UBND huyện Hòa Vang vừa chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với UBND 11 xã thống kê, rà soát những trường hợp nông dân đã sang Hàn Quốc làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trở về địa phương có mô hình khởi nghiệp, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, để huyện có hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp sản xuất có hiệu quả.
Huyện Hòa Vang đang đẩy mạnh hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Từ năm 2017 đến 2019, huyện Hòa Vang đã đưa 489 lao động qua quận Yeongyang, tỉnh Gyeong Sangbuk (Hàn Quốc), một trong những địa phương dẫn đầu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Hàn Quốc, để làm việc trong các nông trại. Sau 3 tháng làm việc, các nông dân của huyện Hòa Vang không những có thu nhập mang về khoảng 100 triệu đồng/người mà còn được học tập kiến thức và kỹ thuật thực hành trồng trọt, chăn nuôi, thu hoạch, bảo quản nông sản…, biết áp dụng công nghệ cao và quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến của Hàn Quốc.
489 lao động trong các cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hàn Quốc trở về là nguồn nhân lực về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, một trong những nhân tố quan trọng và là động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện Hòa Vang. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hiện có rất ít người lao động từ Hàn Quốc trở về địa phương đầu tư khởi nghiệp hoặc sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, UBND huyện Hòa Vang đang chỉ đạo các phòng chức năng và 11 xã phối hợp rà soát, thống kế những lao động trở về tiếp tục sản xuất nông nghiệp để kịp thời động viên, khuyến khích và hỗ trợ những lao động này khởi nghiệp, có những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả rồi nhân rộng.
Ông Nguyễn Bình, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu cho hay: “Xã có nhiều người đi lao động nông nghiệp ở Hàn Quốc trở về nhưng chưa có mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nào được triển khai, áp dụng tại địa phương. Sắp đến, xã sẽ trao đổi với những người lao động từ Hàn Quốc trở về để nghiên cứu áp dụng một số mô hình khởi nghiệp, sản xuất mà họ học tập được từ Hàn Quốc phù hợp với điều kiện của địa phương”.
Ông Phạm Nam Sơn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho hay, bên cạnh kiến thức và kỹ năng sản xuất, thu hoạch, bảo quản sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hàn Quốc, mỗi người đều mang về nước từ 90 – 110 triệu đồng. Đây là nguồn “vốn” quý để các nông dân khởi nghiệp tại địa phương. Huyện kỳ vọng những lao động này sẽ có các mô hình khởi nghiệp, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả. “Huyện Hòa Vang chủ trương không hỗ trợ các mô hình sản xuất, khởi nghiệp như trước đây, vì thực tế nhiều mô hình được hỗ trợ xong thì sản xuất không hiệu quả.
Thay vào đó, chúng tôi sẽ đánh giá các mô hình sản xuất của những lao động từ Hàn Quốc trở về, hỗ trợ những mô hình có hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và mở rộng quy mô sản xuất. Hiện đã có 489 lao động đã sang Hàn Quốc và trở về. Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ tiếp tục sang quận Yeongyang để ký kết hợp tác tiếp tục đưa nông dân qua lao động và học tập kỹ năng, kiến thức về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và đẩy mạnh hỗ trợ các mô hình sản xuất, khởi nghiệp có hiệu quả của nông dân trên địa bàn huyện nói chung và những người lao động từ Hàn Quốc về nói riêng”, ông Phạm Nam Sơn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cho biết thêm, sau khi đánh giá, nhận thấy mô hình khởi nghiệp nào có hiệu quả, huyện sẽ xem xét hỗ trợ thêm về kinh phí đầu tư phương tiện, vật tư, giống… để ổn định sản xuất và mở rộng quy mô sản xuất. Tùy theo nhu cầu vốn và kinh phí đầu tư của từng mô hình sản xuất, khởi nghiệp hiệu quả, huyện sẽ xem xét hỗ trợ tối đa đến 50% tổng kinh phí đầu tư.
Hoàng Hiệp