Nâng tầm sản phẩm đặc trưng nhờ bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

.

Gà đồi Đồng Nghệ, cá nước ngọt Hòa Khương, đá trang trí Hòa Sơn… là những sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng. Sau khi được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, các sản phẩm này có thêm cơ hội nâng tầm giá trị, lan tỏa thương hiệu đến nhiều thị trường trong và ngoài nước.

Gà đồi Đồng Nghệ của ông Chu Văn Phong tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang đã được Sở Khoa học và Công nghệ đăng ký bản quyền sở hữu công nghiệp. Ảnh: P.LAN
Gà đồi Đồng Nghệ của ông Chu Văn Phong tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang đã được Sở Khoa học và Công nghệ đăng ký bản quyền sở hữu công nghiệp. Ảnh: P.LAN

Đến thăm trang trại Gà đồi Đồng Nghệ thuộc Hợp tác xã (HTX) sản xuất và kinh doanh tổng hợp Đồng Nghệ, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang vào một ngày giữa tháng 4, chúng tôi ấn tượng trước khuôn viên trang trại rộng rãi với diện tích hơn 20.000m2, trong đó có 5.000m2 được sử dụng làm chuồng trại và sân chơi cho gà.

Ông Chu Văn Phong, Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh tổng hợp Đồng Nghệ cho biết, với hơn 150 gà mái đẻ, trang trại của ông chủ yếu làm nhiệm vụ cung cấp giống bằng cách ấp gà bản địa hoặc nhập gà lai tạo, liên kết với các doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp thú y để hỗ trợ bà con.

“Khi mới thành lập HTX vào tháng 3-2019, chúng tôi đã xác định xây dựng thương hiệu Gà đồi Đồng Nghệ một cách lâu dài, bền vững. Tất cả gà được nuôi theo hình thức chăn thả tự nhiên, ăn ngô thóc phối trộn và không sử dụng thuốc tăng trọng để bảo đảm chất lượng thịt thơm ngon, săn chắc. Chúng tôi nuôi theo sức tiêu thụ chứ không nuôi ồ ạt, cứ 6 tháng sẽ có một lứa xuất chuồng”, ông Phong chia sẻ.

Sau khi khảo sát mô hình và chất lượng sản phẩm, năm 2020, Gà đồi Đồng Nghệ đã được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Theo ông Phong, đây là tiền đề để thương hiệu Gà đồi Đồng Nghệ tìm được chỗ đứng trên thị trường, đặc biệt là khi sản phẩm gà của hợp tác xã có giá “nhỉnh” hơn so với gà chăn nuôi công nghiệp. Giá trị sản phẩm được khẳng định, đầu năm 2021, HTX sản xuất và kinh doanh tổng hợp Đồng Nghệ trở thành đối tác cung cấp thịt gà thường xuyên cho Trung đoàn 930 (Sư đoàn 372). Hiện Gà đồi Đồng Nghệ đang tích cực tăng cường đầu ra bằng cách liên kết với các đơn vị đặt hàng thường xuyên, xây dựng các cửa hàng cố định ở các chợ trên địa bàn thành phố…

Ông Trần Văn Mười, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Khương cho hay, thời gian qua, Hội đã tích cực tham mưu, đề xuất cho UBND huyện Hòa Vang để đưa các thương hiệu sản phẩm địa phương vào chương trình hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của Sở KH&CN. Xã Hòa Khương nói riêng và thành phố nói chung không thiếu những nông sản hấp dẫn, chất lượng, tuy nhiên, khi sản phẩm chưa được định vị thương hiệu trên thị trường, khách hàng sẽ rất khó tìm ra đúng sản phẩm chỉ dựa trên những cảm nhận, mô tả chung chung, ghi nhớ qua tâm trí…  Như vậy, không chỉ người tiêu dùng gặp khó mà những người nuôi trồng, sản xuất cũng gặp bất lợi, thiệt thòi. Hiểu rõ điều này, Hội Nông dân xã Hòa Khương đã tích cực tìm hiểu các chương trình hỗ trợ của địa phương và Sở KH&CN. Năm 2016, thương hiệu Nấm La Châu của xã Hòa Khương đã được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp thành công.

Ông Mười bày tỏ: “Thời gian đầu, bà con chỉ tập trung trồng và bán nấm tươi, song khi đã được bảo hộ, bà con có tiền đề để nghiên cứu thêm các loại chế phẩm từ nấm, mở rộng thị trường, tăng giá trị sản phẩm”.

Được biết, năm 2020, Sở KH&CN đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho 7 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận trên địa bàn thành phố, gồm: đá trang trí Hòa Sơn, giá cát Hòa Nhơn, cá nước ngọt Hòa Khương, Gà đồi Đồng Nghệ, lúa hữu cơ Hòa Khương, gà đồi Hòa Vang và sản phẩm dệt thổ cẩm Hòa Bắc.

Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, sở phối hợp với địa phương tiến hành khảo sát, chọn lựa sản phẩm đặc trưng, đơn vị sở hữu sản phẩm để xác định sản phẩm và chủ thể đăng ký. Sau đó, hỗ trợ thiết kế, hoàn thiện đối tượng cần đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tra cứu thông tin mở rộng, tư vấn, thẩm định sơ bộ các thông tin liên quan. Bên cạnh đó, hỗ trợ xây dựng quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trung của sản phẩm mang nhãn hiệu; xây dựng bản đồ vùng có sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu; xin phép UBND thành phố sử dụng tên địa danh… Sau khi lập hồ sơ đăng ký và gửi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), sở theo dõi quá trình xử lý đơn và kịp thời hỗ trợ, kiến nghị làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ cho đến khi sản phẩm được cấp văn bằng.

Theo bà Hậu, việc hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận…) cho các tổ chức kinh tế tập thể, làng nghề… giúp phát huy giá trị văn hóa của các làng nghề truyền thống, nâng cao danh tiếng vốn có và giá trị của nông sản, sản phẩm đặc trưng của địa phương trên thị trường trong và ngoài nước.

Bắt đầu từ năm 2000, ngày 26-4 hằng năm được chọn là “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới”. Thông điệp của ngày “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới” năm 2021 là: “Sở hữu trí tuệ và doanh nghiệp nhỏ và vừa: mang ý tưởng của bạn đến với thị trường”. Ở thời điểm nhu cầu phục hồi nền kinh tế đang ở mức cao, “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới” năm 2021 nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế, cùng cách mà các doanh nghiệp này có thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để trở nên mạnh hơn, cạnh tranh hơn và có sức bền hơn.

PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích