Sớm tạo nguồn nước ngọt tưới cho vùng rau La Hường

.

Vùng rau La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) là bãi đất nổi giữa sông Cẩm Lệ nên mỗi năm có đến 3 tháng chịu tác động của mưa lũ, 9 tháng chịu tác động bởi tình trạng nước sông bị nhiễm mặn nặng đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng, đe dọa vùng rau có diện tích hơn 9ha. Vì vậy, giải pháp tạo nguồn nước ngọt để tưới cho vùng rau là vấn đề cần quan tâm hiện nay.

Khu vực trồng bí đỏ tại vùng rau La Hường (quận Cẩm Lệ) bị ảnh hưởng bởi nước tưới nhiễm mặn. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Khu vực trồng bí đỏ tại vùng rau La Hường (quận Cẩm Lệ) bị ảnh hưởng bởi nước tưới nhiễm mặn. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo kinh nghiệm của người trồng, đối với các loại rau ăn lá như tần ô, xà lách, cải..., độ mặn trong nước tưới phải ở mức dưới 1‰ (tức là dưới 1.000mg/l); độ mặn trong nước tưới cây ớt, cà chua, bầu, bí... dưới 4‰ (4.000mg/l).

Trước đây, hằng năm, cứ đến tháng 5 hoặc tháng 6 âm lịch, tình trạng nhiễm mặn ở sông Cẩm Lệ đoạn qua vùng rau La Hường mới xảy ra nghiêm trọng nhưng người trồng rau vẫn có thể khoan giếng ở vùng rau rồi bơm lên tưới rau. Song, những năm gần đây, nhiễm mặn xâm nhập sâu vào sông Cẩm Lệ và có xu hướng diễn ra sớm hơn, nhất là vào đầu năm 2021.

Ông Lê Hồng Việt (trú tổ 33, phường Hòa Thọ Đông), một người trồng rau ở vùng rau La Hường cho rằng: “Độ mặn của nước sông Cẩm Lệ đoạn qua vùng rau La Hường cao gấp đôi khu vực của thu nước thô của Nhà máy nước Cầu Đỏ. Mọi năm, đến tháng 5 hoặc tháng 6 âm lịch, nguồn nước tưới bị nhiễm mặn. Năm nay, mới ra Tết, nước sông đã nhiễm mặn nặng. Tôi phải bơm nước giếng khoan lên tưới nhưng nước giếng cũng bị nhiễm mặn nên 4 vồng tần ô đã trồng hơn 2 tuần bị còi cọc, nhiều cây chết”.

Nói rồi, ông Lê Hồng Việt dẫn phóng viên đi xem 1 hố có trải lớp nilon để làm hồ nước tưới không còn sử dụng vì nước giếng bị nhiễm mặn. Ông Lê Hồng Việt cũng lấy máy bơm nước bơm nước lên và đưa tay nếm thử rồi nói: “Nước bị mặn, nước như thế này thì không thể tưới rau ăn lá được. Tôi mong các cấp chính quyền, cơ quan chức năng nghiên cứu giải pháp tạo nguồn nước ngọt tưới cho vùng rau”.

Một số nông dân trồng rau ở La Hường như ông Nguyễn Văn Thu (trú tổ 36), ông Lê Sỹ Ca (trú tổ 35, cùng trú phường Hòa Thọ Đông) dẫn phóng viên đi xem những khu vực trồng rau bị ảnh hưởng, trong đó có những khu vực trồng bí đỏ bị héo lá, héo quả non vì tưới nước nhiễm mặn.

Ông Lê Sỹ Ca cho hay: “Các cơ quan chức năng đã khoan giếng sâu đến 15m mà nước vẫn bị nhiễm mặn. Hiện Hội Nông dân quận Cẩm Lệ đang hỏi ý kiến của người dân về việc xây dựng 4 bể chứa và xử lý nước nhiễm mặn sang nước ngọt để tưới cho rau. Chúng tôi nghe vậy rất mừng nhưng kinh phí cao quá nên mong được hỗ trợ thêm kinh phí để sớm đầu tư tạo nguồn nước ngọt tưới rau”.

Tạo nguồn nước ngọt an toàn để tưới rau ở vùng rau La Hường là vấn đề được nhiều cơ quan chức năng quan tâm trong thời gian qua để bảo đảm an sinh xã hội, đời sống cho hơn 50 hộ dân trồng rau và nguồn cung cấp rau sạch, an toàn cho thành phố. Đặc biệt, trước tình trạng xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay, cần tính toán, nghiên cứu và đề xuất triển khai đầu tư sớm, bởi giải pháp khoan giếng đã thực hiện trong thời gian qua mà đến mùa nắng nóng thì vẫn bị nhiễm mặn.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả vùng rau La Hường có 160 giếng khoan để lấy nước tưới khi nước sông Cẩm Lệ bị nhiễm mặn. Những giếng này mới có hiện tượng nhiễm mặn, chưa ảnh hưởng nhiều đến cây trồng. Hiện đơn vị đang theo dõi để kịp thời khuyến cáo người trồng rau và báo cáo các cơ quan chức năng...

Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Đông Nguyễn Phước Sơn kiến nghị: “Phường đề nghị các cơ quan chuyên môn, cấp trên hỗ trợ hệ thống xử lý nước nhiễm mặn sang nước ngọt sạch, an toàn để tưới cho diện tích trồng rau sạch ở vùng rau La Hường, ổn định lâu dài, chứ đã khoan nhiều giếng mà khi sử dụng thì nước bị nhiễm mặn và phèn sẽ rất khó khăn cho bà con sản xuất”.

Bà Hứa Thị Thùy Phương, Chủ tịch Hội Nông dân quận Cẩm Lệ cho biết: “Trước mắt, đơn vị phối hợp Phòng Kinh tế quận Cẩm Lệ tiến hành khoan giếng thử nghiệm ở độ sâu 25m để tìm kiếm nguồn nước ngọt. Nếu giải pháp này không hiệu quả, chúng tôi mong các cơ quan chuyên môn, các đơn vị có kinh nghiệm về xử lý nước nhiễm mặn hỗ trợ xây dựng các bể chứa, xử lý nước mặn sang nước ngọt để tưới rau hoặc giải pháp, công nghệ khác phù hợp để giúp người trồng rau ổn định sản xuất”.

HOÀNG HIỆP - VÂN KHÁNH

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích