Tháng 1-2021, dự án “Giường ngủ thông minh” của nhóm sinh viên Trường Đại học Duy Tân đã đạt giải Ba cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp Báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức. Với bộ cảm biến không chạm, một chiếc giường ngủ bình thường có thể trở thành giường ngủ thông minh, giúp đo các thông số sức khỏe, cảnh báo các hiện tượng bất thường có thể xảy ra trong khi ngủ.
Nhóm thực hiện dự án “Giường ngủ thông minh” tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, tháng 12-2020. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Dự án “Giường ngủ thông minh” do 5 sinh viên Lê Thị Thu Ngân, Phan Văn Thịnh (ngành Quản trị kinh doanh), Phan Trung Hiếu, Lê Nguyễn Văn Dương (ngành Điện - điện tử) và Nguyễn Trương Nhật Tân (ngành Y đa khoa) cùng lên ý tưởng và thực hiện. Thu Ngân cho biết, qua tìm hiểu và nghiên cứu, nhóm nhận thấy một giấc ngủ không trọn vẹn có thể là nguyên nhân dẫn đến các bệnh như: tim mạch, đái tháo đường, béo phì, thậm chí là đột tử... Với chiếc giường ngủ thông minh, nhóm hy vọng sẽ giúp người dùng phát hiện các triệu chứng bất thường để kịp thời phòng tránh các căn bệnh nguy hại, tạo thói quen theo dõi thông số sức khỏe và chất lượng giấc ngủ hằng ngày.
Trái với suy nghĩ của nhiều người, giường ngủ thông minh không hề lỉnh kỉnh với nhiều loại máy móc mà chỉ là một chiếc giường ngủ bình thường đi kèm với bộ cảm biến không chạm. Với cảm biến này, giường ngủ thông minh có thể đo được các thông số như nhịp tim, tần số hô hấp, thân nhiệt, huyết áp... của người dùng, từ đó đánh giá chất lượng giấc ngủ và đưa ra cảnh báo khi các chỉ số có sự thay đổi bất thường, giúp người dùng chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là tầm soát nguy cơ đột quỵ. Các thông số này sẽ được gửi về bộ xử lý trung tâm; tại đây, dữ liệu sẽ được gửi lên máy chủ để xử lý. Sau đó, các dữ liệu đã được xử lý sẽ được gửi đến ứng dụng di động hoặc tài khoản web để người dùng có thể theo dõi tình hình chất lượng giấc ngủ, đánh giá mức độ bình thường của các chỉ số sinh tồn.
Song song đó, dữ liệu sẽ được gửi về lại bộ xử lý trung tâm, giao tiếp với các cảm biến và thiết bị, tiếp tục thực hiện các chức năng khác (buông/xếp màn tự động theo trạng thái ngủ hoặc thức, cảnh báo các chỉ số bất thường kéo dài, cảnh báo khi phát hiện nguy cơ đột tử hay chứng ngừng thở khi ngủ...). Sinh viên Phan Văn Thịnh cho hay: “Tùy thuộc vào nhu cầu của người dùng dự án sẽ cung cấp các thiết bị, cảm biến, kết nối công nghệ, ID người dùng... biến chiếc giường ngủ cá nhân của người dùng thành những chiếc giường ngủ thông minh”. Theo Thịnh, so với các sản phẩm giường ngủ thông minh có trên thị trường hiện nay, lợi thế sản phẩm là có thể giúp người dùng chủ động chăm sóc sức khỏe, tận dụng chính chiếc giường ngủ sẵn có của mình để biến thành giường ngủ thông minh ngay tại nhà. Bên cạnh đó, các cảm biến đã được tính toán để phù hợp với điều kiện khí hậu; thói quen và mức sống của người Việt. Với chiếc giường này, người dùng dần nâng cao nhận thức về việc giám sát sức khỏe cá nhân, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hiện nay, nhóm đã xây dựng xong sản phẩm mẫu cơ bản. Dự kiến, trong 6 đến 12 tháng tới, nhóm sẽ nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm mẫu, sau đó tiến hành kiểm định chất lượng sản phẩm mẫu, hoàn thành hồ sơ pháp lý, nhận phản hồi và hoàn chỉnh. Trước đó, vào cuối năm 2019, dự án “Giường ngủ thông minh” đã giành giải Nhì cuộc thi Khởi nghiệp công nghệ “Seeding Your Idea - Ươm mầm ý tưởng” do VinTech City (Tập đoàn Vingroup) và Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tổ chức. Dự án cũng đã đạt giải Nhì cuộc thi Ý tưởng sáng tạo - khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng năm 2019.
Theo thuyết trình của nhóm thực hiện dự án “Giường ngủ thông minh” tại cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia 2020, kết quả của một số thống kê cho thấy 62% trường hợp đột quỵ ở Việt Nam xảy ra trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 giờ - thời điểm bệnh nhân di chuyển từ giường đến nhà vệ sinh. Trong khi đó, đột quỵ trên giường phần lớn bị phát hiện trễ dẫn đến tử vong trước khi vào bệnh viện. Giường ngủ thông minh có khả năng đo khoảng thời gian người bệnh rời giường vào lúc 4 - 6 giờ sáng, khi người bệnh rời giường quá 5 phút thì giường sẽ báo động. Điều này góp phần giúp phát hiện sớm người đột quỵ, hỗ trợ quá trình cấp cứu cho bệnh nhân. |
PHONG LAN