Nơi ươm mầm khởi nghiệp

.

Dù chưa sôi động như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng chính thị trường trẻ trung của Đà Nẵng lại là một điểm mạnh mà không phải nơi nào cũng có để phát triển khởi nghiệp.

Đà Nẵng dần trở thành một điểm đến có tiếng trong khu vực Đông Nam Á đối với cộng đồng “du mục kỹ thuật số”. (Ảnh: Enouvo  Co-working Space cung cấp).
Đà Nẵng dần trở thành một điểm đến có tiếng trong khu vực Đông Nam Á đối với cộng đồng “du mục kỹ thuật số”. (Ảnh: Enouvo Co-working Space cung cấp).

Cách đây 3 năm, tại Đà Nẵng có startup AntBuddy khá nổi trong giới khởi nghiệp với đội ngũ nhân sự trẻ và đều là người Đà Nẵng. AntBuddy là một trong số ít các startup chuyên cung cấp các giải pháp chăm sóc khách hàng đa kênh và thông minh, khai thác vào thị trường B2B (tức “business to business”, tạm dịch: “doanh nghiệp giao dịch với doanh nghiệp”).

Sau khi giành ngôi quán quân tại hội nghị và Triển lãm Khởi nghiệp Đà Nẵng 2016, AntBuddy tiếp tục hoàn thiện sản phẩm và xây dựng đội ngũ, đến cuối năm 2017 thì chuyển trụ sở chính vào Thành phố Hồ Chí Minh. Sau gần 3 năm, AntBuddy đã xây dựng được mạng lưới khách hàng gồm hàng trăm công ty ở Việt Nam và Myanmar, trong đó có Công ty TNHH MTV California Yoga & Fitness, Công ty CP Dịch vụ du lịch Bến Thành, Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim...

Với thị trường quy mô nhỏ và tương đối “khó tính”, Đà Nẵng là một nơi tốt các startup thử nghiệm. (Ảnh: SURF Space cung cấp)
Với thị trường quy mô nhỏ và tương đối “khó tính”, Đà Nẵng là một nơi tốt các startup thử nghiệm. (Ảnh: SURF Space cung cấp)

Ngoài AntBuddy, nhiều startup khác như Zody (ứng dụng tích điểm ở các quán ăn), TOB (nôi trẻ em thông minh)... cũng được ươm tạo từ Đà Nẵng rồi tiếp tục phát triển thị trường ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Anh Bùi Ngọc Vinh, người sáng lập không gian làm việc chung IoT Space (quận Hải Châu) hiện là Giám đốc Công ty TNHH ST United nhìn nhận: “Con đường “suôn sẻ” nhất của các startup là ươm tạo tại Đà Nẵng, thử nghiệm mô hình tại Đà Nẵng rồi tiến vào Thành phố Hồ Chí Minh hoặc ra Hà Nội mở rộng”. Giải thích về điều này, anh Vinh cho biết: “Nhìn chung startup thường... khá khó lấy tiền từ túi người miền Trung nói chung và người Đà Nẵng nói riêng, bởi đây là thị trường nhỏ và tương đối “khó tính”. Nếu họ lấy được tiền từ khách hàng miền Trung thì coi như đã vượt qua một bài kiểm tra, khả năng cao sẽ tiếp tục kiếm được khách hàng ở các thị trường lớn hơn trong nước”.

Anh Phạm Đức Nam Trung, Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng cho rằng, với dân số khoảng 1,5 triệu người cộng thêm trên 6 triệu khách du lịch mỗi năm, Đà Nẵng là một thị trường tốt các startup thử nghiệm. “Cái lợi của thị trường nhỏ là dù bạn có mắc sai lầm thì cũng không phải chịu hậu quả quá nghiêm trọng.

Hơn nữa, không thể phủ nhận rằng các cơ hội thương mại và nguồn nhân lực startup của Đà Nẵng đang mỏng hơn Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh. Song điều này đang thay đổi nhanh chóng, bởi ngày càng có nhiều startup đến Đà Nẵng để tận hưởng chất lượng cuộc sống tốt hơn”, anh Trung nói.
Trên thực tế, Đà Nẵng đang dần trở thành một điểm đến có tiếng trong khu vực Đông Nam Á đối với cộng đồng “du mục kỹ thuật số” (tức “digital nomad”, chỉ những người làm việc tự do, có thể di chuyển nhiều nơi nhưng vẫn bảo đảm công việc), trong đó có những người đang là sáng lập viên hoặc thành viên các startup nước ngoài. Chị Lindsay Jubeck (Mỹ) từng có nhiều năm làm du mục kỹ thuật số ở Việt Nam, Indonesia, Campuchia… Chị cho biết, rất nhiều du mục kỹ thuật số từ Chiang Mai, Thái Lan (vốn là một trong những nơi thu hút nhiều du mục kỹ thuật số nhất Đông Nam Á) đang chuyển dần sang Đà Nẵng.

Thế mạnh của Đà Nẵng chính là khí hậu tốt, ẩm thực ngon, bờ biển đẹp với nhiều môn thể thao đa dạng (như lướt sóng, dù bay), chi phí ăn ở thấp, nhiều không gian làm việc chung và đặc biệt là tốc độ Internet tốt… Chị nói: “Có thể hiện nay Đà Nẵng chưa có quy mô lớn hơn như Ubud (Indonesia), Medellin (Colombia) hay Chiang Mai (Thái Lan), nhưng Đà Nẵng đang phát triển từng ngày. Rất dễ tìm thấy những buổi gặp mặt, giao lưu giữa những du mục kỹ thuật số ở đây”.

TS Vũ Xuân Trường, Giám đốc chương trình ươm tạo Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (bên phải) trao đổi về khái niệm “khởi nghiệp tinh gọn” với một startup.
TS Vũ Xuân Trường, Giám đốc chương trình ươm tạo Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (bên phải) trao đổi về khái niệm “khởi nghiệp tinh gọn” với một startup.

Anh Phạm Đức Nam Trung nhìn nhận, Đà Nẵng đang có nhiều lợi thế để xây dựng thương hiệu như một nơi ươm mầm khởi nghiệp, một điểm đến của đổi mới sáng tạo (innovation hub). Như vậy, không cần quá đầu tư vào việc xây dựng thị trường cho startup phát triển, bởi những điều này thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đang có lợi thế và đã đi trước Đà Nẵng. Theo anh Trung, điều quan trọng là đẩy mạnh giáo dục, phát triển công nghệ, biến thành phố thành một “cái nôi” có hàm lượng tri thức và khoa học kỹ thuật lớn.

Trong khi đó, anh Bùi Ngọc Vinh cho rằng Đà Nẵng có thể thu hút các startup Nhật Bản, châu Âu, Mỹ... về “đóng đô” tại thành phố. Muốn vậy, cần phải có lực lượng lao động trẻ giỏi tiếng Anh (đây cũng là lý do khiến Chiang Mai, Ubud thu hút nhiều startup quốc tế). Ngoài ra, thành phố nên có những chính sách hỗ trợ các không gian làm việc chung, bởi đây là nơi có thể tạo ra liên kết với các nguồn lực startup quốc tế. Anh Vinh đưa ra hình ảnh so sánh: “Nếu được, hãy để startup nước ngoài vào Đà Nẵng với những chính sách ưu tiên hợp lý, giống như đường làm thủ tục ưu tiên cho hành khách “VIP” tại sân bay. Tôi tin rằng một khi thu hút được họ, chúng ta cũng sẽ thu hút được các quỹ đầu tư, khơi thông dòng tiền chảy vào thành phố. Đà Nẵng sẽ trở nên nhộn nhịp về tài chính giống như Hồng Kông, Singapore…, từ đó làm lợi cho chính các startup bản địa”.

KHANG NINH
 

;
;
.
.
.
.
.