Vào vụ sản xuất thủy sản nước lợ

.

Trong những ngày qua, người dân thôn Trường Định, xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) vệ sinh ao nuôi và thả hàng triệu con cá, tôm giống, bắt đầu vụ nuôi thủy sản nước lợ chính và đầu tiên của năm 2020.

Người dân đang vệ sinh, cải tạo ao nuôi để chuẩn bị thả cá, tôm giống ở thôn Trường Định.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Người dân đang vệ sinh, cải tạo ao nuôi để chuẩn bị thả cá, tôm giống ở thôn Trường Định. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Gia đình cựu chiến binh Huỳnh Văn A là hộ nuôi tôm, cá nước lợ có tiếng ở thôn Trường Định, xã Hòa Liên với 10 ao nuôi có tổng diện tích hơn 3ha. Nhờ nghề nuôi thủy sản nước lợ với mỗi năm 2 vụ trong khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng 7 âm lịch, gia đình ông thu lãi từ 150-300 triệu đồng/năm. Sau hơn 5 tháng không nuôi tôm, cá để tránh thiệt hại do lũ lụt, gia đình ông đã tiến hành vệ sinh các ao nuôi và bắt đầu thả 300.000 con tôm giống loại tôm thẻ chân trắng và tôm sú xuống 4 ao từ ngày 10 đến 12 tháng Giêng. Gia đình ông cũng đặt mua thêm 500.000 con tôm giống để thả xuống các ao nuôi còn lại từ ngày 18 đến 20 tháng Giêng.

“Những năm trước, tôi mua tôm giống trôi nổi ở ngoài thị trường nên tôm bị mắc bệnh và hao hụt nhiều. Riêng năm 2019, gia đình tôi chỉ thu lãi được 150 triệu đồng vì nhiều tôm bị bệnh. Rút kinh nghiệm, năm nay, tôi tìm đến một công ty cung cấp tôm giống bảo đảm chất lượng ở miền Nam để mua con giống với giá cao gấp đôi nhưng lại được cam kết chịu trách nhiệm nếu xảy ra dịch bệnh. Từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, gia đình tôi đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để cải tạo ao nuôi và mua con giống. Từ nay đến tháng 4 âm lịch, sẽ đầu tư thêm từ 200-300 triệu đồng để mua thức ăn và trả chi phí khác. Nếu năm nay, cả 2 vụ sản xuất thuận lợi, dự kiến thu lãi từ 200-300 triệu đồng”, ông Huỳnh Văn A nói.

Ông Đỗ Trực, Tổ trưởng Tổ nuôi trồng thủy sản thôn Trường Định cho hay, năm nay, có khoảng 30 hộ nuôi thủy sản nước lợ tại thôn với tổng diện tích ao nuôi hơn 25ha, chủ yếu là nuôi tôm. Những năm qua, một số hộ đã đầu tư nuôi cá dìa, cá đối cồi, cua thương phẩm và bước đầu đã mang lại hiệu quả cao hơn nuôi tôm, nhưng diện tích nuôi cá và cua còn ít. Người dân nuôi thủy sản nước lợ tại thôn Trường Định thường cho sản lượng, năng suất cao trong vụ thả giống vào tháng Giêng với tôm thẻ chân trắng bình quân khoảng 4 tấn/ha, cá đối cồi và cá dìa khoảng 6 tấn/ha. Nếu được mùa, được giá, tôm thẻ chân trắng sẽ cho doanh thu bình quân 400 triệu đồng/ha, lãi khoảng 100 triệu đồng/ha; cá đối cồi và cá dìa cho doanh thu khoảng 960 triệu đồng/ha, thu lãi khoảng 250 triệu đồng/ha.

“Vụ thả tôm, cá tháng Giêng là vụ sản xuất chính trong năm vì vụ hè thường do nắng nóng làm ảnh hưởng đến năng suất. Nuôi cá đối cồi và cá dìa cho năng suất, doanh thu, lãi cao và chắc chắn hơn tôm dù thời gian nuôi kéo dài 6 tháng/vụ. Còn nuôi cua thì khó hơn, nhưng cũng đã có nhiều người nuôi xen cua với tôm, cá để cho hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Đỗ Trực chia sẻ.

Ông Đặng Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm Đà Nẵng cho biết, trong năm 2019 và các năm trước, đơn vị đã hỗ trợ và hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân thôn Trường Định nuôi tôm, cá dìa, cua thương phẩm và mang lại hiệu quả cao. Năm nay, đơn vị đang chuẩn bị hỗ trợ cho người dân ở thôn Trường Định mô hình trình diễn nuôi cá đối cồi.

Theo ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, hiện đơn vị đang tổng hợp số lượng con giống đề xuất hỗ trợ cho người dân thôn Trường Định sản xuất trong năm 2020. Từ những thành công của các mô hình nuôi tôm, cá, cua thương phẩm ở thôn Trường Định, huyện Hòa Vang đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND thành phố về chủ trương quy hoạch vùng nuôi thủy sản kết hợp du lịch sinh thái tại thôn Trường Định với diện tích mở rộng đến 50ha, gấp đôi diện tích nuôi hiện nay. Khi đó, Trường Định sẽ là một trong những vùng nuôi thủy sản và cung cấp sản phẩm chủ lực của thành phố.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
xe nâng gỗ chính hãng Hangcha
.
.
.