Tăng cường quan trắc môi trường

.

Quan trắc chất lượng môi trường không khí, nước, đất... là một trong những giải pháp quan trọng để giám sát hiện trạng, kiểm soát tình hình môi trường, kịp thời xử lý, ứng phó sự cố gây ô nhiễm và là giải pháp hữu hiệu, góp phần xây dựng thành phố môi trường, hướng đến đô thị sinh thái.

Việc quan trắc môi trường được tăng cường trong những năm đến để góp phần hữu hiệu xây dựng thành phố môi trường. Trong ảnh: Các đơn vị chức năng quan trắc môi trường tại khu vực bãi rác Khánh Sơn. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Việc quan trắc môi trường được tăng cường trong những năm đến để góp phần hữu hiệu xây dựng thành phố môi trường. TRONG ẢNH: Các đơn vị chức năng quan trắc môi trường tại khu vực bãi rác Khánh Sơn. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường Nguyễn Trần Quân, hiện trên địa bàn thành phố có 1 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động trên tuyến đường Lê Duẩn; 1 trạm quan trắc chất lượng nước tự động tại Nhà máy nước Cầu Đỏ; 4 trạm quan trắc chất lượng nước tự động tại hồ Công viên 29 Tháng 3, hồ Đò Xu, hồ Thạc Gián và hồ Bàu Tràm... Cạnh đó, có 88 vị trí khác lấy mẫu quan trắc chất lượng nước và không khí, gồm: 10 vị trí lấy mẫu nước biển với tần suất lấy mẫu để quan trắc 1 tháng/lần; 9 vị trí lấy mẫu nước các sông với tần suất 1 tháng/lần; 6 vị trí lấy mẫu nước các hồ với tần suất 3 tháng/lần; 9 vị trí lấy mẫu nước ngầm với tần suất 6 tháng/lần; 54 vị trí lấy mẫu để quan trắc không khí thụ động (tại 54 phường, xã trên địa bàn thành phố) với tần suất 1 tháng/lần. “Mật độ vị trí lấy mẫu và các trạm quan trắc chất lượng không khí, nước như vậy tương đối phủ kín.

Tuy nhiên, trong việc thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn mới cần bổ sung thêm vị trí lấy mẫu, số trạm quan trắc, tần suất lấy mẫu và quan trắc... Sở Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng đề án “Xây dựng chương trình quan trắc chất lượng môi trường thành phố Đà Nẵng” giai đoạn 2021-2025 với đề xuất bổ sung quan trắc về trầm tích các sông Vĩnh Điện, thượng nguồn sông Cẩm Lệ, hạ lưu sông Hàn, sông Cu Đê, sông Phú Lộc để đánh giá quá trình xâm lấn và tích tụ của một số chất tác động nguy hại đến môi trường, như: kim loại nặng, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật... Cạnh đó, bổ sung quan trắc chất lượng môi trường đất nông nghiệp và đất công nghiệp; quan trắc sinh học biển với 3 thành phần là nước, trầm tích và mô sinh vật”, ông Nguyễn Trần Quân cho biết.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phan Văn Mỹ cho rằng, với việc quan trắc chất lượng đất và môi trường nước, nhất là quan trắc về nước thải, sẽ giúp cho việc tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng nông sản hữu cơ và hệ sinh thái thuận lợi, có luận cứ khoa học. Do đó, cần tăng thêm số lượng trạm quan trắc hoặc điểm lấy mẫu quan trắc chất lượng môi trường đất nông nghiệp, có thể là lấy mẫu mỗi xã 1 mẫu hoặc mỗi vùng (trung du, đồng bằng, miền núi) 1 mẫu. Cạnh đó, bổ sung thêm trạm quan trắc chất lượng nước hồ Trước Đông, nơi cung cấp nước rất lớn cho trồng trọt và chăn nuôi, để phục vụ giám sát việc tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Cạnh đó, đề nghị bổ sung thêm một trạm chất lượng nước thải để giám sát, bảo vệ hệ sinh thái rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung thêm trạm quan trắc chất lượng nước thải chảy vào âu thuyền Thọ Quang để thuận tiện giám sát xả thải. Ngoài ra, cần xây dựng một ứng dụng (app) trên điện thoại di động hoặc phần mềm trực tuyến để người dân và các đơn vị chức năng thuận tiện truy cập, khai thác thông tin quan trắc.    

Trong khi đó, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cũng đề nghị tăng cường thêm các vị trí cũng như tần suất lấy mẫu, quan trắc, nhất là bố trí các vị trí lấy mẫu, quan trắc phù hợp với mục đích cần quan trắc để đánh giá các tiêu chí một cách có hệ thống, khoa học, phục vụ công tác điều hành đô thị và bảo vệ môi trường thành phố. Cạnh đó, cần thiết lập một số hệ thống quan trắc lưu động để kịp thời xử lý các sự cố, phản ánh của công dân, tổ chức. Đặc biệt, cần có công nghệ quan trắc mùi hôi một cách khoa học, khách quan bởi đây là vấn đề bức xúc nhất nhưng từ trước đến nay chỉ mới sử dụng cảm quan (khứu giác) của con người để thực hiện “quan trắc” mùi hôi.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Hồng Trung đề nghị: “Cần bố trí vị trí, tần suất, thời gian lấy mẫu không khí và quan trắc làm sao đánh giá một cách khoa học về chỉ tiêu ô nhiễm không khí và bụi do xe máy, xe tải, xe vận chuyển vật liệu thi công các công trình... gây ra, nhất là xử lý phương tiện giao thông quá niên hạn sử dụng thải khí thải gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, cần đầu tư hệ thống quan trắc mùi để phục vụ công tác chuyên môn của các đơn vị, trong đó có thể giúp ngành giao thông vận tải thành phố kiểm soát, xử lý mùi hôi do khí đốt cháy không hoàn toàn trong các động cơ phương tiện giao thông gây ra”. 

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Nguyên Chương, việc tăng cường công tác quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố, đặc biệt là việc xây dựng, thực hiện đề án “Xây dựng chương trình quan trắc chất lượng môi trường thành phố Đà Nẵng” giai đoạn 2021-2025 sẽ là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện thành công đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030. “Các thông tin, dữ liệu thông qua kết quả quan trắc sẽ được nghiên cứu thực hiện phương pháp chia sẻ và minh bạch hóa với quan điểm phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý Nhà nước, phục vụ trách nhiệm hơn với người dân và tương tác đa chiều để huy động hàng ngàn “trạm quan trắc bằng cảm quan” từ chính tai, mắt người dân để góp phần xây dựng thành phố môi trường”, ông Võ Nguyên Chương nói. 

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.