Từ giữa năm 2018, các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp Đà Nẵng đã tổ chức nhiều khóa đào tạo cho cán bộ khởi nghiệp của các địa phương lân cận. Đây là cơ sở để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp liên kết vùng, trong bối cảnh nguồn lực khởi nghiệp của từng địa phương vẫn còn nhiều hạn chế.
Muốn phát triển bền vững một hệ sinh thái khởi nghiệp, cần cán bộ hỗ trợ có kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng trong lĩnh vực này. (Ảnh chụp tại một buổi đào tạo cán bộ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại DNES) |
Giám đốc Chương trình ươm tạo Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) Vũ Xuân Trường nhận định, trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên, hệ sinh thái Đà Nẵng có thể được xem là phát triển nhất. Nghị quyết số 43/NQ-TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo khu vực châu Á. Cùng với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là nơi được Chính phủ chọn để xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
Song để đạt được mục tiêu này, Đà Nẵng phải giải quyết các bài toán về quy mô thị trường nhỏ, thiếu nguồn nhân lực khởi nghiệp chất lượng cao... Do đó, thành phố cần liên kết với các địa phương lân cận, từ đó kết nối với các chuỗi liên kết vùng khác để xây dựng mạng lưới khởi nghiệp quốc gia. Trên thực tế, để thực hiện việc liên kết này, Đà Nẵng phải đóng vai trò “nhạc trưởng”. Ông Vũ Xuân Trường cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng hiện tương đối hoàn thiện và đã bắt đầu đi vào giai đoạn kích hoạt thế hệ khởi nghiệp tiềm năng.
Kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái bước đầu của thành phố tương đối phù hợp cho các địa phương khác trong vùng, có thể trở thành mô hình tham khảo. Từ cuối năm 2018 đến nửa đầu 2019, DNES đã tổ chức 3 khóa đào tạo cho cán bộ hỗ trợ khởi nghiệp tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Quảng Bình. Chương trình đào tạo tập trung vào việc cung cấp kiến thức tổng quan về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chia sẻ bài học kinh nghiệm từ Đà Nẵng; xây dựng kỹ năng tổ chức sự kiện, tạo lập cộng đồng và hỗ trợ startup.
Chị Trần Hồng Hạnh (Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị) cho biết, từ các bài học kinh nghiệm của Đà Nẵng, chị nhận ra tầm quan trọng của việc chính quyền địa phương tuyên truyền, hỗ trợ các vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo chị Hạnh, hiện số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp của Quảng Trị mới chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng tư duy đổi mới sáng tạo có thể được bắt đầu ngay từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, ThS Phạm Văn Dũng (ĐH Quảng Bình) cho rằng, bài học quan trọng nhất mà anh nhận được từ chương trình huấn luyện là để truyền cảm hứng cho sinh viên.
Bản thân những giảng viên, cán bộ phụ trách khởi nghiệp trong nhà trường phải có kiến thức và “ngọn lửa” khởi nghiệp. Kết thúc khóa đào tạo, anh Dũng chia sẻ mong muốn xây dựng một quán cà-phê kết hợp thư viện miễn phí tại Quảng Bình. Tại đây, anh sẽ mời các diễn giả đến trò chuyện và truyền cảm hứng về công việc và cuộc sống cho sinh viên, từ đó giúp các em xây dựng kỹ năng, mối quan hệ và ước mơ lập nghiệp.
Khởi nghiệp miền Trung vẫn còn một chặng đường rất dài để đi. Ông Vũ Xuân Trường chia sẻ, nhiều nơi vẫn chưa có ranh giới giữa khởi nghiệp (khởi sự kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa truyền thống) và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup). Do đó chưa thể xây dựng chính sách, cơ chế phù hợp cho từng đối tượng.
Ông Phạm Đức Nam Trung, Giám đốc DNES cho biết: “Các chương trình đào tạo cán bộ hỗ trợ khởi nghiệp của Đà Nẵng không phải chỉ làm xong 1-2 đợt rồi thôi mà được tiến hành dài hạn với mục tiêu xây dựng thành hệ thống mạng lưới các hệ sinh thái khởi nghiệp - ít nhất là giữa khu vực miền Trung. Kết quả của các hợp tác này có thể sẽ thấy rõ nhất sau 1-2 năm nữa”.
Ông Lý Đình Quân, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Khởi nghiệp Sông Hàn nhận định, đối tượng chính của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là con người. Để thực sự xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp ở các tỉnh miền Trung, cần có nhiều thay đổi trong tư duy của nguồn nhân sự hỗ trợ khởi nghiệp. Theo ông Quân, miền Trung có tài nguyên bản địa vô cùng to lớn - là cơ hội của các dự án khởi nghiệp nhưng hầu hết nguồn tài nguyên này chưa được khai thác, hoặc chỉ khai thác thô với giá trị thấp.
Gần 100 học viên hoàn thành chương trình đào tạo khởi nghiệp tại Đà Nẵng “Từ cuối năm 2018 đến nửa đầu năm 2019, DNES tổ chức 3 khóa đào tạo. Trong đó, 2 khóa tổ chức trong khuôn khổ của Nhiệm vụ 4 - Đề án 844 và 1 khóa mở rộng theo đề nghị riêng của tỉnh Quảng Nam. Các khóa học thu hút gần 100 học viên tham gia; tỷ lệ tham gia đầy đủ và hoàn thành chương trình đạt trên 80%; tỷ lệ hài lòng với chương trình đạt 75%”. (Nguồn DNES) |
Bài và ảnh: KHANG NINH