Sau khi chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, sức mua trên địa bàn thành phố tăng lên cùng với nguồn cung dồi dào, thị trường bán lẻ trên địa bàn thành phố nhanh chóng được phục hồi với tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng 9 tăng 31,69% so với tháng trước.
Thị trường bán lẻ nhanh chóng phục hồi sau khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố được kiểm soát. TRONG ẢNH: Người dân mua sắm tại siêu thị Big C Đà Nẵng. (Ảnh chụp cuối tháng 9-2020) Ảnh: KHÁNH HÒA |
Tại các chợ trên địa bàn huyện Hòa Vang, không khí mua bán nhộn nhịp trở lại với nguồn hàng về chợ phong phú, chủ yếu được lấy từ chợ đầu mối Hòa Cường (quận Hải Châu) và các hộ, cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện. Ông Nguyễn Kinh Đính, Trưởng Ban Quản lý các chợ Hòa Vang cho biết, ngoài sức mua trong dân tăng lên sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt thì việc thành phố bắt đầu cho mở cửa một số khu vui chơi, giải trí như Bà Nà Hills… cũng góp phần giúp thị trường bán lẻ trên địa bàn huyện Hòa Vang sôi động hơn.
Trong khi đó, khảo sát ở hầu hết các chợ dân sinh lớn trên địa bàn các quận trung tâm thành phố như: chợ Hàn, chợ Đống Đa, các chợ cấp quận, chợ đầu mối Hòa Cường…, nguồn hàng và sức mua đều đã tăng lên, dao động từ 70-80% (thời điểm xảy ra dịch, sức mua chỉ giữ được tầm 30-40%).
Ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng ban Quản lý chợ đầu mối Hòa Cường cho biết, giao thông thông suốt trở lại nên nguồn hàng từ các tỉnh Lâm Đồng, Hải Dương… về chợ đầu mối liên tục nên đã phục hồi thị trường được gần 85% so với thời điểm các tháng trước. Hàng hóa chủ yếu cung ứng cho các chợ dân sinh, trường học, nhà hàng, quán ăn… trên địa bàn. Sản lượng trái cây, rau hành, la ghim nhập về chợ từ 100-120 tấn/ngày, trái cây nhập 130-160 tấn/ngày.
Tuy nhiên, theo ông Diệp Hoàng Thông Anh, sức tiêu thụ vẫn chưa có dấu hiệu tăng mạnh mẽ do nguồn khách hàng lớn từ các khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch… vẫn chưa thực sự đi vào hoạt động khi nguồn khách chưa nhiều. Được nhìn nhận là “cứu cánh” cho thị trường bán lẻ thời điểm xảy ra Covid-19, khối các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng ghi nhận tình hình khởi sắc trong suốt gần một tháng qua.
Ông Phan Thống, Giám đốc siêu thị Co.opmart Đà Nẵng cho biết, hoạt động kinh doanh của đơn vị đã tăng trưởng trở lại sau khi thành phố nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, nắm bắt được xu thế người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm hơn nên siêu thị mở nhiều chương trình khuyến mãi với hàng trăm mặt hàng, tập trung chủ yếu ở ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, phục vụ đời sống hằng ngày. Chính giải pháp này đã giúp siêu thị Co.opmart giữ chân được khách hàng cũng như kích cầu sức mua trong thời điểm kinh tế thành phố gặp khó khăn, thu nhập của đại bộ phận người dân giảm sút do ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Việc thị trường bán lẻ nhanh chóng bắt nhịp phục hồi sau khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố được kiểm soát tốt, trở thành lực đẩy quan trọng góp phần phục hồi nền kinh tế từ nay đến cuối năm. Theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh ngành bán lẻ trên địa bàn, nhờ lợi thế thích ứng nhanh với sự biến đổi của xã hội khi chủ động đa dạng các hình thức cung ứng hàng hóa phục vụ kịp thời nhu cầu người tiêu dùng trong mọi tình huống như bán hàng qua mạng, bán hàng mang đi… cộng thêm khả năng cung ứng nguồn hàng sản xuất trong nước tốt đã góp phần giúp ngành bán lẻ thành phố có tốc độ hồi phục nhanh hơn các ngành khác.
Với khả năng thích ứng nhanh, nguồn cung hàng hóa dồi dào, bán lẻ là ngành có khả năng phục hồi mạnh mẽ sau khi Covid-19 được kiểm soát. Trong ảnh: Sức mua những ngày qua tại chợ Đống Đa đã tăng đáng kể. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Theo báo cáo của Sở Công thương thành phố, vào thời điểm cuối tháng 7 và đầu tháng 8, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã tác động làm giảm mạnh sức mua khi lượng khách hàng đến các chợ giảm trung bình 55-65% (Chợ đầu mối Hòa Cường giảm mạnh 90%, chợ Hàn giảm 80%), các trung tâm thương mại, siêu thị giảm nhiều so với ngày thường, một số siêu thị như BigC, Lotte Mart..., lượng hàng hóa bán ra trong ngày có lúc giảm đến 50-60% so với bình quân các ngày trong năm 2019.
Tuy nhiên, tình hình khởi sắc nhanh chóng kể từ đầu tháng 9 đến nay, sau khi thành phố cho phép các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà hàng, cửa hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống được hoạt động trở lại, sức mua trên địa bàn thành phố có tăng nhẹ. Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn thành phố tháng 9 ước đạt 4.633 tỷ đồng, tăng 31,69% so với tháng 8, lũy kế 9 tháng ước đạt 39.994 tỷ đồng, giảm 6,05% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương cho biết, thời gian qua, sở thường xuyên phối hợp với các ngành theo dõi, giám sát thị trường, không để xảy ra bất ổn về giá, luôn bảo đảm nguồn cung và chất lượng hàng hóa, không làm ảnh hưởng đến đời sống và nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.
Khảo sát vào những ngày cuối tháng 9, giá cả một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố như sau: gạo thường dao động từ 13.000-14.000 đồng/kg; giá đường bán lẻ từ 15.000-18.000 đồng/kg; dầu Neptune 40.000-43.000 đồng/lít; mì Hảo Hảo 97.000-100.000 đồng/thùng; thịt heo giá ở mức ổn định, thịt heo mông và vai 130.000-150.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 170.000-180.000 đồng/kg tùy chợ; cá thu (loại 5kg-6kg/con) giá dao động từ 220.000-240.000 đồng/kg tùy từng chợ, giá thịt bò loại 1 từ 250.000-270.000 đồng/kg; giá gà ta dao động từ 160.000 - 180.000 đồng/kg; giá cả các sản phẩm trái cây ổn định, rau hành, lagim có tăng nhẹ do thời tiết nắng nóng... |
KHÁNH HÒA