Những năm gần đây, hoạt động khuyến nông tại huyện Hòa Vang tập trung cơ giới hóa, ứng dụng một số thiết bị công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản.
Máy cấy lúa tự động xuất hiện ở nhiều cánh đồng của huyện Hòa Vang. (Ảnh chụp đầu năm 2021, do Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm Đà Nẵng cung cấp) |
Ưu tiên phát triển lúa hữu cơ
Cánh đồng rộng 2,5ha ở thôn An Trạch, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) vài năm nay trở thành nơi thí điểm máy cấy lúa hữu cơ loại kéo đẩy bằng tay, máy cấy Kubota do Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm Đà Nẵng (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, NN&PTNT) tổ chức.
Cụ thể, vụ hè thu năm 2020, Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm tổ chức thí điểm, giới thiệu máy cấy lúa hữu cơ (loại kéo đẩy bằng tay) trên diện tích 5.000m2, đồng thời người dân cũng tiến hành cấy lúa bằng tay trên diện tích tương tự để so sánh, đối chiếu.
Kết quả diện tích cấy lúa bằng máy đồng đều và thẳng hàng hơn. Để thuyết phục người dân, vụ đông xuân 2020-2021, Trung tâm tiếp tục thí điểm việc sử dụng máy cấy lúa hữu cơ (loại kéo đẩy) với máy cấy có gắn động cơ (tự di chuyển trên mặt ruộng), máy cấy lúa quy mô lớn để có cơ sở so sánh, đối chiếu.
Ông Đặng Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm Đà Nẵng cho biết, việc so sánh sẽ giúp người nông dân tìm hướng đi phù hợp trong sản xuất nông nghiệp. “Áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất giúp người nông dân giải phóng sức lao động, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển cánh đồng mẫu lớn theo hướng tập trung và quy mô hơn.
Quy trình trồng lúa hữu cơ là không dùng phân, thuốc hóa học nên việc cấy lúa đúng phương pháp rất quan trọng. “Trồng theo hướng hữu cơ, các cây lúa phải bảo đảm cấy đều nhau để dễ dàng làm cỏ, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Do đó, việc sử dụng máy móc vào quá trình gieo trồng, gặt hái là cần thiết và phù hợp với xu thế cơ giới hóa ngành nông nghiệp”, ông Hồng nói.
Gần 350ha sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn thành phố tập trung chủ yếu ở huyện Hòa Vang, tại các xã như Hòa Phước, Hòa Tiến, Hòa Khương… Để tăng năng suất vụ mùa, việc cơ giới hóa các khâu canh tác được người nông dân đồng tình ủng hộ.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tiến Đặng Văn Quang cho hay, người dân hào hứng tham gia các chương trình thí điểm, ứng dụng máy cấy, máy cắt vào sản xuất, giảm lượng người lao động trên cánh đồng. Các mô hình thí điểm trên mang lại năng suất tương đương 70 tạ/ha, cao hơn năng suất lúa bình quân toàn thành phố (năm 2020 đạt 62,42 tạ/ha). Với giống lúa hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, đây là năng suất tốt, bảo đảm nguồn thu nhập cho người nông dân.
“Chúng tôi đang trong giai đoạn vừa làm vừa đánh giá, vừa điều chỉnh để tiếp tục ổn định sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Theo tôi, máy cấy lúa cầm tay phù hợp với những thửa ruộng có diện tích nhỏ; đối với ruộng diện tích lớn thì dòng máy Kubota là phù hợp”, ông Đặng Văn Quang đánh giá.
Cũng theo ông Quang, sau khi thí điểm đạt hiệu quả bước đầu, vụ đông xuân 2020-2021, Sở NN&PTNT quyết định hỗ trợ 4 máy cấy lúa cầm tay cho nông dân xã Hòa Tiến, là cơ sở giúp người dân tăng cường cơ giới hóa trong canh tác, xây dựng nền nông nghiệp bền vững.
Hướng đến hiệu quả kinh tế
Thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang, giai đoạn 2021-2025, Hòa Vang tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với mục tiêu mang lại hiệu quả kinh tế, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Ngoài cây lúa, Hòa Vang tập trung vào các mô hình trồng rau an toàn, mô hình trồng hoa, chăn nuôi gà đồi, gà lấy trứng, trồng bưởi, trồng dược liệu...
Ông Lê Đình Ca, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang cho biết, các chương trình khuyến nông hiện nay tập trung chủ yếu ở huyện Hòa Vang, đây là cơ hội để người dân tiếp cận kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản, bảo đảm duy trì hệ sinh thái bền vững.
Trong năm 2021, Trung tâm Khuyến ngư-nông- lâm Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ nông dân Hòa Vang sử dụng các thiết bị công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, như máy cấy, máy cắt cỏ, trang bị giàn gieo hạt tự động SRK 800VN, hệ thống tưới nước tự động phục vụ sản xuất rau và cây ăn quả; hỗ trợ khay làm mạ, chi phí làm mạ và chi phí cấy lúa bằng máy cấy.
Ngoài ra, đơn vị sẽ thí điểm một số giống cây trồng mới cho vụ hè thu năm 2021 và đông xuân năm 2021-2022 như giống lúa Hương Châu 6, Bắc Hương 9, Phong Nha 99, Thơm Hương 31, ST24, ST25 cũng như chăm sóc giống cây ba kích tím ở Hòa Ninh...
Ngoài các chương trình khuyến nông do Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm thực hiện, Hội Nông dân thành phố cũng thường xuyên phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ ứng dụng các đề tài nghiên cứu phù hợp với tình hình thực tế tại huyện Hòa Vang.
Đơn cử, từ năm 2019, 10 nông dân huyện Hòa Vang được Hội Nông dân thành phố chọn tham gia mô hình nuôi heo đen sinh sản, được Sở Khoa học và Công nghệ chuyển giao kỹ thuật chăm sóc. Đến nay, nhiều hộ đã phát triển đàn heo từ 30-40 con, tăng trọng định kỳ bình quân đạt từ 7 - 7,5 kg/tháng/con, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian tới, Hội Nông dân thành phố tiếp tục xét chọn hộ dân tham gia mô hình nuôi ngan Pháp thương phẩm theo hướng an toàn sinh học. “Để tham gia đề tài, người dân chỉ cần bảo đảm các điều kiện về chuồng trại, nguồn vốn đối ứng và triển khai chăn nuôi theo đúng quy trình được hướng dẫn. Với cam kết này, người dân được hỗ trợ về con giống, thức ăn và thuốc thú y phòng bệnh. Mô hình sẽ được thí điểm triển khai từ tháng 2 đến tháng 10-2021”, đại diện Hội Nông dân thành phố cho biết.
HUỲNH LÊ