Bước vào quý 2-2020, cũng là giai đoạn cao điểm của “cuộc chiến” phòng, chống Covid-19, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang vừa nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh vừa đặt nguyên tắc phòng, chống Covid-19 lên hàng đầu.
Đầu tháng 4 vừa qua, Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) vừa công bố mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 là 280 tỷ đồng, giảm 10,5% so với kết quả thực hiện năm 2019. Lý giải cho điều này, ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng Giám đốc DRC cho biết, diễn biến phức tạp của Covid-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa của thế giới cũng như tác động đến các đơn hàng của DRC.
Trên thị trường quốc tế, nhiều hãng săm lốp Trung Quốc đã chuyển nhà máy sản xuất sang khu vực Đông Nam Á, khi đó, lốp của các hãng này sẽ có xuất xứ Đông Nam Á và được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%, vì Việt Nam thực hiện lộ trình giảm thuế theo hiệp định thương mại đã ký, tăng sức cạnh tranh cho thị trường nội địa. Ngoài ra, nhiều áp lực cạnh tranh khác như luật thuế chống bán phá giá săm lốp Trung Quốc của Chính phủ Brazil sẽ hết hiệu lực vào tháng 5-2020.
“Tuy nhiên, DRC vẫn đặt mục tiêu sản xuất hơn 10 triệu lốp xe trong năm 2020 và cố gắng duy trì chế độ cho người lao động như năm 2019. Trước tình hình Covid-19, các quy trình giám sát y tế đối với người ra vào công ty luôn được thực hiện đầy đủ với các bước đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, cán bộ và nhân viên công ty luôn đeo khẩu trang khi làm việc…”, ông Bình cho hay.
Theo tìm hiểu, nhìn chung, các doanh nghiệp trong diện được hoạt động trong thời gian cách ly xã hội đều triển khai rất nghiêm túc biện pháp phòng, chống Covid-19. Theo đó, quy trình giám sát y tế đối với người ra vào công ty được thực hiện đầy đủ và luôn có nhân viên y tế trong các ca làm việc để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh y tế.
Tại Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam, Tổng Giám đốc công ty Nguyễn Thanh Phúc thông tin, trong tình hình dịch bệnh, công ty vẫn duy trì, bảo đảm khối lượng sản xuất. Ước tính quý 1-2020, công ty nộp ngân sách thành phố gần 1.000 tỷ đồng.
Với đặc thù quy trình sản xuất tự động hóa nên không cần quá nhiều nhân viên làm việc trong một ca; tuy nhiên, không vì thế mà công ty chủ quan với các biện pháp phòng, chống Covid-19. Công ty thực hiện khoảng cách làm việc của các kỹ sư trong phòng điều khiển ít nhất là 2m, giờ ăn được chia làm 4 đợt và mỗi người ngồi 1 bàn, xe đưa đón nhân viên cũng được giữ khoảng cách an toàn với 7 người trên một xe 14 chỗ ngồi.
Là đơn vị có số lượng cán bộ, công nhân viên lớn và phải vận hành dây chuyền sản xuất liên tục, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, để đáp ứng tiêu chuẩn ICS về thức ăn, từ trước khi bùng phát Covid-19, công ty đã yêu cầu công nhân khi làm việc phải vào phòng sát khuẩn, mặc trang phục bảo hộ, đến nay, công nhân làm việc luân phiên và không tụ tập khi làm việc.
Công nhân nào không bảo đảm về sức khỏe sẽ được nghỉ ở nhà vẫn hưởng lương. Đối với bếp ăn của công nhân, nếu trước đây 6 người ngồi một bàn thì nay chỉ sắp xếp 3 người ngồi một bàn và cách xa nhau, công nhân sẽ được chia làm 2 đợt ăn, và ăn trong khay riêng, có nắp đậy.
Hiện sản lượng hàng sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp giảm khoảng 30%, do đó số công nhân cũng giảm xuống từ 2.500 còn 1.700 người. Dù vậy, công ty vẫn còn thị trường cung ứng vào các siêu thị ổn định nên chưa bị ảnh hưởng quá nhiều.
“Trước khi bùng phát Covid-19, khách hàng tới công ty phải khai báo y tế và đi qua phòng sát khuẩn. Hiện nay, dịch bệnh phức tạp thì chúng tôi kiểm soát, hạn chế tối đa cho người ngoài công ty vào nhằm bảo đảm vấn đề y tế vì chỉ cần một công nhân nhiễm bệnh sẽ khiến cả công ty phải đình trệ.
Các phân xưởng áp dụng triệt để biện pháp bàn giao ca, nhận lệnh, ký hồ sơ, sổ sách bằng phương pháp trực tuyến để tránh việc tập trung đông người, cán bộ, công nhân viên tuyệt đối không tự ý đổi ca để bảo đảm việc kiểm soát”, ông Lĩnh nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Hà Bắc, việc kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh đang được triển khai quyết liệt tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố, nhất là những doanh nghiệp có lao động là người nước ngoài. Theo đó, các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm việc chống dịch, yêu cầu các lao động nếu đi từ vùng khác về phải khai báo y tế và cách ly nếu có biểu hiện sốt hoặc không khỏe.
Để hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, Sở Công thương đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, dự báo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, rà soát cụ thể tình hình xuất khẩu các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thúc đẩy tiêu thụ thị trường nội địa bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp liên hệ, đưa hàng vào các hệ thống siêu thị, phân phối đi các nơi… Sở đề nghị UBND thành phố triển khai sớm các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp để giảm bớt khó khăn trong thời điểm hiện nay.
MAI QUẾ