Các đơn vị chức năng của huyện Hòa Vang hiện nỗ lực triển khai tốt nhiệm vụ nhằm bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) và bàn giao mặt bằng tại các dự án, nhất là các dự án trọng điểm.
Dự án tuyến đường ĐH2 (qua địa bàn xã Hòa Nhơn và xã Hòa Sơn) là một trong 12 dự án trọng điểm, hiện tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 95,4%. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Theo Ban GPMB huyện Hòa Vang, tổng số dự án đang triển khai trên địa bàn huyện thực hiện theo Quyết định số 476/QĐ-UBND ngày 8-2-2021 của UBND thành phố Đà Nẵng là 62 dự án (trong đó có 12 dự án trọng điểm) với tổng số 3.724 hồ sơ giải tỏa. Trong đó, đã bàn giao mặt bằng 1.467 hồ sơ. Hiện 3 dự án đã hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng gồm: dự án khu phụ trợ phục vụ giải tỏa Khu Công nghệ cao, dự án khu tái định cư Lệ Sơn 1 và dự án Nhà máy nước thải Liên Chiểu.
Tổng số dự án được bố trí kế hoạch vốn năm 2021 là 62 dự án với tổng số vốn theo Quyết định số 4558/QĐ-UBND ngày 14-12-2020 của UBND thành phố giao 686,710 tỷ đồng. Tổng số tiền đã giải ngân chi trả tính đến ngày 15-6-2021 là 242,845 tỷ đồng (đạt 35,4% kế hoạch vốn giao).
Theo ông Trần Ngạnh, Giám đốc Ban GPMB huyện Hòa Vang, trong số 12 dự án trọng điểm, tiến độ thực hiện công tác chi trả, đền bù để có mặt bằng bàn giao cơ bản đạt tỷ lệ cao. Trong số này có dự án tuyến đường ĐH2 (qua địa bàn các xã Hòa Nhơn và Hòa Sơn), tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 95,4% (bàn giao 1.163/1.219 hồ sơ); dự án tuyến đường Vành đai phía Tây (đi qua 5 xã: Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Liên) bàn giao mặt bằng đạt 88,3% (1.414/1.602 hồ sơ); dự án tuyến đường Vành đai phía Tây 2 (đi qua địa bàn các quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu và xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) đã bàn giao mặt bằng đạt 87,5% (91/104 hồ sơ)...
Xã Hòa Nhơn là địa bàn có nhiều dự án trọng điểm đi qua. Theo ông Trần Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn, để bảo đảm công tác GPMB đạt tiến độ, UBND xã thường xuyên phối hợp cùng các đoàn công tác của huyện tới tận nơi tuyên truyền, vận động người dân và tìm cách tháo gỡ nhanh các kiến nghị của người dân.
“Các kiến nghị về đền bù, hỗ trợ của những hộ giải tỏa đều được thực hiện đúng quy định. Trường hợp vướng mắc mà vượt thẩm quyền thì chúng tôi báo cáo ngay để các cấp xem xét, giải quyết bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân”, ông Thu nói và cho biết, đơn cử như dự án đường ĐH2 hiện còn số hồ sơ vướng ở tuyến chính nhưng xã cam kết cùng phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành GPMB vào cuối tháng 7 này theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố.
Trong khi đó, địa bàn xã Hòa Liên có 4/12 dự án thuộc dự án trọng điểm trên địa bàn huyện. Trong số này, dự án Nhà máy nước Hòa Liên và các công trình phụ trợ phục vụ nhà máy được coi là dự án động lực, trọng điểm, cấp thiết. Theo ông Ngô Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, riêng khu vực nhà máy chính có 200 hồ sơ thì đến nay toàn bộ các hồ sơ đều đã ký biên bản bàn giao mặt bằng.
“Đối với các trường hợp hộ dân chưa bàn giao mặt bằng do khó khăn, mong được đền bù nhiều hơn, xã thường xuyên tiếp dân để vận động, đồng thời thường xuyên báo cáo để UBND huyện sớm có phương án giải quyết dứt điểm. Sau khi được tuyên truyền, giải thích, đa phần đều thống nhất và đồng ý bàn giao mặt bằng chứ không để phải thực hiện cưỡng chế”, ông Tâm nói.
Về những khó khăn trong công tác GPMB, ông Trần Ngạnh cho biết, hầu hết các dự án đang thực hiện trên địa bàn huyện Hòa Vang là những dự án tồn đọng từ nhiều năm trước do nhiều đơn vị làm công tác GPMB chuyển sang. Việc dự án kéo dài nhiều năm dẫn đến chênh lệch giá đất, giá đền bù nhà cửa, vật kiến trúc, giá nhân công xây dựng, vật liệu xây dựng có sự chênh lệch quá xa so với đơn giá hiện tại nên một số trường hợp người dân bị giải tỏa kiến nghị.
“Một số hộ dân có tâm lý chờ đợi đến khi chuẩn bị xử lý cưỡng chế mới chịu bàn giao mặt bằng. Các văn bản quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thường xuyên có sự thay đổi, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý các vấn đề chuyển tiếp. Một số dự án khi phê duyệt nhưng chưa có đất tái định cư nên người dân chưa bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, quy trình thực hiện phải thực hiện nhiều bước, trình tự, nên thời gian kéo dài”, ông Trần Ngạnh chia sẻ.
Thời gian tới, Ban GPMB huyện Hòa Vang sẽ tập trung công tác vận động, đồng thời nắm thông tin chi tiết, cụ thể về từng hộ giải tỏa để tham mưu đề xuất Hội đồng GPMB tiếp dân và giải quyết các vướng mắc, đáp ứng kịp thời nguyện vọng chính đáng, phù hợp của người dân.
“Chúng tôi sẽ linh hoạt trong công tác chi trả kinh phí bồi thường, vừa vận động, vừa giải quyết kiến nghị và chi trả trực tiếp ngay khi người dân đồng ý kết quả tiếp dân để tạo thuận lợi. Ban GPMB cũng sẽ tham mưu UBND huyện kiên quyết cưỡng chế thu hồi đất đối với những trường hợp không chấp hành bàn giao mặt bằng khi đã được thực hiện đầy đủ chính sách bồi thường, tái định cư”, ông Ngạnh cho biết thêm.
ĐẮC MẠNH