Là một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng nên du lịch luôn được thành phố quan tâm hàng đầu. Dù có tăng trưởng ổn định, nhưng sự phát triển quá nhanh cũng kéo theo một số vấn đề, tiềm ẩn những nỗi lo về môi trường du lịch.
Cần có các giải pháp quản lý phù hợp để bảo đảm môi trường du lịch. Ảnh minh họa: Du khách tham quan tại khu du lịch Bà Nà hills. |
Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (gọi tắt là Ban quản lý) cho rằng, hiện nay lượng khách đến với biển Đà Nẵng quá đông nên xảy ra một số trường hợp bị mất cắp tài sản.
Trước tình trạng đó, Ban quản lý đã báo cáo với lực lượng an ninh địa phương để ghi nhận; đồng thời, tăng cường bảo đảm công tác an ninh trật tự. Ngoài việc thường xuyên tuyên truyền trên loa phát thanh, nhắc nhở du khách nên gửi đồ hoặc phải có người giữ với những tài sản có giá trị khi vui chơi, tắm biển, Ban quản lý cũng tăng cường lực lượng của Đội trật tự du lịch biển những lúc cao điểm khách để quan sát, hỗ trợ khách khi cần thiết.
Tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, vận chuyển du lịch, khu điểm du lịch và hướng dẫn viên do Sở Du lịch tổ chức mới đây, Thượng tá Huỳnh Đức Ngô, Phó phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an thành phố Đà Nẵng nhìn nhận, lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng năm sau tăng hơn năm trước là đáng mừng nhưng kèm theo đó là những hệ lụy.
Đà Nẵng phải đối mặt với tình trạng khách nhập cảnh vào nước ta thông qua hình thức du lịch để tổ chức hoạt động lữ hành trái phép, hướng dẫn viên trái phép… gây phức tạp tình hình an ninh trật tự. Một số doanh nghiệp, đơn vị lữ hành bảo lãnh cho người nước ngoài đến nhưng lại bao che cho họ thay vì quản lý, dẫn đến việc họ hoạt động, hành nghề trái phép.
Theo Sở Du lịch, từ đầu năm đến nay, Thanh tra sở xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 152 triệu đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, đã tiếp nhận hồ sơ của Tổ phản ứng nhanh chuyển để kiểm tra xử lý, xử phạt 1 tổ chức và 1 cá nhân vi phạm kinh doanh lữ hành với số tiền 69,5 triệu đồng; xử phạt 23 trường hợp vi phạm với số tiền trên 83 triệu đồng liên quan đến lĩnh vực hướng dẫn du lịch và giả mạo hồ sơ đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên.
Sở Du lịch tham mưu UBND thành phố thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Du lịch chủ trì, phối hợp các sở, ngành chức năng kiểm tra và xử lý vi phạm. Theo đó, Cục Thuế thành phố xử phạt và truy thu thuế 3 đơn vị với số tiền trên 256,4 triệu đồng; kiểm tra, truy thu và xử phạt 6 doanh nghiệp lữ hành với số tiền trên 1 tỷ đồng và 6 cửa hàng, cơ sở mua sắm với số tiền 203 triệu đồng.
Cục Quản lý thị trường kiểm tra, xử phạt 33 cơ sở kinh doanh hàng hóa với tổng số tiền 154,7 triệu đồng với hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa, không niêm yết giá. Sở Giao thông vận tải kiểm tra, xử phạt 379 trường hợp phương tiện vận chuyển du lịch vi phạm với số tiền trên 968 triệu đồng…
Công an thành phố đã xử lý 191 người nước ngoài hoạt động sai mục đích nhập cảnh với tổng số tiền xử phạt gần 3,6 tỷ đồng, trong đó, xử phạt 5 người nước ngoài đối với hành vi tổ chức kinh doanh du lịch với số tiền 105 triệu đồng, buộc xuất cảnh trước thời hạn; đồng thời, trình UBND thành phố xử phạt 460 triệu đồng và đưa vào diện quản lý đối với 29 người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực du lịch, nhưng không thực hiện chương trình du lịch của công ty bảo lãnh; xử lý 7 cơ sở lưu trú với tổng số tiền 15 triệu đồng về hành vi cho người nước ngoài ở qua đêm không khai báo tạm trú theo đúng quy định.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, thời gian tới, ngành du lịch tiếp tục tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các ngành chức năng triển khai kế hoạch tăng cường quản lý hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch giai đoạn 2019-2020, đẩy mạnh phối hợp liên ngành kiểm tra, giám sát hoạt động các thị trường khách du lịch trọng điểm.
Triển khai kê khai giá dịch vụ lữ hành; quy chế phối hợp cung cấp thông tin, đối chiếu số liệu thống kê ngành du lịch; đồng thời, phối hợp với các ngành, địa phương trong việc quản lý các đơn vị lữ hành, hướng dẫn du lịch; phối hợp với Hiệp hội Du lịch xây dựng tiêu chuẩn tối thiểu dịch vụ trong chương trình tour giá rẻ, góp phần kiểm soát chi phí tối thiểu mỗi du khách.
Triển khai kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa, xử lý nghiêm các doanh nghiệp không thực hiện đăng ký cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa theo quy định của Luật Du lịch... “Từ những nền tảng sẵn có, ngành du lịch đã có những kế hoạch cũng như tầm nhìn chiến lược dài hơi hơn, thực hiện chiến lược phát triển du lịch bài bản chứ không phải là từng bước như trước nữa, như vậy mới bảo đảm phát triển du lịch bền vững”, ông Nguyễn Xuân Bình cho hay.
Bài và ảnh: SONG KHUÊ