Sau một năm chịu nhiều tác động tiêu cực do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành du lịch thành phố Đà Nẵng đã sẵn sàng các kế hoạch nhằm tái cơ cấu, khôi phục lại hoạt động trong năm 2021 cũng như chuẩn bị tiền đề cho chặng đường dài tiếp theo.
Khách nội địa đến Đà Nẵng ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt. Ảnh: THU HÀ |
Sở Du lịch thành phố cho biết, Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề đối với hoạt động của toàn ngành. Tính đến hết năm 2020, số lượt khách tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn ước đạt hơn 2,7 triệu lượt, giảm 62,6% so với năm 2019, trong đó, khách quốc tế giảm 69,2%, khách nội địa giảm 58,4%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành ước đạt hơn 15.000 tỷ đồng, giảm 40,7% so với năm 2019. Qua hai đợt bùng phát dịch bệnh, đã có 93% trên tổng số doanh nghiệp du lịch (tương đương với 1.746 đơn vị) phải tạm dừng hoạt động.
Mặc dù đối diện với những khó khăn và thách thức, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, thành phố đã kiểm soát tốt dịch bệnh, hoạt động du lịch nhanh chóng tái khởi động, phục hồi, trong đó tập trung chủ yếu ở mảng du lịch nội địa. Đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 70% doanh nghiệp du lịch (tương đương với hơn 1.000/1.531 đơn vị) bắt đầu hoạt động lại, trong đó, có 180/316 doanh nghiệp lữ hành, 170/350 doanh nghiệp vận chuyển, 664/1.195 cơ sở lưu trú du lịch, 16/20 khu điểm du lịch.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, trong thời gian qua, sở đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi hoạt động du lịch. Theo đó, ngành du lịch thành phố xây dựng và công bố nhiều chương trình ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát như: chương trình kích cầu du lịch với chủ đề “Danang Thank you” thu hút hơn 1,1 triệu lượt khách; “Ba địa phương, một điểm đến - nhiều trải nghiệm” với sự tham gia của 100 công ty lữ hành lớn từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc vào tháng 11-2020…
Bên cạnh những nỗ lực vượt khó, toàn ngành cũng nhìn nhận rõ nét nhiều bất cập để quyết liệt hơn trong việc tham mưu, ban hành, triển khai các giải pháp căn cơ nhằm tạo ra bước đổi thay mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, kịch bản trong năm 2021, khi tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, ngành du lịch thành phố tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch để giữ gìn điểm đến an toàn; tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các ngành triển khai các gói chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch và kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn; ưu tiên tập trung thị trường nội địa và phát động phong trào “Người Đà Nẵng đi du lịch Đà Nẵng”, chuẩn bị các điều kiện khôi phục hoạt động du lịch quốc tế, tập trung vào các thị trường khách du lịch golf, khách nghỉ dưỡng cao cấp, khách thương mại từ các nước kiểm soát dịch bệnh tốt. Đồng thời dự kiến tổ chức một số sự kiện văn hóa du lịch quy mô lớn như lễ hội Pháo hoa quốc tế, lễ hội “Tuyệt vời Đà Nẵng 2021”, vòng chung kết hoa khôi golf toàn quốc, cuộc thi Hoa khôi du lịch Đà Nẵng, Danang Swing - Sự kiện Golf Châu Á…
Về lâu dài, theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, trên cơ sở thành phố triển khai Đồ án điều chỉnh quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và định hướng phát triển du lịch trong quy hoạch thành phố giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành du lịch thành phố nhanh chóng có các giải pháp căn cơ nhằm bước vào giai đoạn phát triển mới theo mục tiêu bền vững và chất lượng hơn.
Cụ thể, cơ cấu thị trường khách quốc tế theo hướng tăng tỷ lệ khách từ thị trường ASEAN lên 25%; các thị trường xa (Bắc Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương) lên 30%; giảm tỷ lệ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc xuống còn 40%. Các thị trường khác điều chỉnh ở mức 5%, trong đó chú trọng khai thác một số thị trường tiềm năng mới nổi mà du lịch Việt Nam mới thiết lập quan hệ như Ấn Độ, Israel… Song song đó là việc triển khai Đề án phát triển kinh tế ban đêm đã được UBND thành phố phê duyệt, dự kiến đề xuất hình thành các sản phẩm du lịch mới gồm tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo, phố du lịch An Thượng, dự án bãi tắm kết hợp vui chơi giải trí về đêm tại bãi biển Mỹ An (Ngũ Hành Sơn); triển khai một số hoạt động có chủ đề “Đà Nẵng by night - Đà Nẵng về đêm” gồm: trang trí, chiếu sáng nghệ thuật đường phố; tổ chức lễ hội, sự kiện, hoạt động vui chơi giải trí tại 2 bờ sông Hàn, tour du ngoạn sông Hàn...
Ngành du lịch cũng tập trung huy động các nguồn lực để đẩy mạnh và triển khai đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như mở rộng các dịch vụ tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, đầu tư cảng biển du lịch, xây dựng bến tàu, cầu tàu, điểm dừng chân phục vụ du lịch đường thủy…; cơ cấu lại hệ thống các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng chuyên nghiệp và đủ năng lực cạnh tranh quốc tế; cơ cấu lại nguồn nhân lực du lịch đủ về số lượng và bảo đảm về chất lượng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động; đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá. Đồng thời, mở rộng liên kết, hợp tác phát triển du lịch, tập trung tuyên truyền quảng bá điểm đến Đà Nẵng trên các kênh trực tuyến, mạng xã hội, cập nhật các xu hướng, trào lưu mới để tiếp cận các nguồn khách tiềm năng; đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, mở rộng liên kết hợp tác trong và ngoài nước.
KHÁNH HÒA