Tín hiệu vui cho lao động ngành du lịch

.

Dịch bệnh khiến hàng ngàn lao động ngành du lịch mất việc, phải chuyển hướng tìm kế sinh nhai. Trước tình hình đó, mới đây thành phố đã thông qua gói  vay  vốn  hỗ  trợ cho lao động ngành du lịch để tái sản xuất, vượt qua khó khăn do Covid-19. Đây là tín hiệu vui cho lao động ngành du lịch sau gần 2 năm lao đao vì mất việc.

Nhiều lao động ngành du lịch đang trông chờ vào gói hỗ trợ vay tín chấp của thành phố để giải quyết khó khăn trước mắt. Trong ảnh: Nhân viên phục vụ tại khách sạn Sheraton Đà Nẵng tại chương trình Đà Nẵng Sunset. (Ảnh chụp tháng 4-2021) Ảnh: THU HÀ
Nhiều lao động ngành du lịch đang trông chờ vào gói hỗ trợ vay tín chấp của thành phố để giải quyết khó khăn trước mắt. TRONG ẢNH: Nhân viên phục vụ tại khách sạn Sheraton Đà Nẵng tại chương trình Đà Nẵng Sunset. (Ảnh chụp tháng 4-2021). Ảnh: THU HÀ

“Cứu cánh” kịp thời

Sau gần 2 năm ở nhà, chị Nguyễn Thị Trang, hướng dẫn viên du lịch (trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) cho biết, thời gian qua, do không có việc làm, số tiền tiết kiệm của gia đình cũng đã vơi gần hết. Để duy trì cuộc sống, chị có nhu cầu mở một quán cà phê tại nhà để tạo thu nhập. Đang lo lắng vì không biết xoay sở nguồn vốn ở đâu, chị được Hội Hướng dẫn viên du lịch cho biết, thành phố có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho lao động ngành du lịch.

“Thông tin này như chiếc “phao” đến rất kịp thời cho những người đang bị thất nghiệp dài hạn như tôi. Tôi sẽ tìm hiểu kỹ thông tin, làm hồ sơ sớm và hy vọng đủ các tiêu chí xét duyệt được vay vốn”, chị Trang bày tỏ.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng, trước những khó khăn chung của lao động ngành du lịch, Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch, Hiệp hội Du lịch, ngành du lịch thành phố đã rất nỗ lực để có các đề xuất, mong muốn hỗ trợ cho lao động trong ngành và được thành phố thông qua. Điều này cho thấy, đây vừa là sự hỗ trợ kịp thời của thành phố, vừa chia sẻ với lao động ngành du lịch để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch danh dự Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng nhìn nhận, gần 2 năm qua, làn sóng dịch bệnh khiến ngành du lịch gặp nhiều khó khăn nên gói vay, hỗ trợ người lao động này là một trong những chính sách nhân văn của thành phố. Danh sách người lao động có nhu cầu và phù hợp với đối tượng sử dụng vốn vay được Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), Hiệp hội Du lịch cùng các doanh nghiệp tổng hợp trong tháng 6 và hướng dẫn làm thủ tục vay vốn cụ thể.

Dự kiến bố trí gần 65 tỷ đồng

Gói vay hỗ trợ người lao động ngành du lịch sẽ giúp nhân lực ngành du lịch bớt phần nào khó khăn. Trong ảnh: Hướng dẫn viên (người cầm cờ) đang hướng dẫn đoàn tham quan Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn. (Ảnh chụp trước 30-4-2021)Ảnh: THU HÀ
Gói vay hỗ trợ người lao động ngành du lịch sẽ giúp nhân lực ngành du lịch bớt phần nào khó khăn. TRONG ẢNH: Hướng dẫn viên (người cầm cờ) đang hướng dẫn đoàn tham quan Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn. (Ảnh chụp trước 30-4-2021). Ảnh: THU HÀ

Theo kế hoạch triển khai của Ngân hàng CSXH thành phố Đà Nẵng, đối tượng được vay gói hỗ trợ này là người lao động trong ngành du lịch, có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh. Mức vay vốn tối đa là 100 triệu đồng/người. Lãi suất vay là 7,93%/năm, thời hạn vay tối đa là 120 tháng. Ngân hàng sẽ xem xét nhu cầu, nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận mức vay cụ thể. Dự kiến, ngân hàng sẽ bố trí gần 65 tỷ đồng cho kế hoạch vay vốn này.

