Nâng tầm giá trị ẩm thực địa phương

.

Cách đây 5 năm, sau khi giành vị trí á quân của cuộc thi “Vua đầu bếp Việt Nam 2015”, chị Phạm Thị Tuyết (sinh năm 1987, ở phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) luôn nung nấu trong mình giấc mơ được mang hình ảnh tô mì Quảng vươn xa hơn nữa trên bản đồ ẩm thực của thế giới.

Chị Phạm Thị Tuyết (trái) đang giới thiệu với thực khách về món mì Quảng tại Nu Đồ Kitchen. (Ảnh chụp cuối tháng 12-2020)Ảnh: THU HÀ
Chị Phạm Thị Tuyết (trái) đang giới thiệu với thực khách về món mì Quảng tại Nu Đồ Kitchen. (Ảnh chụp cuối tháng 12-2020). Ảnh: THU HÀ

Chị Tuyết kể, sinh ra và lớn lên tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong ký ức tuổi thơ của chị, gánh mì của cha mẹ đã ăn sâu vào trong tiềm thức không thể nào quên. Hình ảnh những cọng mì trắng ngần nằm xen lẫn rau sống, nhân cá, nhân gà… được cả nhà chuẩn bị mỗi tối cho buổi bán ngày hôm sau đã trở thành những hình ảnh rất quen thuộc đối với chị. Từng bước chọn mì, chọn nhân, chọn nguyên liệu của mẹ để tạo ra món mì Quảng dân dã là niềm vui đã “ngấm” vào chị lúc nào không hay.

Thế nên, sau khi trở về từ cuộc thi “Vua đầu bếp Việt Nam năm 2015”, chị mang trong mình rất nhiều ấp ủ, dự định. Chị cũng đã đi, sống ở nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, con người, ẩm thực, thưởng thức các món ăn với nguyên liệu, gia vị khác nhau… Được trải nghiệm những câu chuyện về những món ăn, ẩm thực của các quốc gia, khi đó chị nghĩ phải viết lại câu chuyện về món ăn của quê hương mình và điểm đến có tên “Nu Đồ Kitchen” đã ra đời tại địa chỉ số 1/11 Lưu Quang Thuận, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, trở thành nơi mà chị thể hiện niềm đam mê với ẩm thực. “Tôi đã chọn Đà Nẵng là nơi gắn bó và kể câu chuyện về cọng mì đất Quảng bởi với sự nghiêm túc, tâm huyết dành cho món ăn của quê hương xứ sở, tôi có thể lan tỏa tình yêu với ẩm thực xứ Quảng đến với nhiều người”, chị chia sẻ.

Với chị Tuyết, Nu Đồ Kitchen là câu chuyện gánh mì của ba mẹ mà chị muốn viết tiếp, nâng tầm món ăn địa phương lên một vị thế mới. Chị lý giải, trong quá trình làm ra món mì Quảng không chỉ đơn thuần tạo ra một món ăn mà còn gửi cả tâm tình, câu chuyện của mình vào món ăn đó để lan tỏa cảm hứng với thực khách, thôi thúc họ tò mò, muốn tìm hiểu kỹ hơn về món ăn địa phương dân dã này. Vừa nấu, chị Tuyết vừa chia sẻ về cách sử dụng các nguyên liệu tạo nên món ăn, vừa kể lại câu chuyện về mì đất Quảng cho thực khách nghe.

Từ khi ra đời đến nay (tháng 9-2019), Nu Đồ Kitchen đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Chị cùng những người bạn quốc tế làm ở một số nhà hàng Ý, Pháp… trên địa bàn thành phố đã kết nối, tạo ra điểm đến của cộng đồng những người yêu ẩm thực quốc tế. Chị Tuyết cho biết, trong thời gian xảy ra dịch bệnh, chị cùng các nhà hàng của những người bạn đã nấu hơn 1.000 suất ăn để ủng hộ những người là bác sĩ Bệnh viện 199, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Trong thời gian tới, chị sẽ cùng các bạn làm ở những nhà hàng quốc tế nói trên kết nối, xây dựng một “food tour” dành cho những du khách thích khám phá ẩm thực địa phương.

Anh Đinh Viết Văn Hải, hướng dẫn viên du lịch cho rằng, việc làm mới các sản phẩm du lịch là rất cần thiết. Kinh doanh sản phẩm dịch vụ ở thời điểm hiện nay không chỉ đơn thuần là bán một món đồ ăn mà cần tạo ra sự độc đáo, khác biệt. Cũng là món mì Quảng nhưng tại Nu Đồ Kitchen, du khách có thể vừa thưởng thức món ăn, vừa được nghe kể câu chuyện về món ăn đó.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Thanh, giảng viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, Chủ nhiệm CLB đào tạo viên Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Đà Nẵng cho rằng, muốn làm du lịch bền vững thì phải đem được câu chuyện địa phương của mình vào các sản phẩm du lịch của thành phố. Đây chính là “bí quyết” để tạo ra sự khác biệt của mỗi địa phương, góp phần “níu chân” du khách đến. Việc kể lại câu chuyện của một món ăn dân dã của người Quảng Nam như chị Phạm Thị Tuyết đang làm là một ý tưởng rất hay và độc đáo, làm mới được chính món ăn của địa phương. Điều này không chỉ tạo ra sự mới mẻ, khác lạ với du khách quốc tế mà với cả khách nội địa. Bởi du khách đến thưởng thức ẩm thực nhưng được nghe, trải nghiệm cả một câu chuyện mang đậm tính văn hóa địa phương thì sẽ tạo được ấn tượng bền lâu.

“Nếu Đà Nẵng có thêm nhiều những câu chuyện, những cách làm mới như câu chuyện của món ăn mì Quảng thì sẽ tạo ra được những nét riêng của ẩm thực Đà Nẵng trong lòng du khách”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Thanh chia sẻ.

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.
đặt gà bó xôi Tủ Lạnh Bosch KAG93AIEPG American Side By Side Serie 6 Bột gà chiên giòn Meizan Nhà Hàng Dragon Palace Cách phối hợp hương vịKhám phá Banh mi Vietnamese sandwich Quang Huy sản xuất thiết bị bếp công nghiệp giá rẻ