Cùng với lượng người nước ngoài (NNN) đến Đà Nẵng làm chuyên gia, kỹ thuật cao, quản lý doanh nghiệp, dự án, giáo dục, đào tạo... có nhiều đóng góp cho thành phố, thì lượng khách du lịch tăng đột biến và lao động phổ thông NNN-kể cả lao động “chui”, đã để lại nhiều vấn đề phức tạp trong công tác quản lý trên nhiều lĩnh vực.
Với “tour giá rẻ”, các đơn vị lữ hành thường đưa vào những điểm tham quan không bán vé. Trong ảnh: Nhà thờ Chánh tòa Đà Nẵng - một trong những điểm không thu phí tham quan thu hút khá đông khách du lịch mỗi ngày. Ảnh: NGỌC HÀ |
Thời gian qua, tại những cơ sở dịch vụ liên quan đến yếu tố nước ngoài có hiện tượng vi phạm quy định của Pháp lệnh Ngoại hối. Pháp lệnh Ngoại hối ghi rõ trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối.
Chính vì thế, người có nhu cầu bán (đổi) ngoại tệ phải đến các ngân hàng hoặc các điểm được phép thu đổi ngoại tệ. Trong quá trình đi thực tế, chúng tôi được biết tại nhiều cửa hàng, điểm đến du lịch có hành vi trao đổi ngoại tệ.
Một số cá nhân lợi dụng các điểm khách đoàn hay lui tới để bán hàng rong và mời khách đổi ngoại tệ với mức chênh lệch 10%. Theo quan sát của chúng tôi, tại nhà hàng Y. (đường Hoàng Sa, quận Sơn Trà), ngay khi khách dùng bữa xong, chuẩn bị ra xe, thì người phụ nữ tên L.T.T (quận Liên Chiểu) tiến lại gần, trên tay cầm xấp tiền lẻ mệnh giá 10.000 won (đơn vị tiền tệ của Hàn Quốc).
Với xấp 9 tờ 10.000 won, chị đổi lấy tờ tiền chẵn 100.000 won. Theo chị T., một ngày đi quanh các điểm có khách đoàn nước ngoài, chị kiếm cũng được vài trăm ngàn đồng và không hề biết đó là hành vi không được phép.
Không chỉ vậy, thất thu từ dịch vụ du lịch do NNN tổ chức các tour khép kín không hề nhỏ. Đại diện một đơn vị khai thác lữ hành đánh giá, lượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc dẫn đầu thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng nhưng doanh thu từ thị trường này không cao; bởi khách này do các công ty Hàn Quốc đưa sang và hoạt động theo một quy trình khép kín, tức là từ ăn, ngủ, mua sắm, tham quan… đều do người của họ sang đầu tư hoặc quản lý.
“Điều này dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh cho các đơn vị lữ hành trong nước. Hơn nữa, với kiểu bán giá cao gấp nhiều lần như thế nếu khách vô tình phát hiện thì chắc hẳn sẽ cảm thấy không hài lòng và đánh giá không tốt về môi trường du lịch của Đà Nẵng”, vị đại diện này nói.
Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố, bà Trương Thị Hồng Hạnh cho biết thêm, năm 2018, Sở Du lịch và các sở, ngành chức năng đã triển khai công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị kinh doanh du lịch và ban hành 54 quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng; chủ yếu xử phạt NNN vi phạm hướng dẫn du lịch.
Thanh tra Ngân hàng cũng đã xử phạt Công ty TNHH MTV Hilin (kinh doanh đá quý) 450 triệu đồng về hành vi niêm yết giá bán hàng hóa bằng ngoại tệ (USD); xử phạt Công ty TNHH Vitanoni (kinh doanh thực phẩm chức năng trái nhàu) vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập với số tiền 22,5 triệu đồng.
