Trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (TechFest Việt Nam 2018) vừa diễn ra tại Đà Nẵng, nhiều chuyên gia khởi nghiệp thành công của quốc tế và Việt Nam cho rằng, Đà Nẵng cần đầu tư vào nông nghiệp 4.0 để tạo ra nông sản sạch, an toàn, chất lượng và có năng suất cao. Đây là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài cho người nông dân và tạo sự phát triển bền vững cho cộng đồng, xã hội.
Doanh nhân Đà Nẵng đề nghị đầu tư xây dựng bao bì, nhãn hiệu sản phẩm để tiêu thụ tốt, kích thích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: H.HIỆP |
Ông An Chang Doek, Giám đốc Công ty SG Enesys (Hàn Quốc):
Tích lũy vốn kiến thức ở những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển
Ngành sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang gặp khó khăn vì diện tích đất gieo trồng ngày càng thu hẹp và độ phì nhiêu, chất dinh dưỡng trong đất cũng ngày càng nghèo đi. Đất nước Hàn Quốc cũng vậy, nhưng bằng việc áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh (smart farm), chúng tôi có đủ lương thực để ăn vì cho năng suất rất cao. Do đó, Việt Nam cần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp thông minh để bảo đảm an ninh lương thực. Ngay cả với Đà Nẵng, một thành phố có diện tích đất trồng trọt rất nhỏ thì càng cần đầu tư sản xuất nông nghiệp thông minh. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực về nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam còn hạn chế, việc gửi các nông dân, sinh viên sang những nước có nền nông nghiệp 4.0 như: Hàn Quốc, Isreal, Nhật Bản… để học tập và tích lũy kinh nghiệm là điều hết sức cần thiết. Tôi đã nhìn thấy, có nhiều người nông dân ở huyện Hòa Vang sang Hàn Quốc để làm việc và học tập. Đây cũng là cách để những người này khởi nghiệp và truyền đạt lại cho người khác. Khi được đào tạo, họ sẽ có cơ hội tiếp thu và tích lũy rất nhiều “vốn” ở đất nước chúng tôi cũng như các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển khác. Khi trở về quê nhà, những dòng “vốn” đó sẽ được đầu tư bằng những mô hình khởi nghiệp nông nghiệp 4.0 thành công.
Ông David Davies, Giám đốc Công ty AgUnity (Úc):
Khuyến khích nông dân sử dụng điện thoại thông minh
Tôi khởi nghiệp bằng cách tặng cho mỗi hộ dân trong một số khu vực dân cư của đất nước Kenya và Papua New Guinea một điện thoại thông minh (smart phone) có kết nối mạng internet và cài ứng dụng dạng Blockchain. Thông qua điện thoại này, tôi hướng dẫn những người dân nghèo khó chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp triển khai một số mô hình sản xuất nông sản, nhất là cây cà-phê. Theo đó, cây trồng được đánh mã vạch và hằng ngày chúng tôi hướng dẫn nông dân sử dụng điện thoại thông minh quét mã vạch, nhập các thông số để quản lý sản xuất. Nông sản sau khi thu hoạch sẽ được bao tiêu sản phẩm và bán cho người tiêu dùng thông qua một ứng dụng bán hàng trên mạng internet. Sau một vài năm, khi thu nhập hằng tháng của người nông dân khấm khá lên (khoảng hàng ngàn USD ở xứ tôi), người dân vẫn sử dụng điện thoại thông minh mà tôi tặng để chọn mua các sản phẩm khác của tôi với giá ưu đãi để phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt.
Quản lý quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm bằng mã vạch và khuyến khích nông dân sử dụng điện thoại thông minh để hướng dẫn, quản lý sản xuất, tiêu thụ sản phẩm là việc mà ngành nông nghiệp Việt Nam cần nghĩ đến, nhất là đối với đô thị hướng tới “thành phố thông minh” như Đà Nẵng.
Ông Ngô Đăng Giáp, Giám đốc Trung tâm Cung ứng nguồn nhân lực (Học viện Nông nghiệp Việt Nam):
Phải có những người làm nông nghiệp 4.0
Việt Nam nói chung cũng như Đà Nẵng cần áp dụng sản xuất nông nghiệp 4.0 để tạo ra sản phẩm chất lượng, sạch, an toàn, có năng suất và giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nay trên cả nước chưa có mô hình sản xuất nông nghiệp 4.0 một cách đầy đủ. Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp 4.0 cũng rất đa dạng về mô hình và sản phẩm. Muốn phát triển nông nghiệp 4.0 thì cần phải có những người làm nông nghiệp 4.0. Chúng tôi đã và đang đưa những sinh viên sang Nhật Bản thực tập, làm việc trong các mô hình sản xuất nông nghiệp 4.0. Từ đây, các em không những tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm và kỹ thuật mà còn có tiền để về nước khởi nghiệp bằng các mô hình nông nghiệp 4.0. Thành phố Đà Nẵng cũng cần có bước đột phá để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mang lại hiệu quả lớn cho kinh tế địa phương.
Ông Dương Hiển Tú, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông trại An Phú Đà Nẵng:
Đầu tư xây dựng bao bì, nhãn hiệu nông sản sạch
Bên cạnh việc đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và nâng cao chất lượng nông sản, theo tôi, các doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng bao bì, nhãn hiệu nông sản sạch để bán được hàng; bên cạnh đó, cần tối ưu quá trình sản xuất, vận chuyển để giảm chi phí và hạ giá thành sản phẩm. Rất nhiều khách sạn, khu nghỉ mát trên địa bàn Đà Nẵng rất thích mua sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, nhưng giá thành quá cao nên từ chối mua nông sản sạch mà mua rau đại trà ở chợ đầu mối. Mặt khác, các doanh nghiệp quan tâm đến việc bảo quản và vận chuyển nông sản đến nơi tiêu thụ sao cho sản phẩm không bị dập, nát vì nông sản sạch rất nhanh hư, úng do không có chất bảo quản. Một khi khâu tiêu thụ nông sản được vận hành tốt sẽ kích thích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Để làm được điều đó thì chính quyền thành phố, các sở, ban, ngành có những hỗ trợ thiết thực để doanh nghiệp, người nông dân mạnh dạn đầu tư nhiều hơn nữa…
HOÀNG HIỆP (ghi)