Doanh nghiệp lo thiếu nguồn nhân lực

.

Bài toán về thiếu nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đã được các doanh nghiệp, nhà đầu tư đề cập từ nhiều năm nay. Đặc biệt, các địa phương lân cận tăng tốc trong hoạt động thu hút đầu tư khiến cho vấn đề này ngày càng trở nên bức thiết.

Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp lo ngại về việc thiếu nguồn nhân lực.                                                                            Ảnh: KHÁNH HÒA
Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp lo ngại về việc thiếu nguồn nhân lực. Ảnh: KHÁNH HÒA

Ông Satoru Takizawa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (KCN Hòa Khánh): Có chiến lược lâu dài cho nguồn nhân lực

Hiện nay, nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trên địa bàn thành phố rất khan hiếm. Ở các doanh nghiệp FDI (trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản) tại Đà Nẵng, lao động hầu hết đều được các doanh nghiệp đào tạo lại sau quá trình tuyển chọn từ các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài địa phương. Một quá trình đào tạo như vậy phải kéo dài vài năm, đi kèm đó là quá trình thực hành trực tiếp trên máy móc nên chi phí không hề nhỏ.

Trên thực tế, hiện nay có tình trạng nhân lực chất lượng cao “nhảy việc” sang những doanh nghiệp, tập đoàn lớn với mức lương cao hơn dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh về nguồn nhân lực; đồng thời gây mất niềm tin trong công tác tuyển dụng cũng như đào tạo đối với các doanh nghiệp đã có thời gian hoạt động lâu dài tại Đà Nẵng.

Thành phố cần có chiến lược chuẩn bị về đào tạo nguồn nhân lực cho 5-10 năm nữa, nhất là khi hoạt động thu hút đầu tư ngày càng khởi sắc sẽ có thêm nhà đầu tư đến làm ăn tại Đà Nẵng. Bài toán đặt ra là, nguồn nhân lực phải bảo đảm được nhu cầu cho nhà đầu tư mới nhưng cũng phải giữ được sự ổn định cho nhà đầu tư cũ. Các trường đại học, cao đẳng cần mở rộng các chuyên ngành đào tạo cũng như hiểu được nhu cầu của doanh nghiệp hơn.

Ông Akiyama Koichi, Công ty TNHH Kane-M Đà Nẵng: Doanh nghiệp cần nắm bắt được chủ trương, chính sách về đào tạo nhân lực

Hiện nay, nguồn lực lao động của Đà Nẵng rất hạn chế, không đủ đáp ứng ổn định cho các doanh nghiệp cũng như nhu cầu tuyển dụng của những nhà đầu tư mới vào thành phố. Việc thiếu nguồn nhân lực là điều được dự báo trước cho bất cứ địa phương nào khi họ tăng tốc phát triển.

Với lợi thế là trung tâm đào tạo lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Đà Nẵng cần tập trung đầu tư không chỉ giải quyết nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn mà còn là nơi cung ứng nguồn nhân lực cho cả khu vực. Đồng thời, doanh nghiệp cũng mong muốn nắm bắt được các chính sách, định hướng của thành phố nhằm giải quyết bài toán về nhân lực.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Thuận Phước (KCN Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang): Cạnh tranh gay gắt với các địa phương lân cận

Vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp sản xuất gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển lao động, nhất là những thời điểm cuối năm, trước và sau Tết Nguyên đán. Hiện nay, nguồn lao động chủ yếu dịch chuyển sang các ngành du lịch, dịch vụ và tiến về các địa phương lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Điều này không chỉ gây sức ép cho doanh nghiệp trong việc phải nâng lương, bảo đảm tốt hơn các chế độ chính sách; trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng khó khăn, cạnh tranh gay gắt dẫn tới doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp không nhiều.

Theo tính toán, để giữ chân người lao động, các doanh nghiệp phải đưa ra giải pháp tăng lương trung bình 5%/người/năm nhưng để làm được điều này doanh nghiệp phải bảo đảm doanh thu hằng năm tăng tương ứng 5%/năm. Trong xu thế sản xuất kinh doanh ngày càng khó khăn như hiện nay thì đây là bài toán nan giải đối với doanh nghiệp.

HOÀNG LINH (ghi)

;
;
.
.
.
.
.