Phát triển dịch vụ, du lịch dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành

.

Kéo dài hơn 4km và đi qua địa bàn các quận Thanh Khê, Liên Chiểu, bãi biển ven tuyến đường Nguyễn Tất Thành có tiềm năng phát triển dịch vụ - du lịch cho khu vực phía tây bắc Đà Nẵng.

Một số dịch vụ đã được hình thành trên tuyến biển dọc đường Nguyễn Tất Thành.  TRONG ẢNH: Bãi tắm Thanh Khê ( dọc tuyến biển Nguyễn Tất Thành) thu hút khá đông người dân và du khách đến tắm biển. Ảnh: KHÁNH HÒA
Một số dịch vụ đã được hình thành trên tuyến biển dọc đường Nguyễn Tất Thành. TRONG ẢNH: Bãi tắm Thanh Khê ( dọc tuyến biển Nguyễn Tất Thành) thu hút khá đông người dân và du khách đến tắm biển. Ảnh: KHÁNH HÒA

Theo thống kê của Sở Du lịch, dự báo lượng khách tại các bãi biển ven tuyến đường Nguyễn Tất Thành sẽ tăng trung bình 15-20%/năm do xu thế di dân từ nông thôn đến thành thị, lượng công nhân, sinh viên từ các khu công nghiệp và sự phát triển của các dự án đầu tư xây dựng khu du lịch, khu đô thị mới… Tuy nhiên, nhìn vào hiện trạng việc đầu tư và phát triển dịch vụ - du lịch ven biển tại tuyến đường Nguyễn Tất Thành vẫn chưa được khai thác xứng tầm.

Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng ban Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm 2018, đề án “Quản lý và khai thác các bãi biển du lịch tuyến đường Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2018-2020” được triển khai. Những năm qua, hoạt động kinh doanh dịch vụ tại khu vực này đã bước đầu được hình thành với 8 tổ kinh doanh dịch vụ giải khát (đoạn đi qua địa phận quận Thanh Khê có 4 tổ, qua quận Liên Chiểu có 4 tổ) và 13 điểm cho thuê phao.

Để cải tạo và nâng cấp, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng lắp đặt hệ thống các ghế đá tại khu vực vỉa hè, cải tạo kè bậc cấp lên xuống biển, nhà vệ sinh công cộng, lối lên xuống biển dành cho xe cơ giới, hệ thống cấp nước, hệ thống cấp điện hạ thế và chiếu sáng cho các cụm dịch vụ... Tuy nhiên, việc phát triển dịch vụ - du lịch khu vực này vẫn còn những tồn tại, hạn chế như cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tiện ích công cộng chưa hoàn thiện; sản phẩm dịch vụ - du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, khu vực này thường xuyên xuất hiện tình trạng cống thoát nước ra biển gây mùi hôi.

Để phát triển dịch vụ - du lịch tuyến biển Nguyễn Tất Thành, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đang trình quy hoạch chi tiết 1/500 để triển khai Đề án “Quản lý và khai thác các bãi biển tuyến đường Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2018-2020”; trong đó một số dịch vụ dự kiến sẽ được bố trí trong đề án. Cụ thể, trên địa bàn quận Thanh Khê bố trí 13 tổ kinh doanh dịch vụ giải khát, mỗi tổ có diện tích 510m2 (17m x 30m), trong đó vị trí phía nam bãi tắm Thanh Khê có 3 tổ, đối diện khách sạn EPIN có 2 tổ, phía bắc nút giao thông Hà Khê 1 tổ, đối diện Đồn Biên phòng Thanh Hà là 2 tổ, đối diện khách sạn Tuấn Sài Gòn 1 tổ, đối diện quán Tân Mập 2 tổ, đối diện nhà hàng Hưng Gia Trần có 2 tổ.

Về dịch vụ thể thao giải trí biển, bố trí 1 vị trí tại phía đông bãi tắm Thanh Khê (phường Xuân Hà). Khu vực bãi biển đi qua quận Liên Chiểu sẽ hình thành 2 cụm dịch vụ tổng hợp ở phía tây khu du lịch Xuân Thiều với loại hình dịch vụ giải khát, cho thuê dù ghế; khu vực ẩm thực hải sản; dịch vụ lưu trú qua đêm bằng lều…. Ngoài ra, bố trí 1 vị trí thể thao giải trí biển tại bãi tắm Liên Chiểu và 1 vị trí tại bãi tắm Nam Ô.

Ông Bùi Thanh Phú, Giám đốc Công ty TNHH Mắm Hồng Hương cho biết, việc phát triển dịch vụ - du lịch ven tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành, nhất là đoạn qua địa phận quận Liên Chiểu cần tạo ra tính kết nối cùng với với làng nghề nước mắm Nam Ô vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đồng thời khai thác ghềnh đá bãi biển Nam Ô để thúc đẩy khu vực này thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

Việc phát triển dịch vụ - du lịch tuyến biển Nguyễn Tất Thành được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm trong thời gian qua. Một nhà đầu tư cho biết, nhiều doanh nghiệp mong muốn được đầu tư vào khu vực này. Để tạo sự sôi động các dịch vụ - du lịch biển cần có phương án cho nhiều doanh nghiệp thuê diện tích bãi biển (chiều dài khoảng 30m, tính từ bờ kè trở ra) để hình thành các hàng quán cà phê, ẩm thực từ 3 sao trở lên nhằm tạo điểm nhấn cho cả khu vực. Trong vòng bán kính 1km, có thể hình thành nên 6-7 quầy kinh doanh như vậy, với yêu cầu phải được xây dựng công trình tạm nhưng có thiết kế cảnh quan hài hòa, vật liệu xây lắp thân thiện môi trường, hiện đại và tiện ích nhằm biến khu vực này thành điểm giải trí hấp dẫn cho người dân và du khách trên địa bàn....

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.