Đẩy mạnh giải pháp hạn chế tín dụng đen

.

Để hạn chế tín dụng đen, các ngân hàng đang đẩy mạnh giải ngân, nới rộng hạn mức cho vay, phát triển nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng… giúp người dân tiếp cận nguồn vốn chính thống.

Các tổ chức tín dụng tích cực mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen. Trong ảnh: Nhân viên Vietcombank đang hướng dẫn cho khách hàng gói vay tiêu dùng.
Các tổ chức tín dụng tích cực mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen. Trong ảnh: Nhân viên Vietcombank đang hướng dẫn cho khách hàng gói vay tiêu dùng.

Đang làm ở một công ty với mức lương 3,5 triệu đồng, chị Huỳnh Thị Thanh Nguyên (tổ 28, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cho biết, có được công việc ngày hôm nay nhờ phần lớn vào chương trình cho vay học sinh - sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội. Gia đình chị Nguyên thuộc diện hộ nghèo, bố chị là người khuyết tật, mẹ vì làm việc quá nhiều nên mắt cũng mờ dần.

Chính vì vậy, số tiền 30 triệu đồng từ gói vay giúp chị đi học cao đẳng là động lực lớn để chị tiếp tục con đường học vấn và có việc làm ổn định. “Lúc chưa biết đến chương trình cho vay học sinh - sinh viên, mẹ tôi đã định tìm đến những địa điểm cho vay nặng lãi để có tiền cho tôi đi học. May sao, thông tin về chương trình được phổ biến kịp thời. Nếu không cứ nghĩ đến cảnh “lãi mẹ đẻ lãi con” của các gói tín dụng đen, chắc nhà tôi phải cầm cố mới có tiền trả nợ”, chị Nguyên chia sẻ.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và UBND thành phố, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng đã nâng mức cho vay từ 50 triệu đồng/hộ lên tối đa 100 triệu đồng/hộ và không phải bảo đảm tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo từ 1-3-2019. Thời hạn cho vay cũng kéo dài từ 60 tháng lên 120 tháng với hộ nghèo. Đến 31-8-2019, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 2.277 tỷ đồng, hơn 73.000 khách hàng, dư nợ bình quân 29,6 triệu đồng/khách hàng. Trong đó, dư nợ cho vay nhà ở xã hội đạt 149 tỷ đồng, dư nợ cho vay hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo đạt 538 tỷ đồng, dư nợ cho vay học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đạt 167 tỷ đồng…

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tín dụng đen vẫn tồn tại len lỏi trong xã hội dù các ngân hàng chính thống đang tích cực mở rộng tín dụng. Theo TS. Nguyễn Thành Đạt, Giảng viên khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), không phải người dân nào cũng đáp ứng được điều kiện vay của ngân hàng, hoặc vay phục vụ những hoạt động không được pháp luật cho phép nên họ tìm đến tín dụng đen. Do đó, để hạn chế tín dụng đen cần có sự phối hợp của các tổ chức tín dụng và các cấp chính quyền. Cụ thể, các ngân hàng nên dành nguồn vốn cần thiết để phát triển, đa dạng hóa các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng, phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng.

Ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, ngân hàng đang tăng cường phối hợp ủy thác cho vay thông qua các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, phối hợp với các hội đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… để người dân tiếp cận nguồn vốn kịp thời, hạn chế tín dụng đen. Cùng với đó, phối hợp đề xuất với các địa phương và thành phố, các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng những dự án, kết nối các mô hình kinh tế với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.

Với mục tiêu phát triển cho vay tiêu dùng để góp phần đẩy lùi tín dụng đen, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm như: xây dựng dự thảo sửa đổi Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính để phù hợp với thực tế; khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân.

Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng thông tin, ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thành phố đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng nắm rõ tình hình và diễn biến của hoạt động tín dụng đen trên địa bàn. Đồng thời, đơn vị cũng triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng, giới thiệu các nguồn vốn chính sách, các gói tín dụng tiêu dùng của tổ chức tín dụng đến Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân. Bên cạnh đó, cũng cần tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cho các chương trình, chính sách tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bài và ảnh: MAI QUẾ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.