Phát huy vai trò tuyến hàng hải trọng điểm miền Trung và trung tâm logistics của khu vực

.

Với vị trí địa lý thuận lợi, có cảng biển nước sâu, thành phố Đà Nẵng đang là trung tâm vận tải hàng hải lớn, đầu mối logistics quan trọng đi các nước trong khu vực.

Cảng Tiên Sa là một trong những cảng biển lớn nhất miền Trung, là đầu mối giao thông quan trọng của Hành lang kinh tế Đông - Tây. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN
Cảng Tiên Sa là một trong những cảng biển lớn nhất miền Trung, là đầu mối giao thông quan trọng của Hành lang kinh tế Đông - Tây. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN

Đà Nẵng nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam về cả đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, là cửa ngõ giao thông quan trọng của miền Trung - Tây Nguyên và là điểm cuối trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây đi qua các nước Việt Nam - Lào - Myanmar - Thái Lan, cùng với địa thế trung điểm của cả nước, lại hội tụ các loại hình vận tải từ hàng không, cảng biển, đường sắt, các tuyến đường bộ cao tốc…, do vậy tiềm năng phát triển logistics của Đà Nẵng rất lớn.

Đặc biệt, trong định hướng phát triển kinh tế và trong Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định Đà Nẵng sẽ tập trung khai thác lợi thế để sớm trở thành một trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics cho miền Trung và Tây Nguyên. Phân tích về tiềm năng phát triển ngành logistics tại Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường thành phố Trần Dân cho hay, thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc phát triển ngành logistics. Đà Nẵng không chỉ nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với đầy đủ các loại hình, đầu mối giao thông quan trọng, mà còn đóng vai trò quan trọng trong khu vực tiểu vùng sông MêKông mở rộng với sự phát triển của hành lang kinh tế Đông - Tây, điều này góp phần thúc đẩy dịch vụ logistics ngày càng gia tăng.

Đà Nẵng có lợi thế lớn để phát triển về dịch vụ logistics. TRONG ẢNH: Bốc xếp hàng ở cảng Tiên Sa.  Ảnh: PHƯƠNG UYÊN
Đà Nẵng có lợi thế lớn để phát triển về dịch vụ logistics. TRONG ẢNH: Bốc xếp hàng ở cảng Tiên Sa. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN

Tuy nhiên, trên thực tế, khu vực ven biển miền Trung đã phát triển 20 cảng biển lớn, nhỏ nhưng tổng sản lượng hàng qua cụm cảng của vùng chỉ chiếm một thị phần nhỏ của cả nước. Nguyên nhân là do mật độ cảng biển dày đặc nên nguồn vốn đầu tư dàn trải, quy mô đầu tư dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ, thiếu cầu bến cho tàu trọng tải lớn, đặc biệt là các bến cho tàu container vận hành trên tuyến biển xa. Do vậy, các cảng miền Trung chỉ mới hoạt động mang tính chất gom hàng rồi vận chuyển đến các cảng ở Hải Phòng hoặc Thành phố Hồ Chí Minh để xuất hàng.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Huỳnh Huy Hòa cho rằng, dù thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành logistics nhưng việc quy hoạch các cảng biển tại khu vực ven biển miền Trung đang có sự bất cập do sự phân công giữa các vùng và sự điều phối của liên kết vùng chưa được bảo đảm. Việc phát triển trung tâm logistics hiện tại chủ yếu là nỗ lực tự thân của doanh nghiệp trong khi phần lớn hệ thống kho bãi của doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Ngoài ra, năng lực cung ứng dịch vụ, năng lực cạnh tranh và năng lực kết nối logistics giữa thành phố với các quốc gia trong khu vực và thế giới còn nhiều hạn chế…

Song song với mở rộng bến cảng, Đà Nẵng cũng đang tích cực kêu gọi đầu tư các trung tâm logistics (20ha tại huyện Hòa Vang, 2ha tại phía bắc sân bay Đà Nẵng, 9,1ha tại Khu Công nghệ cao); thúc đẩy sớm đưa vào hoạt động tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, La Sơn - Túy Loan… nhằm đánh thức tiềm năng, thúc đẩy liên kết giao thương, kết nối các khu công nghiệp, khu kinh tế trong vùng, từ đó trở thành động lực thúc đẩy ngành dịch vụ logistics của thành phố phát triển.

Nhằm phát huy vai trò trung tâm của thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên, Đà Nẵng sẽ xây dựng mới cảng Liên Chiểu là cảng vận tải, cảng Tiên Sa sẽ là cảng du lịch. Đây được xem là cơ hội tốt nhất để thành phố Đà Nẵng khai thác lợi thế cảng biển trong chiến lược phát triển kinh tế.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, hiện tại dự án cảng Liên Chiểu đang hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường, trình thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000 Trong những buổi làm việc mới đây, lãnh đạo thành phố đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, đồng thời kiến nghị bố trí vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các dự án.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội xem xét hỗ trợ 2.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương hỗ trợ dự án liên vùng trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, kế hoạch năm 2021 dự kiến bố trí 200 tỷ đồng để thực hiện dự án. Tiếp đến, các giai đoạn tiếp theo, cảng Liên Chiểu sẽ thu hút nhà đầu tư các hạng mục logistics. Đây là tiền đề quan trọng giúp Đà Nẵng phát huy vai trò tuyến hàng hải trọng điểm miền Trung và trung tâm logistics của khu vực.

Trong thời gian qua, với những nỗ lực đầu tư về hạ tầng và tập trung phát triển logistics của thành phố, các loại hình trung tâm logistics với quy mô đa dạng đang dần phát triển và nâng cấp theo hướng mở rộng về quy mô và hiện đại về trang thiết bị, công nghệ. Tuy nhiên, để làm được điều đó, Đà Nẵng cần liên kết phát triển với cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên để phát huy vị trí cửa ngõ phía đông, mở rộng hợp tác với các khu vực khác trong vùng...

PHƯƠNG UYÊN

;
;
.
.
.
.
.
Tìm hiểu sắp xếp kho theo 5s Xe nâng Yale Cbay Logistics order Taobao 1688 TmallCập nhật bảng giá chuyển phát nhanh quốc tế tại 247Express