Khuyến công thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn

.

Trong những năm qua, nguồn vốn hỗ trợ khuyến công đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân tại thành phố, nâng cao chất lượng đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân ở khu vực nông thôn.

Bước sang giai đoạn 2021-2025, thành phố tiếp tục đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả chương trình khuyến công nhằm tiếp tục hỗ trợ, động viên các đơn vị. Trong ảnh: Công ty TNHH Nhà Tự động, một đơn vị nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công để đầu tư máy móc, trang thiết bị.  Ảnh: KHÁNH HÒA
Bước sang giai đoạn 2021-2025, thành phố tiếp tục đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả chương trình khuyến công nhằm tiếp tục hỗ trợ, động viên các đơn vị. TRONG ẢNH: Công ty TNHH Nhà Tự động, một đơn vị nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công để đầu tư máy móc, trang thiết bị. Ảnh: KHÁNH HÒA

Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

Đi lên từ cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, sự phát triển của Công ty CP Công nghệ Bích Hạnh (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) gắn liền với sự hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công quốc gia với tổng số 3 lần được thụ hưởng lên tới lên tới 700 triệu đồng để đổi mới máy móc, thiết bị. Dù bị tác động bởi Covid-19, hoạt động sản xuất của cơ sở vẫn tiếp tục phát triển và bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng. Với sản phẩm chủ lực là “tủ bảng điện”, ngoài việc cung ứng thị trường trong nước, đơn vị còn bắt đầu xuất khẩu ra một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Tương tự, với gần 12 năm hoạt động, Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Tiến Hưng (huyện Hòa Vang) do ông Đặng Nam Hưng làm giám đốc đã 3 lần nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công quốc gia và địa phương với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng. Từ một cơ sở sản xuất nhỏ, đến nay, Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Tiến Hưng đã có nhiều bước phát triển tốt hơn. “Nhờ có nguồn vốn khuyến công, bản thân tôi mạnh dạn hơn trong việc đầu tư đổi mới trang thiết bị, máy móc để mở rộng quy mô đơn vị, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường”, ông Đặng Nam Hưng nói.

Theo ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, những năm qua, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện có bước phát triển rõ nét, trong đó, các chương trình hỗ trợ của ngành công thương nói chung, nguồn vốn từ chương trình khuyến công nói riêng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao chất lượng đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân ở khu vực nông thôn. Đây cũng là khích lệ lớn cho doanh nghiệp phát triển, ngày càng vươn lên lớn mạnh và tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Thời gian qua, nhiều cơ sở, doanh nghiệp được thụ hưởng nguồn vốn khuyến công đã tạo dựng được tên tuổi trên thị trường như: Cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Long Bửu, Hợp tác xã Công nghệ cao Mặt Trời, Công ty TNHH Tiến Thắng, hộ kinh doanh Đà Tửu, Cơ sở sản xuất và kinh doanh nhựa Bình Minh, Hợp tác xã Thực phẩm nông sản an toàn Thu Bồn, Công ty CP công nghệ Đức Huy, Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh, chế biến, xuất nhập khẩu Hương Quế, Công ty sản xuất thương mại và dịch vụ Lê House, hộ kinh doanh rượu cần Lê Văn Nghĩa…

Nguồn vốn từ chương trình khuyến công đã góp phần phát triển kinh tế tư nhân ở nông thôn.  Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty CP Công nghệ Bích Hạnh, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.  Ảnh: KHÁNH HÒA
Nguồn vốn từ chương trình khuyến công đã góp phần phát triển kinh tế tư nhân ở nông thôn. TRONG ẢNH: Sản xuất tại Công ty CP Công nghệ Bích Hạnh, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Ảnh: KHÁNH HÒA

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn

Báo cáo của Sở Công thương cho biết, tổng kinh phí khuyến công quốc gia được Bộ Công thương phê duyệt giai đoạn 2016-2020 cho thành phố Đà Nẵng là 5,25 tỷ đồng với 17 đề án. Riêng tổng kinh phí khuyến công địa phương giai đoạn 2016-2020 do UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt thực hiện là 5,7 tỷ đồng, với tổng số 72 đề án. Theo ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thành phố Đà Nẵng, chương trình khuyến công đã tạo thêm điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp tục phát triển, không ít trong số đó được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của thành phố qua từng năm. Sự hỗ trợ đó đã tạo động lực để các cơ sở công nghiệp nông thôn tập trung đầu tư, đa dạng hóa, phát triển sản phẩm mới, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở công nghiệp nông thôn...

Hiệu quả nổi bật của Chương trình khuyến công trên địa bàn Đà Nẵng trong giai đoạn 2016-2020 là hoạt động hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đây là chương trình được thực hiện nhiều nhất, chiếm gần 40% kinh phí khuyến công quốc gia và gần 60% kinh phí khuyến công địa phương vì phù hợp với nhu cầu của các địa phương, doanh nghiệp. Các đề án khuyến công được triển khai phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển và lợi thế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Giai đoạn 2021-2025, thành phố tiếp tục đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả chương trình khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ ngành nghề, sản phẩm có khả năng, triển vọng phát triển. Theo đó, ngành công thương đặt ra mục tiêu từ nguồn vốn khuyến công của Trung ương và địa phương sẽ hỗ trợ xây dựng 7-10 mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ cho 70 - 80 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn, sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp; 400 lượt học viên tham gia các khóa tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực quản lý; hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho khoảng 30 đơn vị; xây dựng 5 - 6 mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thiết kế bao bì sản phẩm cho khoảng 40 cơ sở…

Để làm được điều này, bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, ngoài nỗ lực của địa phương, sở đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương có ý kiến đề xuất Chính phủ xem xét điều chỉnh Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21-5-2012 của Chính phủ về Khuyến công theo hướng mở rộng đối tượng áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong các cụm công nghiệp làng nghề; sớm ban hành danh mục, định mức dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực khuyến công để các địa phương căn cứ xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật nhằm cân đối nguồn thu hoạt động tự chủ theo lộ trình của đơn vị.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích