Cuối tháng 11 vừa qua, ngành du lịch liên tiếp tổ chức nhiều chương trình, diễn đàn với mục đích kích cầu, giúp ngành du lịch lấy lại đà tăng trưởng sau những tháng ngày “ngủ đông” kéo dài. Đây có thể nói là một tín hiệu vui cho ngành du lịch và càng vui hơn khi không ngẫu nhiên các diễn đàn, hội nghị, chương trình về du lịch đều gắn với từ “liên kết”.
Rõ ràng sau những gì đại dịch Covid-19 tác động đến nền kinh tế nói chung và lĩnh vực du lịch nói riêng, vấn đề liên kết để cùng phát triển chưa bao giờ trở nên cấp thiết đến thế. Điều này không mới, thậm chí có thể nói là khá... cũ, khi mà ngược thời gian khoảng chục năm về trước, tại các diễn đàn, hội nghị của ngành du lịch cả nước, khu vực hay của từng địa phương, từ “liên kết” đã được nhắc đến, đưa ra bàn bạc và được xem là con đường ngành du lịch buộc phải đi, nếu muốn tiếp tục phát triển.
Trên thực tế, ba địa phương là thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế đã bàn và cũng đã bắt tay liên kết với nhau để phát huy thế mạnh của mình. Sự đặc sắc, nét riêng biệt của mỗi địa phương, khi kết hợp lại đã tạo nên sự độc đáo của các tour du lịch ở ba địa phương này. Thế nhưng, kết quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Ở lần quay trở lại để liên kết này, có thể thấy từ lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến lãnh đạo các địa phương và cả doanh nghiệp đã nhìn thấy được sự hạn chế của cái bắt tay “chưa được chặt” như trước đây, từ đó vạch ra chương trình hành động để cụ thể hóa sự liên kết này.
Tuy nhiên, vấn đề liên kết trong hoạt động du lịch cần mở rộng, đến với tất cả các doanh nghiệp lớn, nhỏ. Rất nhiều hướng dẫn viên du lịch khi đưa khách Việt sang các nước ASEAN đã tỏ ra sốt ruột trước sự thua kém của ngành du lịch nước nhà trong khu vực. Về cảnh quan thiên nhiên, các công trình văn hóa, lịch sử, ẩm thực... Việt Nam không thua kém bạn bè, nếu như không muốn nói là đẹp, hấp dẫn và độc đáo hơn. Thế nhưng, gần như các doanh nghiệp Việt chưa bao giờ “thắng” bạn bè trong khu vực về việc xây dựng giá tour du lịch. Rất nhiều thời điểm các tour du lịch các nước trong khu vực ASEAN có giá ngang bằng, thậm chí là thấp hơn du lịch trong nước, cho dù đi du lịch nước ngoài còn thêm phí đáng kể là vé máy bay. Mấu chốt vấn đề, theo các hướng dẫn viên, cũng không có gì ngoài sự “liên kết”.
Nhờ sự liên kết mà các doanh nghiệp ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia... hạ giá thành sản phẩm du lịch xuống khá sâu. Nhờ liên kết mà các đoàn khách riêng lẻ có thể đưa khách về ăn chung ở một nhà hàng, với số lượng lớn để kéo giá thành xuống thấp. Vài chục người trong một đoàn khách khó “gánh” được giá thành một chương trình biểu diễn nghệ thuật, tuy nhiên, nếu liên kết các đoàn nhỏ lẻ lại thì giá vé để xem chương trình đó sẽ thấp hơn. Tương tự như vậy, chỉ vài du khách khó có thể có vé tour du lịch vòng quanh thành phố thật thấp, còn vài chục người, thậm chí là vài trăm người thì rất dễ kéo giá thành giảm xuống. Vấn đề ở chỗ, mỗi doanh nghiệp hiện đang làm một tour cho riêng khách của mình chứ chưa có sự phối hợp, liên kết để mang lại giá tốt nhất cho du khách.
Liên kết vùng, liên kết khu vực, liên kết các thành phố lớn... để cùng phát triển du lịch là điều cần thiết để ngành du lịch đủ sức cạnh tranh và phát triển. Về phía các địa phương nói chung cũng như Đà Nẵng nói riêng, cần cụ thể hơn, chi tiết hơn sự liên kết này. Chỉ có như vậy, các tour du lịch mới phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc, hấp dẫn hơn, đặc biệt nhất là khả năng cạnh tranh mạnh mẽ về giá cả. Chỉ có vậy, sự liên kết mới thực sự phát huy hiệu quả như mong đợi.
T.S