Bà Mai Thị Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết, ngay sau khi thành phố đồng ý chủ trương cho vay vốn đối với lao động ngành du lịch, ngày 30-6, Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch Đà Nẵng phối hợp Ngân hàng CSXH thành phố, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tổ chức các phiên tập huấn trực tuyến cho gần 1.000 người vay thuộc các hội: Hướng dẫn viên du lịch; Lữ hành, Khách sạn; Vận chuyển. Người vay được đại diện Ngân hàng CSXH thành phố hướng dẫn về các tiêu chí, điều kiện bảo đảm cho vay như: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; có xác nhận của cơ quan, tổ chức, thẩm quyền nơi thực hiện dự án; cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án...

Người lao động có nhu cầu vay vốn thực hiện các thủ tục giấy đề nghị vay vốn gửi tổ tiết kiệm và vay vốn tại 56 tổ thuộc xã, phường trên địa bàn thành phố, nơi người lao động đang cư trú hợp pháp. Sau khi tiếp nhận, tổ tiết kiệm và vay vốn họp bình xét và lập danh sách gửi UBND xã, phường xác nhận rồi chuyển đến Ngân hàng CSXH thành phố. Sau khi nhận được hồ sơ, ngân hàng sẽ thực hiện các thủ tục xem xét, phê duyệt và giải ngân. Đối với các trường hợp vay có thời hạn từ 12 tháng trở xuống, người vay trả nợ gốc một lần khi đến hạn; thời hạn trên 12 tháng thì kỳ hạn trả nợ tối đa 6 tháng/lần kể từ ngày nhận vốn vay đầu tiên. Tiền lãi được ngân hàng thu hằng tháng, lãi tháng trước chưa thu được thì chuyển sang thu vào tháng kế tiếp.

Được biết, Ngân hàng CSXH thành phố đã chỉ đạo các phòng giao dịch Ngân hàng CSXH trực thuộc phối hợp UBND các xã, phường, hội, đoàn thể nhận ủy thác thông tin chủ trương cho vay này đến các tổ dân phố và đội ngũ 1.770 tổ tiết kiệm và vay vốn, sẵn sàng hướng dẫn thủ tục vay vốn cho người lao động và giải ngân vào các phiên giao dịch của NHCSXH tại điểm giao dịch xã trong tháng 7 và tháng 8.

Trước những băn khoăn về các điều kiện được vay vốn, ông Cao Trí Dũng cho hay: “Do đây là vay tín chấp nên quy trình vay chặt chẽ. Vì vậy, người lao động cần lưu ý các quy trình, thủ tục, bảo đảm đúng, đủ các tiêu chí để tiếp cận được nguồn vay, bám sát các điều kiện, khung pháp lý để có thể được vay một cách nhanh nhất, sử dụng đồng vốn hiệu quả để bảo đảm cuộc sống, sau này dịch bệnh qua đi có thể quay trở lại với nghề”, ông Cao Trí Dũng nhấn mạnh.

Hiện nay, Hiệp hội Du lịch đang tổng hợp nhu cầu của các hội về đào tạo miễn phí cho người lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Cụ thể, Hội Hướng dẫn viên du lịch đăng ký 6 lớp đào tạo, mức phí khoảng 120 triệu đồng; Hội Khách sạn đăng ký 10 lớp đào tạo với mức phí khoảng 400 triệu đồng. Sở Du lịch đã có kế hoạch đào tạo ngay sau khi dịch bệnh được khống chế.

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích