Qua hai lần tổ chức, chương trình “Tọa đàm mùa Xuân” - sự kiện được ví như “Hội nghị Diên Hồng” của thành phố đã tạo ra bước chuyển biến tích cực và hiệu quả trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mở ra cơ hội mới cho thành phố.
Sau hai lần tổ chức, chương trình “Tọa đàm mùa Xuân” trở thành sáng kiến hiệu quả trong hoạt động thu hút đầu tư của Đà Nẵng. |
Đây là tiền đề quan trọng cho Đà Nẵng bước vào giai đoạn phát triển với “kim chỉ nam” là Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được ban hành.
“Tọa đàm mùa Xuân” được đánh giá là sáng kiến độc đáo, động thái kịp thời của Đà Nẵng sau giai đoạn kết quả thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố có dấu hiệu chững lại. “Tọa đàm mùa Xuân” khởi đầu vào ngày 8-3-2018, đến lần tiếp theo vào ngày 1-3-2019 là quá trình hành động và nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị thành phố trong việc tích cực thay đổi, khắc phục những “điểm nghẽn” về chính sách gây ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư.
Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng nhìn nhận, khoảng cách giữa hai lần tổ chức chương trình “Tọa đàm mùa Xuân” chính là thời gian để Đà Nẵng điều chỉnh những gì chưa hợp lý trong cơ chế, chính sách nhằm giải phóng các nguồn lực, nhất là đất đai để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, ngay sau “Tọa đàm mùa Xuân 2019”, trong vòng chưa đến 1 tháng kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, một số dự án đã chính thức khởi công.
Sau năm 2018 với kết quả đạt được còn khiêm tốn đã làm dấy lên những hoài nghi về nỗ lực thu hút đầu tư của thành phố, bước sang năm 2019, ngay tại “Tọa đàm mùa Xuân”, thành phố đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 8 dự án với tổng vốn lên tới gần 500 triệu USD (tăng mạnh so với kết quả đạt được của cả năm 2018 là 285,8 triệu USD).
Đáng chú ý, phần lớn trong số này là những dự án có quy mô lớn lên đến hàng trăm triệu USD, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố, đó là du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2019, hoạt động thu hút đầu tư của Đà Nẵng tăng cả về số lượng và chất lượng. Những dự án này khi đi vào hoạt động sẽ tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho những lĩnh vực khác.
Những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh từ “Tọa đàm mùa Xuân 2018” đến “Tọa đàm mùa Xuân 2019” còn góp phần làm mở rộng thị trường thu hút đầu tư của Đà Nẵng. Nếu trước đây các nhà đầu tư vào thành phố chủ yếu tập trung ở những quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)…, thì nay, Đà Nẵng tiếp nhận làn sóng đầu tư đến từ các nền kinh tế lớn trên thế giới như: Hoa Kỳ, Úc…
Mới đây nhất, vào ngày 26-3, một phái đoàn gồm 15 doanh nghiệp lớn của Canada đã đến Đà Nẵng nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư ở các lĩnh vực xây dựng, giáo dục chất lượng cao… Ông Bryon Wilfert, Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Viện Đào tạo giám đốc doanh nghiệp Canada khẳng định: “Chúng tôi ấn tượng với nỗ lực thu hút đầu tư cũng như tiềm năng lớn từ thành phố ven biển xinh đẹp này và mong muốn được đặt mối quan hệ hợp tác lâu dài, bền vững”.
Đến nay, với hàng loạt dự án trong và ngoài nước được cấp thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư rồi triển khai khởi công xây dựng để đi vào hoạt động, Đà Nẵng sẽ tiếp tục trở thành “đại công trường” trong thời gian tới sau khoảng thời gian hơn 20 năm đẩy mạnh xây dựng, chỉnh trang đô thị.
Ông Lê Trường Kỹ, Chủ tịch Dinco Group bày tỏ: “Sáng kiến tổ chức chương trình “Tọa đàm mùa Xuân” của thành phố rất hay và ý nghĩa. Qua hai lần tổ chức, thành phố đã tiếp thu, lắng nghe chân thành những ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chúng tôi tin rằng, cộng đồng doanh nghiệp sẽ tích cực hơn trong việc chủ động tìm kiếm cơ hội làm ăn từ hoạt động thu hút đầu tư này”.
Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, để đạt được các mục tiêu Nghị quyết 43-NQ/TW đề ra, Đà Nẵng phải phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 trên 12%/năm. Đây là nhiệm vụ không hề đơn giản, bởi lẽ tốc độ tăng trưởng đặt ra rất cao so với thực tế hiện nay nhưng cũng thể hiện khát vọng tăng trưởng nhanh của thành phố và kỳ vọng rất lớn của Trung ương về việc thực hiện vai trò động lực, có sức lan tỏa của thành phố Đà Nẵng đối với khu vực.
TS Trần Du Lịch cũng cho rằng, Đà Nẵng phải tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, phải thu hút được những nhà đầu tư chiến lược vừa có khả năng tài chính, vừa có tầm cho ra những sản phẩm lớn. Cần xem mục tiêu trở thành một cực tăng trưởng của khu vực, vươn tầm một đô thị hiện đại, thông minh của khu vực châu Á vào năm 2045 là khát vọng để Đà Nẵng quyết tâm hướng tới.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA