Theo kết quả khảo sát trực tuyến do Quỹ Xúc tiến du lịch Đà Nẵng thực hiện tháng 10-2020, sau tác động của Covid-19, do thị trường quốc tế chưa trở lại, hơn 80% doanh nghiệp tập trung khai thác thị trường tại chỗ ở miền Trung - Tây Nguyên, 66% khai thác thị trường miền Bắc và 35,8% khai thác thị trường miền Nam. Hơn 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát tiếp tục hoạt động và thay đổi quy mô và nhân sự, 17% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và 8,4% tiếp tục hoạt động và giữ quy mô như trước…
Năm 2019, ngành du lịch Đà Nẵng có khoảng 50.949 lao động, nhưng dịch bệnh đã khiến con số này có sự biến động rất lớn trong năm 2020 với khoảng 62% nghỉ việc, chuyển việc. Đại diện một số doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại dịch bệnh khiến doanh nghiệp của họ phải cắt giảm nhân sự. Sau thời gian nghỉ dài nhiều nhân sự đã tìm được việc mới và không muốn quay trở lại với nghề du lịch.
Theo kết quả khảo sát mới đây của Công ty Quản lý du lịch cao cấp châu Á, tỷ lệ nhân viên bị cho thôi việc bình quân ở các doanh nghiệp tham gia khảo sát khoảng 45,9%; tỷ lệ bình quân nhân sự giãn việc, nghỉ luân phiên tại các doanh nghiệp khoảng 40%; tỷ lệ chuyển đổi nghề ở nữ giới (40,4%) cao hơn nam giới (36,5%). Độ tuổi bị ảnh hưởng và chuyển đổi nghề cao, từ 33-41 tuổi. Số có việc và không trở lại với nghề chiếm khoảng 38,5%; đã có việc và sẽ trở lại với nghề 61,5%; đang thất nghiệp, nhưng sẽ quay trở lại 58,7%; đang thất nghiệp và không quay trở lại 14,3%...
Như vậy, song song với nguồn khách thì vấn đề nhân sự, nguồn nhân lực cũng đang được quan tâm. Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Hải Vân Cát chia sẻ, để tìm ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, công ty dành nhiều thời gian để tìm kiếm, mời gọi thêm các nhân sự có kinh nghiệm, tay nghề. Từ đó, các nhân sự này sẽ đi, kết nối ở các thị trường xa như như Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh… để đưa nguồn khách về Đà Nẵng.
Tổng Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng Nguyễn Đức Quỳnh cho rằng, ngành du lịch thành phố cần sớm điều chỉnh cơ cấu thị trường phù hợp, tập trung phát triển thị trường nội địa bằng cách tăng cường truyền thông điểm đến Đà Nẵng an toàn. Bên cạnh đó, cần tổ chức các Webinar (hội thảo trực tuyến), các hình thức quảng bá trực tuyến, tiếp thị điểm đến Đà Nẵng tới các thị trường tiềm năng, chiến lược và kịp thời tung ra các gói kích cầu phù hợp với khách hàng, nhấn mạnh 2 tiêu chí: an toàn và trải nghiệm dịch vụ mới.
Theo ông Quỳnh, ngành du lịch cũng cần có giải pháp duy trì và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng cách mở cuộc điều tra về tình trạng nhân sự du lịch; xây dựng và áp dụng các bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp để chuẩn hóa nguồn nhân lực. Cơ cấu lại nguồn nhân lực bảo đảm số lượng, chất lượng; tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ, thay đổi tư duy kinh doanh dịch vụ du lịch…
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, bên cạnh triển khai kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch và kích cầu năm 2021, trong đó tập trung thu hút khách từ thị trường nội địa, tổ chức các sự kiện du lịch để thu hút khách, ngành Du lịch thành phố sẽ tiến hành thực hiện khảo sát nguồn nhân lực, từ đó có các giải pháp phù hợp như: tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, tập huấn thêm cho nhân lực của ngành, bổ sung cho nguồn nhân lực hiện nay, chuẩn bị nhân lực cho các thị trường khách quốc tế khi Chính phủ cho phép mở cửa trở lại đối với các đường bay quốc tế.
THU HÀ