Du lịch là ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất do Covid-19, vì vậy, người lao động trong lĩnh vực này hiện đang rất khó khăn trong cuộc sống và mong muốn sớm nhận được những hỗ trợ cần thiết để giảm bớt gánh nặng sau 2 đợt dịch bệnh.
Lao động trong ngành du lịch cần được hỗ trợ để vượt qua khó khăn, tiếp tục công việc sau khi ngành du lịch khởi sắc trở lại. Ảnh: Sun World Bà Nà Hills cung cấp |
Theo đánh giá của Sở Du lịch, bước sang tháng 9-2020, khi tình hình dịch bệnh có những tín hiệu khả quan thì cũng chưa thể vui mừng vì tháng 9 cũng là lúc bước vào mùa thấp điểm của du lịch nội địa. Các năm trước, sự sụt giảm của doanh thu du lịch nội địa được bù đắp bởi khách quốc tế, nhưng năm nay lượng khách quốc tế sẽ không có nên càng thêm phần khó khăn.
Số liệu từ Liên đoàn Lao động thành phố cho thấy, do ảnh hưởng lần bùng phát thứ hai của Covid-19, có hơn 56.000 lao động mất việc, trong đó tập trung nhiều nhất ở khối ngành du lịch, dịch vụ với hơn 44.000 người bị ảnh hưởng, tăng gần gấp đôi so với đợt dịch đầu tiên (23.000 người lao động làm trong ngành du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng).
Từng là điều hành viên cho một công ty du lịch Hàn Quốc, chị Ngô Hằng (trú tại phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) đã tạm nghỉ việc từ sau Tết âm lịch đến nay. Thời gian đầu, chị vẫn có tiền tích lũy để trang trải cuộc sống.
Tuy nhiên, tới thời điểm này, chị Hằng đã phải bán hàng online để có thêm tiền trang trải cuộc sống. Chị Hằng cho biết, dù rất trông đợi tình hình dịch bệnh khả quan và khách quốc tế sẽ sớm quay lại, song vẫn phải nhìn nhận thực tế là ít nhất đến năm 2021 thì mới có hy vọng về sự sôi động trở lại của thị trường khách quốc tế. Chung hoàn cảnh với chị Ngô Hằng, anh Lê Văn Nghĩa (trú tại phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) từng là hướng dẫn viên du lịch tự do, cộng tác với các công ty du lịch khi có yêu cầu, cũng đang kiếm việc khác để trang trải cuộc sống.
Trước ảnh hưởng của Covid-19, từ đầu năm đến nay, anh Nghĩa ở nhà phụ gia đình bán và chở trái cây, ngoài ra làm một số công việc thời vụ khác... Anh Nghĩa cho biết công việc hiện không ổn định và mong chờ hết dịch để được tiếp tục công việc trước đó.
Ông Lê Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Khách sạn Sông Hàn (quận Hải Châu) cho biết, tính đến cuối năm 2019, khách sạn có hơn 100 người lao động làm việc. Thế nhưng tới tháng 4-2020, khách sạn chỉ còn lại 60 nhân viên và những người lao động tại khách sạn cũng chưa nhận được hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng do khách sạn còn một số vướng mắc trong việc làm hồ sơ, thủ tục. Những người lao động từng làm ở khách sạn bị cắt giảm phải chuyển đổi nhiều ngành nghề như chạy xe công nghệ hay bán hàng online.
Còn tháng 8 vừa qua, dù khách sạn đã cố gắng trả lương cho một số lao động, tuy nhiên, vẫn có một số người lao động phải tạm hoãn hợp đồng hoặc xin nghỉ việc để nhận trợ cấp thất nghiệp. Đây là một thực tế đáng buồn dù doanh nghiệp đã cố gắng tái cấu trúc, tiết kiệm chi phí, huy động nguồn vốn để trả lương cho người lao động thời gian qua, nhưng do dịch bệnh kéo dài nên tài chính cũng khó khăn.
Còn ông Trần Lực, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigon Tourist chia sẻ, trước ảnh hưởng của Covid-19, ông cũng không tránh khỏi lo lắng về nguồn nhân lực du lịch của công ty. Ông Lực cho biết, công ty cố gắng hỗ trợ tối đa cho người lao động ở mức tương đối. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp lữ hành đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn tài chính có hạn nên “giữ chân” người lao động trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay là điều không dễ.
MAI QUẾ