Sáng 3-11, tại buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố về nội dung “Báo cáo đầu kỳ dự án Khảo sát thu thập số liệu nghiên cứu dự án phát triển cảng Liên Chiểu tại Đà Nẵng”, đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, báo cáo đầu kỳ tập trung vào các nội dung chính như các vấn đề hiểu biết về dự án, thực trạng, bối cảnh dự án.
Số liệu cho thấy lưu lượng hàng hóa qua cảng Đà Nẵng trong 10 năm qua tăng khoảng 13%, riêng hàng container tăng khoảng 22%. Tính riêng năm 2019, lượng hàng container đã tăng 10,5 triệu tấn, gần như đạt đến công suất tối đa của cảng. Với tốc độ phát triển cảng nhanh, việc nghiên cứu, phát triển cảng Liên Chiểu là điều cần thiết. Khảo sát lần này của JICA có 3 mục tiêu chính gồm: khẳng định lại tính khả thi của dự án phát triển cảng Liên Chiểu; nghiên cứu chi tiết và phân định một cách hợp lý giữa phần đầu tư công và đầu tư tư nhân, trong đó bao gồm cả cơ quan quản lý cảng và giới thiệu công nghệ vận hành cảng mới nhất. Nhiệm vụ chính của đơn vị tư vấn là thu thập tư liệu và rà soát lại các số liệu liên quan; phía JICA sẽ tiến hành cập nhật lại các thay đổi về hiện trạng của Đà Nẵng, có xem xét đến quy hoạch của thành phố đang được lập và quy hoạch của các cảng xung quanh, các thể chế mới của pháp luật Việt Nam.
JICA cũng tập trung nghiên cứu, làm rõ chức năng của cảng Tiên Sa và cảng Liên Chiểu, trong đó nghiên cứu kỹ về quy mô phát triển cảng Liên Chiểu cũng như sự phát triển của các khu vực xung quanh cảng… Về quy hoạch cảng giai đoạn 2025-2040, sẽ nghiên cứu quy hoạch cảng ngắn hạn và trung hạn từ đó đề xuất một quy hoạch cảng dựa trên dự báo về lưu lượng hàng hóa, cập nhật lại dự toán trong báo cáo để nghiên cứu có tính khả thi…
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ban, ngành của thành phố Đà Nẵng thống nhất với báo cáo của JICA, tuy nhiên, để hoàn thiện nội dung, có một số góp ý đề nghị chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung thêm ý nghĩa của việc khảo sát còn nhằm mục tiêu đề xuất mô hình công ty quản lý, khai thác cảng bảo đảm điều phối các hoạt động của các cảng biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có hiệu quả; đồng thời, đề nghị đề xuất cụ thể mô hình công ty quản lý, điều hành khai thác cảng có liên hệ với các khu dịch vụ hậu cần sau cảng, các trung tâm logistics phục vụ khai thác cảng biển trên địa bàn thành phố.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Phước Sơn đề nghị Tư vấn JICA lưu ý về phần cơ sở hạ tầng dùng chung do Nhà nước đầu tư. Ngoài ra, trong nghiên cứu này, đề nghị tư vấn JICA nghiên cứu xác định cụ thể hạng mục tư nhân đầu tư, tính toán tổng mức đầu tư sơ bộ, phương án tài chính PPP đối với hạng mục tư nhân đầu tư… Đồng thời, mong muốn sau khi họp bàn phương án mở rộng, giữa hai phía sẽ sớm xúc tiến nội dung hợp tác, biên bản báo cáo cuối kỳ sớm hoàn thành trong năm 2020 để năm 2021 làm việc với các nhà đầu tư, bộ, ngành liên quan, sớm thúc đẩy tiến độ dự án.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (giai đoạn 1), phần cơ sở hạ tầng dùng chung nhằm đáp ứng yêu cầu cơ sở hạ tầng cho phát triển 2 bến ban đầu, có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU; bảo đảm lượng hàng thông qua từ 3,5-5,0 triệu tấn/năm và phát triển các bến tiếp theo theo quy hoạch; bao gồm các hạng mục chính kè chắn sóng và đê chắn sóng tuyến kè chắn sóng (dài 820m) và đê chắn sóng (dài 350m); giao thông kết nối với cảng gồm đường bộ kết nối từ đường nội bộ của cảng qua cầu Liên Chiểu về tuyến đường Nguyễn Văn Cừ - Tạ Quang Bửu thuộc quận Liên Chiểu đi quốc lộ 1A mới (tuyến đường nam hầm Hải Vân); hạ tầng kỹ thuật khác; hạ tầng cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ....
THU HÀ