Giảm lãi suất cho vay, trợ lực doanh nghiệp

.

Cuối tháng 11, nhiều ngân hàng đồng loạt thông báo điều chỉnh giảm lãi suất cho vay Việt Nam đồng ngắn hạn. Đây là lần thứ ba kể từ đầu năm 2019 đến nay, các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Động thái này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất cuối năm.

Giảm lãi suất ngân hàng hỗ trợ một phần tài chính để doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Dana Plywood. (Ảnh minh họa)
Giảm lãi suất ngân hàng hỗ trợ một phần tài chính để doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Dana Plywood. (Ảnh minh họa)

Khác với những đợt giảm lãi suất trước, đợt giảm lãi suất lần này của các ngân hàng được đánh giá là bao phủ diện rộng, áp dụng cho tất cả doanh nghiệp chứ không chỉ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên. Như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố giảm lãi suất cho vay 0,5% cho tất cả doanh nghiệp từ nay đến 31-12-2019. Tương tự, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng giảm tới 2% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng doanh nghiệp và chủ hộ kinh doanh, giảm tới 3,6% lãi suất phục vụ mục đích sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, các ngân hàng khác cũng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm các lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Về phía doanh nghiệp, động thái trên của các ngân hàng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực. Chia sẻ về vấn đề này, bà Trương Thị Phương Linh, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Dana Plywood cho biết, doanh nghiệp thường xuyên cần nguồn vốn để đầu tư thêm thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất. Lâu nay, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ cho thị trường nước ngoài dù rất muốn mở rộng thị trường trong nước nhưng công suất chưa thể đáp ứng hết. Đơn cử, một máy dán cạnh tự động có giá từ 200 – 800 triệu đồng, một máy cưa cũng có giá vài trăm triệu đồng… Tuy nhiên, tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh nên doanh nghiệp bắt buộc phải vay ngân hàng vì với khoản vay 10 tỷ đồng, chỉ cần giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được 50 triệu đồng tiền lãi vay, từ đó giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tiền cho các hoạt động kinh doanh khác.

Cũng đồng quan điểm trên, tuy nhiên, theo anh Trần Đức Thọ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Kỹ thuật Thọ Trần, bên cạnh giảm lãi suất, điều cần thiết hơn nữa là việc làm thế nào để doanh nghiệp, cụ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng khi khả năng đáp ứng các điều kiện do ngân hàng, tổ chức tín dụng đề ra chưa cao. Bên cạnh đó, lãi suất ưu đãi hiện nay chỉ áp dụng cho thời gian ngắn hạn, còn sau đó lãi suất áp dụng theo lãi suất thị trường. Khi đó doanh nghiệp phải tiếp tục lo ứng phó với sự biến động của lãi suất. Vì vậy, mong muốn trong thời gian tới sẽ có những gói vay với mức lãi suất phù hợp và loại hình đa dạng để doanh nghiệp có thể vay và yên tâm sản xuất.

Bài và ảnh: MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.