Sản xuất rau thủy canh ở phường Hòa Phát

.

Sau khi làm vườn mẫu sản xuất rau thủy canh đạt hiệu quả cao, phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) đang triển khai nhân rộng mô hình này.

Tham quan và đúc rút kinh nghiệm tại vườn mẫu sản xuất rau thủy canh.
Tham quan và đúc rút kinh nghiệm tại vườn mẫu sản xuất rau thủy canh.

Từ giữa năm 2018, UBND phường Hòa Phát xây dựng mô hình rau thủy canh và mở khóa tập huấn kỹ thuật sản xuất rau thủy canh cho 35 nông dân, với sự trợ giúp của các cơ quan chức năng. Lãnh đạo phường cũng tổ chức 4 đoàn tham quan học tập các mô hình sản xuất rau thủy canh tại tỉnh Quảng Nam và các địa phương khác. Tiếp đó, được sự tài trợ của ông Nguyễn Lê Hoài Long, Việt kiều tại Hoa Kỳ (từng sinh sống ở phường Hòa Phát), chính quyền địa phương đã đầu tư làm mô hình vườn mẫu sản xuất rau thủy canh công nghệ cao, với kinh phí 150 triệu đồng.

Vườn mẫu rộng 120m2, có nhà lưới để hạn chế sự ảnh hưởng của thời tiết. Trong nhà lưới được lắp đặt các giàn ống nhựa phi 90 và có hệ thống nước luân chuyển dòng chảy. Trên các ống nhựa, cách khoảng 20cm có một lổ nhỏ vừa đặt rọ nhựa trồng rau. Hạt giống rau được ươm trong các tấm xốp để mọc thành cây con giống. Rọ nhựa trồng rau cao khoảng 5cm và hơn nửa phần ngập dưới mặt nước. Mỗi rọ trồng 2 cây rau giống. Nước dinh dưỡng được pha vào dòng chảy luân chuyển trong các giàn ống nhựa.

Trồng và chăm sóc rau thủy canh hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Cây rau phát triển nhanh, xanh mơn mởn và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trồng một tháng là có thu hoạch, 10 - 12 rọ thu được 1kg rau. Anh Hoàng Ngọc Thức, một trong hai học viên khóa tập huấn kỹ thuật sản xuất rau thủy canh, đảm nhiệm làm vườn mẫu cho biết: “Sản phẩm rau thủy canh tươi ngon, giá cao hơn rau sản xuất trên đất, mỗi kg 50.000 - 70.000 đồng và hằng tháng vườn rau mẫu này bán được 400 - 600kg”.

Từ thành công của mô hình vườn mẫu, ông Nguyễn Lê Hoài Long đang xúc tiến thủ tục đầu tư thêm 1 tỷ đồng để mở rộng vườn mẫu lên 1.000m2. Đồng thời, UBND phường Hòa Phát đã lắp đặt 11 mô hình sản xuất rau thủy canh, hỗ trợ cho các khu dân cư và lực lượng dân quân phường. Mỗi mô hình rộng khoảng 4m2, có công suất 10-15kg rau/tháng. Những người nhận mô hình này đều đã được tập huấn kỹ thuật sản xuất rau thủy canh, ai cũng phấn khởi bởi đã trực tiếp làm ra sản phẩm rau chất lượng cao và hằng tháng có thêm thu nhập cho gia đình.

Đơn cử như ông Nguyễn Giác ở khu dân cư số 8 thường xuyên có sản phẩm cải thiện bữa ăn gia đình và còn có bán, cả nhà ông ai cũng coi rau thủy canh là món ăn khoái khẩu. Còn ông Nguyễn Lộc (tổ 20) đặt mô hình sản xuất rau thủy canh tại nhà sinh hoạt cộng đồng của khu dân cư, hằng ngày nhộn nhịp người đến xem với nhiều lời khen ngợi. “Trồng rau thủy canh không khó, cũng không nặng nhọc và tôi coi đây là một thú vui nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống”, ông Lộc chia sẻ.              

Theo các hộ nông dân ở phường Hòa Phát, nên trồng cuốn chiếu để có thu hoạch liên tục, còn 1 chai nước dinh dưỡng để trồng rau thủy canh chỉ có 50.000 đồng và sử dụng được 1 tháng rưỡi đối với mô hình được hỗ trợ.      

Sau nửa năm làm vườn mẫu, UBND và Hội Nông dân phường Hòa Phát đã đúc rút kinh nghiệm và đang phối hợp triển khai mô hình sản xuất rau thủy canh khắp các khu dân cư trong toàn phường. Theo Chủ tịch Hội Nông dân quận Cẩm Lệ Hứa Thị Thùy Phương, đây là mô hình đầu tiên trên địa bàn quận, phù hợp với phát triển nông nghiệp đô thị và cần được tuyên truyền nhân rộng.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.