Nâng quy mô phát triển nghề đá mỹ nghệ Non Nước

.

Ngày 2-8-2019, UBND thành phố phê duyệt mở rộng Làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn giai đoạn 2 có tổng  vốn đầu tư gần 45 tỷ đồng; qua đó nâng quy mô đầu tư phát triển làng nghề và tổ chức lại sản xuất, tránh phân tán, gây ô nhiễm môi trường ở khu dân cư.

Việc UBND thành phố phê duyệt mở rộng Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ nơi đây phát triển quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề.
Việc UBND thành phố phê duyệt mở rộng Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ nơi đây phát triển quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề.

Sau giai đoạn 1, dự án mở rộng Làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước giai đoạn 2 được triển khai nhằm mục tiêu di dời toàn bộ hơn 100 hộ sản xuất nghề đá truyền thống còn lại đang nằm rải rác trong các khu dân cư ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) về khu sản xuất tập trung; đồng thời có những điều chỉnh kịp thời nhằm giải quyết những bất cập đã được nhận diện và phản ánh sau hơn 3 năm thực hiện giai đoạn 1 về nhu cầu bố trí, mở rộng diện tích đất sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường, tăng năng lực sản xuất lẫn giá trị làng nghề truyền thống...

Trong tổng diện tích 68.160m2 quy hoạch mở rộng Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (giai đoạn 2) được bố trí ở bãi chứa đá nguyên liệu hiện nay, đoạn cuối đường Mai Đăng Chơn (thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), phần đất chia lô sản xuất có diện tích 23.919m2 (chiếm tỷ lệ 35,09%) tương ứng với 185 lô; đất dành cho giao thông, mương kỹ thuật là 26.265m2 (chiếm tỷ lệ 38,54%); đất dành làm bãi chứa đá và trạm xử lý phế phẩm đá là 17.976m2 (chiếm tỷ lệ 26,37%). Theo quyết định này, mỗi lô bố trí có diện tích trung bình là 112,5m2 (rộng 7,5m và dài 15m), trong đó có 10 lô ở rìa phía nam đã được phê duyệt.

Các cơ sở sản xuất khi được cấp mặt bằng trong khu sản xuất tập trung này phải cam kết xây dựng nhà xưởng theo đúng thiết kế quy định, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn trong sản xuất, thực hiện đúng pháp luật các nghĩa vụ về thuế, đăng ký kinh doanh...; ưu tiên mở rộng diện tích, quy mô xưởng sản xuất đối với các cơ sở sản xuất đá theo hình thức điêu khắc thủ công với các tác phẩm có giá trị nghệ thuật, văn hóa cao; có chính sách hỗ trợ toàn bộ chi phí di dời, vận chuyển, xây dựng nhà xưởng ban đầu cho các cơ sở sản xuất... thông qua hình thức giảm chi phí thuê đất cho các cơ sở trong 3 năm đầu tiên...

Đặc biệt, đối với vấn đề ô nhiễm môi trường, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý ô nhiễm môi trường trong khu làng nghề, bụi phát tán trong không khí, bột đá phế thải trong làng nghề, xử lý nước thải làng nghề, ô nhiễm bụi, tiếng ồn, rác thải làng nghề. Theo đó, có một số giải pháp như thực hiện thường xuyên theo định kỳ việc khơi thông hệ thống thoát nước, hệ thống nước thải sản xuất tại khu sản xuất tập trung làng nghề với hình thức hợp đồng với các công ty, đơn vị chức năng có năng lực, kinh nghiệm; tăng không gian xanh nhằm khắc phục sự phát tán của bột đá trong khu sản xuất; bố trí thêm các thùng đựng rác dọc các cơ sở sản xuất đáp ứng nhu cầu xả rác thải của khu sản xuất; thường xuyên kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở không chấp hành...

Theo Ban quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, giai đoạn 1 (2016-2018), làng nghề được quy hoạch với tổng diện tích 35ha, tập trung bố trí cho 370 cơ cở chế tác đá với diện tích trung bình mỗi cơ sở là 100m2 (ngang 5m, dài 10m); qua đó, tạo việc làm cho trên 3.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào hoạt động, thực tế đã nảy sinh nhiều bất cập được người dân phản ánh lên Ban quản lý cũng như lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn. Chẳng hạn như việc bố trí diện tích chưa hợp lý, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất đặc thù của nghề đá; tình trạng ô nhiễm môi trường đang đe dọa cuộc sống tại đây...

Ông Võ Đức Huy, Trưởng ban quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước cho rằng, việc mở rộng Làng nghề đá mỹ nghệ giai đoạn 2 sẽ giải quyết được cơ bản những vướng mắc trước đây nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân ổn định và phát triển sản xuất. “Hiện nay, hoạt động điêu khắc đá ở Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đã chuyển sang hình thức sản xuất đá công nghiệp với việc áp dụng máy móc hiện đại vào quá trình chế tác (nhất là những sản phẩm có kích thước lớn); hình thức gia công truyền thống không còn được duy trì nhiều, phần lớn được áp dụng cho các sản phẩm có kích thước nhỏ. Chính vì vậy, việc quy hoạch giai đoạn 2 sẽ bảo đảm nâng tầm quy mô nhằm tạo điều kiện cho người dân mở rộng hoạt động sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường”, ông Huy cho hay.

Qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đã chuyển sang hướng ngành công nghiệp chế tác đá.
Qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đã chuyển sang hướng ngành công nghiệp chế tác đá.

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Minh, Chủ tịch Hội Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước kỳ vọng giai đoạn 2 sẽ khắc phục được những vấn đề như: bố trí diện tích mặt bằng phải bảo đảm công bằng, minh bạch; có phương án xử lý tốt môi trường trong làng nghề; các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước. Nhiều người dân ở khu vực đường Huyền Trân Công Chúa cũng cho rằng, bên cạnh việc quy hoạch giai đoạn 2 của làng nghề, cũng cần quan tâm, bố trí xây dựng một khu vực để biểu diễn thực cảnh về truyền thống, kỹ thuật gia công đá truyền thống của làng nghề cho khách du lịch đến tham quan.

Về lâu dài, cần kết nối khu làng nghề thành chuỗi điểm đến tham quan, khám phá với khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, tuyến đường mang nhiều dấu tích huyền sử Huyền Trân Công Chúa. Được biết, ở giai đoạn 2, UBND thành phố giao Sở Du lịch phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về điểm đến trên các phương tiện thông tin đại chúng; khuyến khích các đơn vị, công ty lữ hành lồng ghép vào các tour, tuyến…

Ông Nguyễn Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, ngay sau khi giai đoạn 2 của dự án được phê duyệt, trước mắt sẽ tổ chức buổi họp dân ở phường Hòa Hải nhằm thông báo về chủ trương của thành phố để người dân nắm bắt thông tin; phối hợp tích cực với các đơn vị liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng để công tác di dời vào khu sản xuất tập trung.

Theo Ban quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn), giai đoạn 1 (2016-2018) của làng nghề đá được quy hoạch với tổng diện tích 35ha, tập trung bố trí cho 370 cơ cở chế tác đá với diện tích trung bình mỗi cơ sở là 100m2 (ngang 5m, dài 10m); tạo việc làm cho trên 3.000 lao động với thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào hoạt động, giai đoạn 1 của dự án đã nảy sinh nhiều bất cập như việc diện tích bố trí chưa hợp lý, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất đặc thù của nghề đá, phát sinh tình trạng ô nhiễm môi trường...

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.