60 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH THỦY SẢN VIỆT NAM (1-4-1959 _ 1-4-2019)

Thủy sản Đà Nẵng, thành tựu và phát triển

.

Trải qua 60 năm phát triển, ngành thủy sản Việt Nam đã có những bứt phá vượt bậc. Riêng với ngành thủy sản Đà Nẵng, chặng đường phát triển gắn liền với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và đi lên của thành phố. Nghề cá đã chuyển từ thô sơ, thủ công sang đánh bắt xa bờ, hiện đại với nhiều con tàu công suất lớn. Hoạt động khai thác gắn với dịch vụ, công nghiệp chế biến, trở thành một trong những lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế biển của thành phố.

Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang được đầu tư xây dựng hoàn thành vào năm 2004 tạo điều kiện phát triển đồng bộ dịch vụ hậu cần thủy sản.    Ảnh: HOÀNG HIỆP
Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang được đầu tư xây dựng hoàn thành vào năm 2004 tạo điều kiện phát triển đồng bộ dịch vụ hậu cần thủy sản. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Vào cuối tháng 3, đầu tháng 4-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nhiều làng cá và bà con ngư dân ở các đảo Tuần Châu, Cát Bà. Tại đây, Bác đã căn dặn: “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”. Ngày 18-3-1995, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 173/QĐ-TTg chính thức lấy ngày 1-4 hằng năm là ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam.

Sau 60 năm phát triển (1959-2019), ngành thủy sản Việt Nam đã có những bứt phá vượt bậc. Đặc biệt, sản lượng khai thác thủy sản trong năm 2018 đạt 7,74 triệu tấn, gấp 5,6 lần so với năm 1995. Sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 thị trường; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 9 tỷ USD, trở thành một trong những nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới…

Mục tiêu và nhiệm vụ phát triển ngành thủy sản Việt Nam được Ban Chấp hành Trung ương Đảng định hướng tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng...

Đối với ngành thủy sản Đà Nẵng, từ khi thống nhất đất nước, ngành giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế của thành phố. Nhất là từ năm 1997 đến nay, ngành thủy sản được quan tâm, xây dựng và phát triển thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, sản xuất hàng hóa quy mô lớn...

Cùng với đó, việc hoàn thành đầu tư xây dựng âu thuyền, cảng cá Thọ Quang và Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng vào năm 2004 đã tạo điều kiện sắp xếp, bố trí các hoạt động nghề cá, phát triển lĩnh vực chế biến thủy sản theo hướng giá trị gia tăng, đồng bộ dịch vụ hậu cần thủy sản. Hiện nay, có 23 doanh nghiệp chế biến thủy sản hoạt động tại Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng với công suất chế biến 60.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong năm 2018 đạt 220 triệu USD.

Trong những năm qua, năng lực khai thác hải sản của thành phố phát triển theo chiều sâu và tạo bước đột phá. Từ năm 2012, việc ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá có công suất từ 400CV trở lên đã đẩy mạnh khai thác xa bờ và làm dịch vụ hậu cần trên biển. Số lượng tàu cá có công suất lớn tăng nhanh, số lượng tàu có công suất dưới 90CV giảm mạnh. Đến cuối năm 2018, thành phố có 1.254 tàu cá; trong đó, tàu có công suất trên 90CV là 661 tàu (chiếm 53%).

Tàu cá công suất từ 400CV trở lên có 540 tàu, đặc biệt có nhiều tàu cá công suất trên 1.000CV. Cơ cấu nghề khai thác chuyển biến đáng kể theo hướng giảm mạnh các nghề khai thác cấm và hủy diệt nguồn lợi thủy sản, tăng các nghề khai thác vùng khơi có hiệu quả kinh tế cao.

Tổng sản lượng hải sản khai thác được hằng năm 38.500 - 43.000 tấn với tổng giá trị 1.500 - 1.750 tỷ đồng. Ngư dân được chuyển giao và tự trang bị nhiều ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ mới (máy dò ngang, máy nhận dạng tự động, thông tin liên lạc tầm xa…). Mạng lưới thông tin biển ngày càng phát triển, thông suốt và đã tổ chức, thành lập 112 tổ đoàn kết sản xuất trên biển với 734 tàu nhằm hỗ trợ sản xuất, tương trợ, cứu hộ, cứu nạn trên biển, giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc…

Chính phủ đã xác định thành phố Đà Nẵng là một trong 5 trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường Hoàng Sa. Thành ủy Đà Nẵng cũng đã ban hành chương trình hành động về triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, xác định ngành thủy sản được ưu tiên đầu tư ở vị trí thứ 3 trong 6 ngành kinh tế biển của thành phố.

Đồng thời, thành phố định hướng phát triển ngành thủy sản Đà Nẵng là khai thác hải sản theo hướng hiện đại, tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao; đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng nghề cá tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang để tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá, trở thành trung tâm dịch vụ nghề cá của khu vực duyên hải miền Trung; thúc đẩy các hoạt động khai thác hải sản bền vững; tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi thủy sản; nghiêm cấm các hoạt động mang tính hủy diệt.

Ngành thủy sản thành phố cũng hướng tới hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã; khuyến khích đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường…

Với những định hướng, giải pháp phát triển nói trên, cùng sự quan tâm, đầu tư của Chính phủ và thành phố, tin tưởng rằng, trong thời gian đến, ngành thủy sản thành phố tiếp tục có những thành tựu mới góp phần xây dựng Đà Nẵng văn minh, hiện đại, đáng sống và thực hiện thắng lợi chương trình hành động về chiến lược biển trên địa bàn.

NGUYỄN PHÚ BAN

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố


 

;
;
.
.
.
.
.