Thành phố đang thúc đẩy xây dựng chợ đầu mối nông sản Hòa Phước nhằm hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm giao thương, kết nối nông sản của cả nước cũng như góp phần thực hiện thành công kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Đà Nẵng cần hình thành một chợ đầu mối nông sản chuyên nghiệp để góp phần thực hiện thành công kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn. |
“Sứ mệnh” mở đường
Năm 2005, chợ đầu mối nông sản Hòa Cường (quận Hải Châu) chính thức đi vào hoạt động với diện tích 2ha. Trải qua 14 năm, đây là nơi tập kết hàng nông sản gồm: rau, củ, trái cây các loại khắp cả nước trước khi phân phối về các chợ truyền thống, cơ sở buôn bán lẻ cũng như một số tỉnh, thành lân cận.
Ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng ban Quản lý chợ đầu mối Hòa Cường cho hay, trung bình mỗi ngày có khoảng 300-350 tấn rau, củ, quả nhập về chợ đầu mối Hòa Cường; trong đó, hơn một nửa là trái cây các loại. Tuy nhiên, giao dịch mua bán tại chợ mới dừng ở phân khúc “mua đứt, bán đoạn”, chưa thực sự đúng tính chất của một chợ đầu mối nông sản hay còn gọi là thị trường nông sản - nơi chuyên bày bán các sản phẩm từ chính người nông dân (có sự trao đổi trực tiếp của nông dân đến tay người tiêu dùng).
Trong khuôn khổ của một khu chợ nông sản thường gồm các quầy hàng ngoài trời hoặc trong nhà, ở đó nông dân và các đơn vị sản xuất bày bán các loại sản vật địa phương hay từ các địa phương khác trong và ngoài nước.
Với xu thế hiện nay, nhất là ngành du lịch đang phát triển, chợ đầu mối nông sản không chỉ dừng lại ở một khu chợ mua bán đơn thuần mà còn được mở rộng thành điểm tham quan, mua sắm, phản ánh nền văn hóa và kinh tế địa phương.
Theo Sở Công thương, hiện nay, nguồn hàng từ chợ đầu mối Hòa Cường chủ yếu nhập từ các địa phương khác. Theo đó, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố mới chỉ đáp ứng 10% nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của hơn 1 triệu dân và nhiều triệu lượt khách du lịch mỗi năm; trong khi năm 2018, Đà Nẵng đón hơn 7,6 triệu lượt khách du lịch và dự kiến năm 2019 đón trên 8 triệu lượt khách. 90% lượng hàng cung ứng còn lại hiện nay đến từ nhiều vùng rau, củ, quả trong cả nước (khu vực phía bắc, Lâm Đồng, Tây Nguyên, Quảng Nam, Tây Nam Bộ) và một lượng không nhỏ đến từ Trung Quốc.
Thời gian qua, để kiểm soát tình hình an toàn thực phẩm, chợ đầu mối Hòa Cường xây dựng trạm giám sát và test nhanh mẫu thực phẩm tại chợ. Việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ tại chợ Hòa Cường ngày càng được thực hiện có hiệu quả, như thay vì chỉ ghi thông tin hàng hóa vào sổ ghi chép, tiểu thương đã xuất trình hóa đơn mua bán, giao dịch để các cơ quan chức năng dễ dàng hơn trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Mặc dù số mẫu vật phẩm test còn hạn chế, song cũng phần nào góp phần kiểm soát tình hình an toàn thực phẩm tại đây.
Năm 2019, thành phố đặt mục tiêu 90% các cơ sở kinh doanh nông sản, thủy sản tại các chợ đầu mối thực hiện kê khai nguồn gốc xuất xứ nhằm nâng cao an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Cần một chợ đầu mối nông sản chuyên nghiệp hơn
Ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, việc xây dựng chợ đầu mối nông sản Hòa Phước là cần thiết và phải thực hiện hiệu quả. Bởi lẽ với quy mô 2ha, trong vài năm tới, chợ đầu mối nông sản Hòa Cường sẽ quá tải, không đủ năng lực cung ứng thực phẩm cho thành phố, nhất là khi lượng khách du lịch ngày càng tăng mạnh, chưa nói đến việc vươn tầm trở thành một chợ đầu mối của cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Thông tin từ Sở Công thương cho biết thêm, chợ đầu mối nông sản Hòa Phước được quy hoạch 10ha nhằm đủ năng lực cũng như bảo đảm các tiêu chí của một chợ đầu mối. Đó phải là nơi trung chuyển, giao thương hàng hóa giữa khu vực miền Trung - Tây Nguyên với cả nước và ngược lại chứ không chỉ dừng ở việc đưa hàng về tiêu thụ trong nội thành. Việc lựa chọn xây dựng chợ đầu mối ở xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) là để thuận tiện yếu tố thông thương, luân chuyển, kết nối, tập kết và phân phối hàng hóa.
Theo ông Nguyễn Hà Bắc, vấn đề quan trọng nhất là làm sao đầu tư xây dựng một khu chợ đầu mối xứng tầm, đúng bản chất và bảo đảm hoạt động hiệu quả. Sở Công thương đang thực hiện báo cáo tiền khả thi dự án. Chợ đầu mối nông sản Hòa Phước sớm đi vào hoạt động sẽ góp phần thực hiện nhiệm vụ quan trọng là đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm giao thương, thương mại của khu vực miền Trung - Tây nguyên và cả nước.
Bài và ảnh: HOÀNG LINH