Ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch

.

Công nghệ thông tin (CNTT) đang được ứng dụng ngày càng nhiều trong lĩnh vực du lịch, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Ngành du lịch thành phố cũng khuyến khích các doanh nghiệp du lịch tiếp cận ứng dụng CNTT để xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch thông minh. Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng về vấn đề này.

Ngành du lịch thành phố khuyến khích các doanh nghiệp du lịch ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển các sản phẩm du lịch thông minh. Trong ảnh: Đại biểu đang quét QRcode để lấy tài liệu tại Tọa đàm giải pháp khôi phục và phát triển du lịch do Quỹ xúc tiến phát triển du lịch thành phố tổ chức đầu tháng 4-2021.Ảnh: NHẬT HẠ
Ngành du lịch thành phố khuyến khích các doanh nghiệp du lịch ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển các sản phẩm du lịch thông minh. TRONG ẢNH: Đại biểu đang quét QRcode để lấy tài liệu tại Tọa đàm giải pháp khôi phục và phát triển du lịch do Quỹ xúc tiến phát triển du lịch thành phố tổ chức đầu tháng 4-2021. Ảnh: NHẬT HẠ

* Ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch tại Đà Nẵng hiện nay được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Những năm qua, việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực du lịch được ngành chú trọng quan tâm đầu tư và triển khai thực hiện. Theo đó, chỉ số ứng dụng CNTT của Sở Du lịch ngày càng được cải thiện như năm 2016 đạt loại Khá (xếp thứ 17/24 sở, ban, ngành); đến năm 2019 đạt loại Tốt (xếp thứ 5/24 sở, ban, ngành).

Trong ứng dụng phục vụ công tác quản lý Nhà nước, sở đã triển khai hiệu quả các phần mềm công vụ; hoàn thành cơ sở dữ liệu ngành với việc cập nhật dữ liệu nền của hơn 26.604 hướng dẫn viên du lịch toàn quốc; thông tin các doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh dịch vụ lưu trú, khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố; danh sách các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt chuẩn.

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch và thu được kết quả đáng kể như: xây dựng, triển khai bộ nhận diện thương hiệu du lịch (Danang FantastiCity), Cổng thông tin du lịch Đà Nẵng (danangfantasticity.com) bằng 5 ngôn ngữ; phát triển các hoạt động truyền thông trên trang mạng xã hội Facebook, Instagram, Youtube, Twitter, Tiktok…và trang dành riêng cho từng thị trường Weibo (Trung Quốc) và Naver (Hàn Quốc).

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, Sở Du lịch chủ động điều chỉnh các hoạt động truyền thông, xúc tiến du lịch Đà Nẵng bằng việc tổ chức các hội thảo trực tuyến với các thị trường Thái Lan, Malaysia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản....; xây dựng các video truyền cảm hứng, quyết tâm phòng, chống dịch của thành phố. Sở hợp tác với Kloock (nền tảng dành cho du lịch tự túc) xây dựng chiến dịch truyền thông quảng bá du lịch đến các thị trường khách; thực hiện mã QR Code ngôn ngữ tiếng Anh về các ấn bản du lịch Đà Nẵng để đăng tải thông tin; thí điểm công nghệ scan 3D tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ngoài ra, sở đã tổ chức tập huấn chuyên sâu về chuyển đổi số trong hoạt động du lịch dành cho các đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú…

* Đến nay các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã ứng dụng CNTT vào hoạt động kinh doanh như thế nào?

- Đa số doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng đã chủ động ứng dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh du lịch như triển khai và ứng dụng trong công tác quảng bá, xúc tiến, khai thác thị trường du lịch, đẩy mạnh marketing trực tuyến; sử dụng các App ứng dụng công nghệ để phục vụ khách, ứng dụng website trực tuyến, booking để cung cấp, chào bán và quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ; tập trung vào các kênh thương mại dịch vụ, các trang mạng xã hội, trang bán sản phẩm du lịch trực tuyến, tìm kiếm các giải pháp tiếp cận công nghệ mới để giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp...