Theo báo cáo của Cục Thuế thành phố, tính đến ngày 31-8-2018, Cục Thuế đã tiến hành kiểm tra 54 đơn vị kinh doanh nhà hàng, khách sạn, giám sát 388 hồ sơ khai thuế của 93 đơn vị kinh doanh nhà hàng, khách sạn, điều chỉnh tăng thu với số tiền 4,489 tỷ đồng, giảm lỗ 37,637 tỷ đồng; phát hiện 9 trường hợp xuất khống 953 hóa đơn, doanh thu xuất khống là 4,1 tỷ đồng.
Đồng thời, Cục Thuế thành phố đã xác định 43 đơn vị kinh doanh lữ hành, chuỗi các cơ sở mua sắm có rủi ro cao về thuế đưa vào diện chống thất thu, đã tiến hành kiểm tra, xử lý 25/43 doanh nghiệp với số thuế truy thu và phạt 2,125 tỷ đồng, giảm lỗ 8,482 tỷ đồng; xác định 8 trường hợp bỏ ngoài sổ sách kế toán với khoản doanh thu 140,85 tỷ đồng; chuyển cơ quan Công an đề nghị điều tra xử lý 2 trường hợp với doanh thu bỏ ngoài sổ sách trên 100 tỷ đồng.
Chi cục Quản lý thị trường thành phố kiểm tra 49 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm phục vụ khách du lịch và xử phạt hành chính 36 cơ sở với số tiền 168,5 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa, giá, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trong tổng số các trường hợp vi phạm về thuế, truy thu thuế, vi phạm về nhãn hàng hóa, giá, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ nêu trên, bao gồm cả các cơ sở do NNN đứng tên, hoặc người Việt đứng tên có liên quan đến yếu tố nước ngoài.
Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng cũng vào cuộc xử lý nhiều trường hợp NNN vi phạm an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn. Tại quận Sơn Trà, Công an quận đã xử lý 3 trường hợp NNN gây mất an ninh trật tự, 3 vụ NNN sử dụng thiết bị flycam (thiết bị bay điều khiển từ xa), 1 trường hợp chụp ảnh khu vực cấm.
Đội Cảnh sát giao thông Công an quận Sơn Trà xử lý 44 trường hợp NNN vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông như: không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm…
Tại quận Ngũ Hành Sơn, Công an quận phối hợp Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Cục C50) khám xét 1 căn hộ tại phường Mỹ An liên quan đến vụ việc người Trung Quốc lừa đảo qua mạng; phát hiện, bắt giữ 2 người Trung Quốc nghi vấn thực hiện hành vi sử dụng thiết bị công nghệ cao chiếm đoạt tài sản tại cây ATM trên địa bàn phường Mỹ An; phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) bắt 6 đối tượng người Trung Quốc có hành vi đánh bạc theo lệnh truy nã của Công an Trung Quốc; kiểm tra phát hiện 79 trường hợp NNN nghi vấn hoạt động trái mục đích nhập cảnh.
Đơn cử như vụ mua bán trái phép chất ma túy tại quán Pub Crazy Cat (đường An Thượng 6, phường Mỹ An), phát hiện 18 NNN dương tính với ma túy; tại khách sạn Beach Light (đường Hoàng Công Chất, phường Khuê Mỹ), các ngành chức năng phát hiện có 38 NNN (37 người nhập cảnh với mục đích du lịch; một người nhập cảnh với mục đích kinh doanh) sử dụng 55 máy vi tính làm việc, vụ việc đang tiếp tục điều tra.
Trong khi đó, theo thống kê, 9 tháng đầu năm 2018, Công an thành phố xử phạt 210 trường hợp NNN vi phạm quy định về xuất nhập cảnh, cư trú (tổng số tiền phạt trên 1,4 tỷ đồng). Các trường hợp bị xử lý chủ yếu là tìm cách câu kết với người Việt Nam tổ chức điều hành du lịch, làm hướng dẫn viên du lịch trái phép (28 trường hợp gồm 22 trường hợp Trung Quốc, 6 trường hợp Hàn Quốc); 119 trường hợp NNN đến cư trú quá hạn tạm trú không chịu xuất cảnh; 14 trường hợp NNN thuê nhà dân rồi trang bị các thiết bị để đánh bạc qua mạng.
NGỌC HÀ – NHẬT HẠ