Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao

.

Giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người chăn nuôi trên địa bàn thành phố gặp khó.

Cơ sở nuôi chim cút của anh Nguyễn Thành Trung (thôn Quá Giáng 2, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) gặp khó do giá thức ăn chăn nuôi tăng.        		                 Ảnh: M.QUẾ
Cơ sở nuôi chim cút của anh Nguyễn Thành Trung (thôn Quá Giáng 2, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) gặp khó do giá thức ăn chăn nuôi tăng. Ảnh: M.QUẾ

Xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) vốn được biết đến là “thủ phủ” của các hộ nuôi chim cút với khoảng trên dưới 70 hộ. Tuy nhiên, từ cuối năm 2020 đến nay, có khoảng 40-50 hộ tại đây không tái đàn hoặc tạm dừng nuôi vì giá thức ăn chăn nuôi quá cao.

Là một trong những hộ hiếm hoi tăng đàn thời điểm đầu năm 2021, anh Nguyễn Thành Trung (trú thôn Quá Giáng 2, xã Hòa Phước) cho biết, tính đến cuối năm 2020, anh nuôi khoảng 7.000 con chim cút với thu nhập khoảng 10-12 triệu đồng/tháng. Đầu năm 2021, nhiều hộ dừng nuôi hoặc giảm bớt số lượng nuôi nên anh Trung có cơ hội mua lại chuồng trại giá rẻ. Anh cũng hy vọng giá thức ăn chăn nuôi sẽ sớm giảm nên đã đầu tư nuôi thêm 7.000 con, nâng tổng đàn lên 14.000 con.

Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi càng ngày càng lên cao khiến việc nuôi chim cút của anh Trung cũng lao đao. “Giá một bao thức ăn cho chim cút đã tăng từ 215.000 đồng/bao 25kg lên 256.000 đồng/bao 25kg sau gần 5 tháng (từ cuối năm 2020 đến ngày 15-4 vừa qua). Như vậy, với việc sử dụng 22 bao thức ăn cho cút mỗi ngày, chi phí thức ăn chăn nuôi của tôi đã tăng lên 850.000 đồng/ngày. Hiện tại tôi chỉ cố gắng duy trì để không lỗ vốn, chứ không trông mong lời”, anh Trung buồn nói.

Với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì có thể chọn phương án tạm nghỉ một thời gian, tuy nhiên với những hộ chăn nuôi lớn như ông Hồ Văn Hổ (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) thì vô cùng khó khăn. Ông Hổ sử dụng 15 bao thức ăn loại 25kg cho cá dìa và tôm mỗi ngày, với việc tăng 60.000 đồng/bao 25kg, từ đầu năm đến nay, ông phải trả thêm 900.000 đồng/ngày cho chi phí thức ăn.

Ngoài ra, các chi phí phát sinh khác về cá giống và thuốc thú y khiến chi phí “đội” lên khoảng 1,2 triệu đồng/ngày. “Vừa mới đầu tư tăng đàn thì gặp cảnh thế này, người chăn nuôi thực sự rất khó khăn. Giá thức ăn chăn nuôi khiến áp lực thua lỗ càng đè nặng lên người chăn nuôi, bởi với giá bán cá, tôm như hiện nay dù cá, tôm có tăng trưởng tốt cũng khó có lợi nhuận”, ông Hổ chia sẻ.

Khảo sát tại các cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi trên địa bàn thành phố, thức ăn chăn nuôi đã tăng 7 lần từ cuối năm 2020 đến nay với mức rất cao. Theo Giám đốc Công ty TNHH Thuốc thú y và thủy sản Tân Tiến Phát (quận Thanh Khê) Nguyễn Trọng Sỹ, thức ăn chăn nuôi tăng mỗi lần 200-500 đồng/kg tùy theo loại thức ăn.

Sau 7 lần tăng, giá một loại thức ăn cho heo con từ 350.000 đồng/bao 25kg lên 400.000 đồng/bao 25kg; heo lứa từ 260.000 đồng/bao 25kg lên 290.000 đồng/bao 25kg; tôm từ 340.000 đồng/bao 25kg lên 400.000 đồng/bao 25kg... Ông Sỹ cho hay, với giá thức ăn chăn nuôi tăng như vậy, nhiều khách hàng của ông đã giảm quy mô chăn nuôi hoặc tạm nghỉ để chờ hạ giá thức ăn chăn nuôi, bởi giá thức ăn chiếm tỷ trọng 80% trong giá thành sản phẩm chăn nuôi.

Tương tự, ông Lê Nguyên Thủy, chủ cửa hàng thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi Thủy (huyện Hòa Vang) thông tin, lượng khách hàng mua thức ăn chăn nuôi của ông giảm khá nhiều vì thức ăn chăn nuôi tăng quá cao. Cụ thể, thức ăn cho gà với độ đạm 16% tăng từ 240.000 đồng/bao 25kg lên 270.000 đồng/bao 25kg; thức ăn cho gà với độ đạm 21% tăng từ 250.000 đồng/bao 25kg lên 290.000 đồng/bao 25kg...

Trong khi đó, suốt thời gian dài, gà, vịt thường bán với giá thấp, nhiều thời điểm bán dưới giá thành sản xuất vì thị trường tiêu thụ chậm do ảnh hưởng của Covid-19 nên việc người chăn nuôi “treo chuồng” cũng dễ hiểu.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang Nguyễn Văn Vân cho biết, qua ghi nhận, giá thức ăn chăn nuôi từ cuối năm 2020 đến nay đã tăng khoảng 20%. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn tới các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện. Nguyên nhân khiến thức ăn chăn nuôi tăng cao do thức ăn chăn nuôi hoàn toàn được nhập khẩu. Hiện giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như bột bắp và đậu nành trên thế giới tăng do thiếu hụt nguồn cung, bên cạnh đó là tình trạng thiếu container rỗng để vận chuyển hàng hóa cũng làm giá nguyên liệu về đến Việt Nam tăng lên.

Nhằm hỗ trợ người chăn nuôi, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 24/2021/TT-BTC ngày 14-4-2021 quy định về mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí trong chăn nuôi. Theo đó, từ ngày 17-5 đến 31-12-2021, áp dụng mức thu bằng 50% mức thu phí tại biểu thu phí trong chăn nuôi. Các hạng mục được giảm 50% mức thu phí: phí thẩm định cấp giấy phép, giấy chứng nhận vật tư nông nghiệp; thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực nông nghiệp; thẩm định công nhận hoặc chỉ định, giám sát phòng kiểm nghiệm, phòng thử nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp. Riêng người thuộc hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, tổ chức, cá nhân ở các xã có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn làm đơn đề nghị thì có thể được miễn thu phí.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.