* Những giải pháp ngành du lịch đã và đang triển khai để phát triển du lịch theo hướng thông minh trong thời gian tới là gì?

- Việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực du lịch là yêu cầu tất yếu. Đây cũng là một trong những giải pháp thúc đẩy sự tăng trưởng để duy trì các kênh thông tin, quảng bá sản phẩm tới du khách.

Trong giai đoạn 2021-2022, Sở Du lịch tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu du lịch là nền tảng để triển khai các nội dung liên quan đến ứng dụng CNTT khác. Đồng thời, đưa ra báo cáo thống kê của ngành, hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước; triển khai hoàn thành các nội dung chuyển đổi số; xây dựng cổng mua bán dịch vụ du lịch trực tuyến, tiến tới tổ chức các hội trực tuyến trên môi trường mạng.

Sở Du lịch tham mưu UBND thành phố thí điểm triển khai thẻ du lịch thông minh; triển khai mạng lưới camera giám sát tại một số điểm du lịch, các ứng dụng nhận dạng, phân tích hành vi để quản lý, phát hiện các bất cập ảnh hương đến môi trường du lịch như: ăn xin, hàng rong đeo bám, hướng dẫn viên du lịch không phép… Mặt khác, duy trì tính hiệu quả trong việc chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ du khách; xây dựng hệ thống thuyết minh audio tự động (audio guide) tại các điểm du lịch do Nhà nước quản lý; hệ thống ứng dụng QRCode trong thông tin, giới thiệu các điểm tham quan, dịch vụ du lịch; xây dựng các trang mạng xã hội phù hợp với từng thị trường khách du lịch. Chúng tôi phối hợp với các đơn vị truyền thông lớn để đặt hàng các sản phẩm quảng bá online, định hướng việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp du lịch, kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin với doanh nghiệp du lịch.

* Hiện đã có bao nhiêu đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố đã ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch?

- Tính đến cuối năm 2020, thành phố có 1.239 cơ sở lưu trú du lịch với nhiều phân khúc khác nhau, năng lực chuyển đổi số và ứng dụng CNTT cũng đa đạng. Ở phân khúc khách sạn 4-5 sao và tương đương thuộc tập đoàn nước ngoài quản lý, việc chuyển đổi số được triển khai từ sớm và xây dựng theo lộ trình của các tập đoàn quốc tế. Với các khách sạn cao cấp 4-5 sao và tương đương thuộc quản lý của các tập đoàn trong nước, việc chuyển đổi số được triển khai ở nhiều hạng mục như: quản lý vận hành, quản lý nhân sự, quảng bá thương hiệu... thực hiện ở phạm vi trong nước, chưa tạo được ảnh hưởng lớn ở phạm vi quốc tế, mới chỉ được triển khai cơ bản ở các hạng mục quản lý vận hành, quảng bá thương hiệu; chưa rõ ràng về chiến lược và hiệu quả.

Với các phân khúc còn lại chủ yếu sử dụng các phần mềm đơn giản như: SMILE, quản lý đặt phòng hoặc Excel, thu thập dữ liệu tình hình kinh doanh, chưa hỗ trợ nhiều trong vận hành khách sạn, quản lý nhân sự. Riêng phân khúc 1-2 sao và tương đương, việc ứng dụng CNTT còn hạn chế, nhân sự thường xuyên thay đổi, không bảo đảm việc chuyển giao các tài liệu, tài khoản liên quan. Ngoài khách sạn, tại 16 khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố đa phần các đơn vị đều triển khai ứng dụng CNTT thông qua bán vé online, phần mềm soát vé, cáp treo, phần mềm khảo sát khách hằng ngày, theo vùng, tỉnh, quốc tịch….

* Xin cảm ơn ông.

PHÚC QUÂN thực hiện

;
;
.
.
.
.
.