Giao dịch qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang là xu hướng chủ đạo không thể thiếu, nếu các doanh nghiệp (DN) muốn quảng bá và đưa sản phẩm ra thị trường. Sàn TMĐT Đà Nẵng được xem là “ngôi nhà chung” cho các DN, là cầu nối giữa người bán và người mua và cũng giúp đưa những sản phẩm “made in Đà Nẵng” đến với người tiêu dùng Việt.
Giao dịch thương mại điện tử giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận thị trường. TRONG ẢNH: Chị Đinh Nguyễn Hoàng Thư truy cập vào trang danangtrade.gov.vn để cập nhật sản phẩm cũng như tương tác khách hàng. (Ảnh chụp tháng 4-2021). Ảnh: Quỳnh Trang |
Bắt đầu sản xuất từ năm 1956, Tré Bà Đệ (nay đổi thành Tré Ông Chánh, địa chỉ 81 Hải Phòng) luôn tự hào là một trong những đặc sản ẩm thực độc đáo của Đà Nẵng. Món ăn này được người tiêu dùng Đà Nẵng nói riêng và du khách khắp mọi miền đất nước nói chung ưa chuộng. Mới đây, sau khi sản phẩm Tré Ông Chánh có mặt trên sàn TMĐT tại địa chỉ danangtrade.gov.vn, đặc sản càng trở nên nổi tiếng.
Ông Nguyễn Chánh, chủ cơ sở cho hay, hiện sản phẩm của ông đã có mặt ở đại lý của 3 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Nha Trang. Riêng đơn hàng lẻ đã đi khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy chưa có giao dịch phát sinh trên sàn TMĐT nhưng một số khách hàng ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh xem thông tin trên sàn đã gọi điện tìm hiểu sản phẩm của cơ sở. Ông tin sàn TMĐT sẽ đồng hành và giúp cơ sở quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn.
Tương tự, cơ sở sản xuất bún khô Phước Hòa (thôn Miếu Bông, xã Hòa Phước) cũng đã đưa sản phẩm bún, mì, phở khô của mình lên sàn TMĐT. Ông Trần Văn Ẩn, chủ cơ sở chia sẻ: “Mỗi ngày, gia đình tôi chế biến khoảng 150kg mì khô, phở khô, bún khô các loại với giá bán 20.000 đồng/kg. Sau khi sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm OCOP (theo Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm), Sở Công thương đã hỗ trợ quảng bá nhãn hiệu bún khô Phước Hòa trên sàn TMĐT. Nhờ sự quảng bá rộng rãi này mà sản phẩm của tôi được nhiều người biết đến, đại lý nhiều nơi liên hệ nhận hàng về bán”.
Thói quen mua sắm của người dân thay đổi từ trực tiếp sang trực tuyến, tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển. TRONG ẢNH: Chị Quỳnh Mai (28 tuổi, ở quận Sơn Trà) đang mua sắm trực tuyến. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Theo Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, tính đến cuối năm 2020, có hơn 450 DN hội viên vận hành trang thông tin điện tử. Nhiều trang tin đang vận hành tốt, đem lại doanh thu khá cao như: Giày BQ, Siêu thị Danavimart, Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, Eurowindow Đà Nẵng, Vingo Life, Vitraco...
Ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho biết, để hỗ trợ các DN hội viên tiếp cận với lĩnh vực TMĐT, hội tổ chức các khóa đào tạo xây dựng hệ thống kinh doanh online tự động 4.0; ứng dụng quảng cáo trực tuyến trên google... Đây là những hỗ trợ cần thiết giúp DN tiếp cận công cụ quản lý bán hàng đa kênh hiệu quả với cách thức đào tạo, hướng dẫn thực hành xây dựng hệ thống kinh doanh online, tạo website nhanh chóng và các công cụ hỗ trợ kinh doanh hiệu quả. Đồng thời, tạo điều kiện để các DN hội viên giới thiệu sản phẩm - dịch vụ trên các kênh truyền thông của hội như: website, e-mail, fanpage; zalo, viber...
Để góp phần thúc đẩy hoạt động TMĐT trên địa bàn thành phố, từ năm 2018, Sở Công thương phối hợp các ngành chức năng cho ra mắt sàn TMĐT Đà Nẵng có địa chỉ danangtrade.com.vn/danangtrade.gov.vn, với kỳ vọng sẽ trở thành kênh kết nối đầu vào cho DN. Đây là sàn TMĐT mô hình B2B hướng đến việc kết nối các DN trên địa bàn Đà Nẵng và kết nối DN của thành phố với các DN trong nước và khu vực trên nền tảng trực tuyến. Hiện có khoảng gần 1.600 DN tham gia trên sàn, trong đó đa dạng loại hình DN như: đơn vị sản xuất, thương mại, dịch vụ, đơn vị cung ứng giải pháp, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể với gần 2.500 sản phẩm/dịch vụ...
Ông Võ Văn Khanh, Phó Giám đốc Công ty CP VietNamtrade (đơn vị quản lý và vận hành sàn TMĐT Đà Nẵng) cho rằng, địa chỉ www.danangtrade.com.vn/danangtrade.gov.vn là giải pháp phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ 4.0 trong việc cung cấp giải pháp khép kín từ việc cập nhật sản phẩm, bán hàng, giao hàng đến thanh toán. Sàn TMĐT Đà Nẵng là “ngôi nhà chung” cho các DN, là cầu nối giữa người bán và người mua với kỳ vọng trở thành thói quen mua hàng thường xuyên, tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với những sản phẩm “made in Đà Nẵng”.
“Tuy đạt được một số kết quả ban đầu, nhưng sự hưởng ứng của các DN trong và ngoài thành phố đối với sàn TMĐT vẫn chưa được như kỳ vọng. Mặc dù DN được hỗ trợ tối đa để đăng ký gian hàng trên sàn nhưng mới chỉ dừng lại ở hình thức quảng cáo là chính, hoạt động giao dịch mua bán, cung ứng dịch vụ trên sàn chưa mạnh. Để sàn TMĐT ngày càng phát triển thì cần tăng cường tập huấn, nâng cao nhận thức của DN trong phát triển TMĐT và chuyển đổi số”, ông Khanh nhìn nhận.
QUỲNH TRANG