước Cầu Đỏ là bảo đảm. “Việc thiếu nước sinh hoạt do sông nhiễm mặn cao là do giải pháp vận hành của nhà máy nước. Vì vậy, đề nghị có giải pháp để nâng cao hiệu quả vận hành, bảo đảm cấp nước sinh hoạt liên tục cho người dân.
Với tình hình thời tiết khó lường như hiện nay và sắp tới, phải xác định việc bơm nước tại đập dâng An Trạch là thường xuyên nên đề nghị Dawaco sớm có giải pháp nâng công suất lấy nước thô về, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân thành phố”, ông Vĩnh nói.
Ông Vĩnh cũng đề nghị các chủ hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh Quảng Nam và Dawaco có sự phối hợp chặt chẽ, thông tin kịp thời, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm nhất, hợp lý, hiệu quả và tích được mực nước tối đa trong hồ chứa thủy điện.
Đề xuất đắp đập chặn sông Quảng Huế
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chuyên gia Quản lý tài nguyên nước và lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, thành viên Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Đà Nẵng cho rằng, đợt thiếu nước vừa qua không phải do thiếu nước từ thượng nguồn đổ về đập dâng An Trạch.
Thực tế, nước tại đập dâng An Trạch vẫn thừa, số liệu quan trắc mực nước tại đập dâng An Trạch do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng cung cấp luôn trên 1,6m và có mở 1 cửa van cho nước về đẩy mặn. Khi đóng cửa van này lại thì mực nước tại An Trạch luôn trên 1,8m.
Đáng nói, trong những năm qua, nguồn nước thô ở sông Cầu Đỏ thường hay bị nhiễm mặn nhưng bể tiếp nhận nguồn nước thô từ sông Cầu Đỏ và Trạm bơm phòng mặn An Trạch luôn có mực nước rất thấp dù có thể chứa đến hàng chục ngàn m3 nước.
Nếu bể tiếp nhận này chứa đầy nước ngọt, vừa đủ cung cấp cho sản xuất trong vài giờ vừa tiếp nhận liên tục nguồn nước thô từ đập dâng An Trạch và chờ nước sông Cầu Đỏ ròng mạnh để bơm lách triều thì có thể giảm tình trạng thiếu nước.
Cần khẩn cấp đắp đập tạm chặn sông Quảng Huế để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng. |
Về phía các nhà máy thủy điện, mặc dù Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) vẫn đang huy động các hồ thủy điện xả nước theo đề nghị của Bộ TN&MT nhằm bổ sung nước cho sông Vu Gia và Thu Bồn do mực nước các sông hạ thấp; tuy nhiên, theo các đơn vị chức năng và chuyên gia về tài nguyên nước, tình hình nhiễm mặn và thiếu nước ở Đà Nẵng vẫn diễn biến phức tạp do hiện tượng El Nino.
Vì thế, thành phố cần triển khai một số giải pháp. “Trước mắt, cần đắp đập tạm chặn sông Quảng Huế để tăng trữ lượng nước về Đà Nẵng. Khi xảy ra lũ thì đập cát này tự trôi, còn nếu không xảy ra lũ thì duy trì đập cát để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho Đà Nẵng”, ông Huỳnh Vạn Thắng đề xuất.
Còn ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, trước tình hình thời tiết đã chuyển sang hiện tượng El Nino, để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố trong thời điểm cuối năm 2018 và mùa kiệt của năm 2019, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND thành phố có văn bản đề nghị Bộ TN&MT điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ thủy điện trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn trong mùa kiệt theo hướng vận hành xả nước (phát điện) luân phiên giữa các hồ thủy điện, bảo đảm dòng chảy liên tục trên sông Vu Gia.
Đồng thời, thành phố cần đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam nghiên cứu chỉnh trị, nâng cao đỉnh đập điều tiết nước ở cửa sông Quảng Huế để tăng lượng nước về sông Vu Gia (giảm lượng nước chảy về sông Thu Bồn); trước mắt là cho phép đắp đập tạm bằng bao cát tại cửa sông Quảng Huế để ngăn nước sông Vu Gia chảy về sông Thu Bồn.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP