Tái thiết đô thị phải hài hòa với cảnh quan thiên nhiên

.

Qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển sau khi chia tách từ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, đô thị Đà Nẵng có sự định hình theo hướng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, công tác quy hoạch đô thị vẫn còn một số hạn chế, trong đó, khâu thiết kế đô thị chưa được đề cập và triển khai thực hiện.

Phóng viên Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với KTS Nguyễn Phúc Thọ, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng thành phố Đà Nẵng về vấn đề này, nhấn mạnh tái thiết đô thị phải hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.

Đô thị Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ trong 20 năm qua. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Đô thị Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ trong 20 năm qua. Ảnh: HOÀNG HIỆP

* UBND thành phố vừa chỉ đạo và Sở Xây dựng giao nhiệm vụ đến Viện Quy hoạch xây dựng thành phố triển khai nội dung thiết kế đô thị. Vậy đâu là cơ sở pháp lý để thực hiện nội dung này?

- Thật sự công tác quy hoạch và thiết kế đô thị Đà Nẵng đang có khoảng trống quá lớn, bởi chưa thực hiện quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 lẫn thiết kế đô thị. Trong đồ án quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, phần tổ chức không gian cũng đã bao hàm công việc thiết kế đô thị ở một mức độ nào đó.

Tuy nhiên, để không gian đô thị có chất lượng, thiết kế đô thị phải được thể hiện hoàn chỉnh với tất cả khía cạnh của nó. Không chỉ ở khía cạnh tổ chức không gian có thẩm mỹ mà còn cả ở các khía cạnh xã hội, thời gian, tiện nghi ở các không gian nhỏ. Như vậy có thể hiểu sự phát triển của thiết kế đô thị đi liền với sự phát triển về văn hóa, tổ chức môi trường sống của cộng đồng.

Cùng với sự phát triển và tăng trưởng nhanh chóng của đô thị thành phố Đà Nẵng nói chung và khu vực trung tâm nói riêng, các công trình xây dựng, khu dân cư, khu thương mại, dịch vụ... được hình thành để đáp ứng với nhu cầu về đời sống ngày càng cao của người dân... nhưng chưa có các quy định, quy chế quản lý, kiểm soát chặt chẽ về hình thái kiến trúc cũng như các yếu tố cảnh quan, đặc biệt là đối với các công trình xây dựng nằm trong phạm vi khu vực.

Vì vậy, các công trình xây dựng thiếu đồng nhất, không định hướng được hình thái kiến trúc, không có cơ sở quản lý nếu phát sinh sai phạm, cũng như cần có việc ban hành các quy định có căn cứ, cơ sở pháp lý để xác định, hướng dẫn cho người dân thực hiện.

Vì những lý do nêu trên, việc lập thiết kế đô thị - quy định quản lý kiến trúc là cần thiết để từ đó làm cơ sở phục vụ công tác quản lý xây dựng đô thị; triển khai thực hiện các chủ trương đầu tư xây dựng, lập quy hoạch chi tiết; có cơ sở hướng dẫn giải quyết các dự án, đồ án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

*  Vậy các nhiệm vụ đang thực hiện là gì, cụ thể sản phẩm thiết kế đô thị đã được Viện Quy hoạch xây dựng đang triển khai như thế nào?

- UBND thành phố giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng đẩy nhanh công tác quy hoạch, thiết kế đô thị, nhất là khu vực trung tâm theo hướng phân ra các khu vực có cùng tính chất và ưu tiên các khu vực đang phát triển nóng, đề xuất quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc.

Các đồ án thiết kế đô thị nhằm mục đích kiểm soát việc xây dựng, khai thác, sử dụng công trình mới, công trình cải tạo, chỉnh trang đô thị, bảo vệ các di tích lịch sử, thắng cảnh, các khu vực đô thị đặc biệt theo định hướng tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan trên phạm vị toàn thành phố nhằm cụ thể hóa định hướng của Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4-12-2013 và đáp ứng yêu cầu quản lý quy hoạch đô thị; đồng thời xác định nguyên tắc, yêu cầu về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan cho các khu chức năng, các trục đường chính, các trục không gian cảnh quan. Tạo lập hình ảnh không gian kiến trúc đô thị hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển mới, bền vững, hội nhập.

Việc lập quy hoạch đồng bộ và khớp nối về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan phải hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, phù hợp với các điều kiện và yêu cầu mỹ quan đô thị. Nội dung thiết kế đô thị cũng đề xuất quy định quản lý không gian kiến trúc cảnh quan, làm cơ sở pháp lý để triển khai quy hoạch chi tiết các khu vực lập dự án đầu tư xây dựng và lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu vực trung tâm.

* Được biết, Viện Quy hoạch xây dựng đã hoàn tất nhiệm vụ thiết kế đô thị khu vực trung tâm thành phố và đã gửi kết quả thực hiện, lấy ý kiến từ các sở, ngành, địa phương liên quan. Ông có thể cho biết nội dung ý kiến đóng góp đó và Viện có đề xuất, kiến nghị gì trong việc thực hiện công trình thiết kế đô thị đối với khu vực trung tâm lẫn các khu vực khác trong thời gian đến?

- Căn cứ Quyết định số 269/QĐ-UBND ngày 15-1-2019 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc phê duyệt Nhiệm vụ thiết kế đô thị khu vực trung tâm thành phố (đoạn từ đường Nguyễn Tất Thành - đường Như Nguyệt - đường Bạch Đằng - đường  2 Tháng 9 - đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - đường quy hoạch 7,5m - đường quy hoạch 10,5m và đường Lê Độ) và căn cứ kết luận của lãnh đạo thành phố tại cuộc họp báo cáo chủ trương đầu tư, một số đồ án kiến trúc, quy hoạch trên địa bàn thành phố tháng 3-2019, Viện Quy hoạch xây dựng đã tiếp thu ý kiến và hiệu chỉnh hồ sơ thiết kế đô thị và báo cáo Sở Xây dựng tại Công văn số 242/VQH ngày 16-4-2019 về việc liên quan đến thiết kế đô thị khu vực trung tâm thành phố.

Cụ thể, Viện Quy hoạch xây dựng thành phố đã triển khai nghiên cứu công trình thiết kế đô thị và quản lý kiến trúc khu vực đô thị trung tâm thành phố Đà Nẵng. Phạm vi nghiên cứu và tổ chức thực hiện bao gồm quận Hải Châu, một phần các quận Thanh Khê và Cẩm Lệ.

Cụ thể, phía đông giáp sông Hàn, phía tây lấy trục sân bay Đà Nẵng, phía nam giáp đường Thăng Long và phía bắc giáp đường Nguyễn Tất Thành. Tổng diện tích nghiên cứu thiết kế đô thị trên 1.800ha.

Tổng quan mặt bằng thiết kế đô thị khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng do Viện Quy hoạch xây dựng thành phố thực hiện.
Tổng quan mặt bằng thiết kế đô thị khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng do Viện Quy hoạch xây dựng thành phố thực hiện.

Theo đó, nội dung thiết kế đô thị xây dựng các quy định về chỉ tiêu kiến trúc; quản lý sử dụng đất đai, thiết kế công trình hạ tầng kỹ thuật. Quan điểm chung về quản lý sử dụng đất là khuyến khích gộp thửa đất nhỏ thành thửa đất lớn.

Qua đây, đồ án thiết kế đô thị cụ thể hóa các hướng dẫn thiết kế xây dựng, kiến trúc các công trình nhà ở, công trình thương mại và dịch vụ gồm: chiều cao công trình xây dựng, khoảng lùi, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, bãi đỗ xe, quản lý kiến trúc xây dựng đối với công trình có diện tích xây dựng nhỏ, quy định kiến trúc cho các nhóm công trình đầu tư xây dựng.

Thiết kế đô thị cũng thể hiện các nội dung bao trùm về thiết kế cảnh quan, không gian kiến trúc và hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Ví dụ liên quan đến hạ tầng thoát nước, thiết kế đô thị làm rõ lưu lượng nước thải, giải pháp thoát nước thải.

Thiết kế cũng đưa ra nội dung quản lý như: Trong quá trình cấp phép xây dựng công trình thì ban đầu chỉ cấp phép phần móng để thi công, sau đó cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra phần ngầm của công trình đạt theo hồ sơ thiết kế xin phép mới cấp giấy phép xây dựng hoàn chỉnh...

Đến nay, Viện  Quy hoạch xây dựng thành phố đã nhận được góp ý của 5 đơn vị: Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải, Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND quận Cẩm Lệ. Đa số các góp ý đều tán thành các nội dung mà Viện Quy hoạch xây dựng đề xuất liên quan đến thiết kế đô thị khu vực Trung tâm thành phố.

Phải lấy người dân làm trọng tâm

 “Vấn đề tái thiết các khu đô thị cũ, triển khai nội dung thiết kế đô thị thực sự là nhiệm vụ cấp thiết của thành phố trong giai đoạn phát triển hiện nay. Cách tiếp cận và triển khai nội dung thiết kế đô thị mà Sở Xây dựng đang triển khai đối với khu vực trung tâm thành phố là kịp thời.

Theo tôi, cốt lõi là cách làm của chính quyền, của cơ quan chuyên ngành phải lấy người dân làm trọng tâm. Việc tái thiết các khu đô thị cũ cần để người dân tham gia, người dân chọn lựa, đưa ra quyết định cho hình mẫu của khu đô thị mình đang sinh sống. Ở đó, họ đưa ra quyết định cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Nguồn lực tái thiết đô thị của thành phố cần thiết phải đầu tư và người dân cũng chia sẻ trách nhiệm chung để có nền tảng đô thị phát triển bền vững”.

(Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại cuộc làm việc của Ban Thường vụ Thành ủy với Sở Xây dựng vào đầu tháng 9-2019.)

 “Trên cơ sở nội dung thiết kế đô thị khu vực trung tâm thành phố, Sở Xây dựng đề xuất thực hiện thí điểm tại phường Bình Hiên, quận Hải Châu (khu vực xung quanh Bảo tàng Điêu khắc Chăm). Theo đó, xây dựng các phương án cải tạo hạ tầng đô thị, đầu tư xây dựng các khu nhà ở mới theo quy chuẩn; tạo không gian cảnh quan của đô thị. Đây là khu vực đề xuất thực hiện công tác cải tạo các khu đô thị cũ trong khu vực trung tâm thành phố. Hiện đề xuất này đang trong giai đoạn lấy ý kiến người dân tại địa phương”.

(Ông Thái Ngọc Trung, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng)

TRIỆU TÙNG thực hiện

;
;
.
.
.
.
.