Triển khai nhiều giải pháp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng

.

Vượt qua những khó khăn bởi Covid-19, các chính sách điều hành kinh tế linh hoạt của chính quyền cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác đã đưa kinh tế Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng trở lại với mức tăng GRDP đạt 4,99%, quy mô kinh tế mở rộng thêm gần 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020.

6 tháng đầu năm 2021, sản xuất công nghiệp đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế thành phố. TRONG ẢNH: Sản xuất linh kiện điện tử tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. 							           Ảnh: TRIỆU TÙNG
6 tháng đầu năm 2021, sản xuất công nghiệp đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế thành phố. TRONG ẢNH: Sản xuất linh kiện điện tử tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Không dừng lại ở kết quả tăng trưởng hiện tại, thành phố phấn đấu đạt tăng trưởng bình quân cả năm ở mức 6%.

Duy trì mục tiêu phục hồi kinh tế

Cục phó Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Nam Trung cho biết, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, có khoảng 50% DN có dự báo hoạt động của quý 3-2021 sẽ tốt lên; 21% dự báo sẽ khó khăn hơn và 29% cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định. Theo báo cáo của Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2021 đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký DN cho 2.251 DN, chi nhánh và văn phòng đại diện; tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 11.694 tỷ đồng, tăng 0,9% về số DN và giảm 6,9% về số vốn so với cùng kỳ năm 2020.

Về lĩnh vực hoạt động, số DN thành lập so với cùng kỳ năm 2020 tăng ở các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 133,3%; kinh doanh bất động sản 39,13%; vận tải kho bãi 32,88%; giáo dục và đào tạo 27,08%. Tỷ trọng vốn bình quân trên một DN trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,2 tỷ đồng/DN. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 33.744 DN và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 225.662 tỷ đồng.

Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm 2021 ước tăng 4,99% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 1,05% so với 6 tháng đầu năm 2019. Kinh tế thành phố đang dần khôi phục và đã thoát khỏi mức tăng trưởng âm của năm 2020. Với chính sách điều hành mở, hạn chế thấp nhất việc tạm dừng các hoạt động sản xuất - thương mại - dịch vụ, các hoạt động sản xuất, giao thương cũng như xuất nhập khẩu duy trì được mạch hoạt động liên tục, hầu như không gián đoạn (trừ một số dịch vụ về lữ hành, khách sạn…), điều này được cho là đóng vai trò quan trọng để mở rộng quy mô kinh tế thành phố, cũng như đưa GRDP đạt tăng trưởng dương 4,99%. Đây cũng là giải pháp cốt lõi để thành phố duy trì mục tiêu tăng trưởng.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thích ứng với diễn biến Covid-19 thông qua việc vừa sản xuất, vừa chống dịch. Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Trần Văn Tỵ cho biết, hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp đang tiếp cận nhanh và hiệu quả với mô hình “Ba tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, ngủ tại chỗ) được quán triệt đến chủ doanh nghiệp và gắn với trách nhiệm bảo đảm việc làm, đời sống, sức khỏe của người lao động. Trong sản xuất, DN tận dụng, tìm kiếm đơn hàng mới thông qua thương mại điện tử, đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường truyền thống; song song duy trì quy trình chống dịch chặt chẽ trong sản xuất để ngăn chặn ngay từ đầu nguy cơ lây lan trong sản xuất công nghiệp.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng, Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ.  Ảnh: TRIỆU TÙNG
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng, Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội thành phố Huỳnh Huy Hòa cho rằng, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm ở thành phố là cần tiếp tục phát huy hiệu quả từ chương trình kích cầu tiêu dùng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với hoạt động xây dựng. Hai giải pháp này đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh hiện nay và cũng thể hiện vai trò quản lý Nhà nước, sự chủ động điều hành của lãnh đạo chính quyền địa phương trong phục hồi phát triển kinh tế.

Giải pháp thứ ba cần đặc biệt quan tâm là sớm triển khai và thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Theo ông Huỳnh Huy Hòa, từ những kinh nghiệm trong công tác phòng, chống và kiểm soát Covid-19 cùng với sức sản xuất nội tại và sự đồng lòng của DN, mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm 2021 tại thành phố là khả thi.

Giám đốc Sở Công thương Lê Thị Kim Phương cho hay, ưu tiên hiện nay của ngành là tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số; trong đó xây dựng cơ sở dữ liệu thương mại (trung tâm thương mại siêu thị, chợ, cửa hàng bán lẻ, các nhà hàng đạt chuẩn; các nhà phân phối/doanh nghiệp thương mại; các số liệu về thương mại nội địa, xuất nhập khẩu)... để kích cầu tiêu dùng. Đồng thời, hỗ trợ DN xây dựng sàn thương mại điện tử (TMĐT) phục vụ quảng bá sản phẩm; kết nối với các sàn TMĐT lớn trong nước và quốc tế; xây dựng bản đồ mua sắm trực tuyến; giới thiệu DN tham gia trên các sàn TMĐT như Amazon, Alibaba...

Việc tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các dự án công trình cũng gắn với các hoạt động quản lý, chuẩn bị đầu tư công trung hạn; tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư. Trong công tác quản lý, ngày 11-7, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng vừa tiếp nhận quản lý Khu công nghệ thông tin tập trung theo Quyết định số 892/QĐ-TTg ngày 8-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tập trung nguồn lực hỗ trợ thu hút đầu tư. Ngoài ra, hiện nay UBND thành phố đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Khu Công nghiệp hỗ trợ Khu Công nghệ cao và chủ trương đầu tư 3 khu công nghiệp mới (Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh) có tổng  diện tích hơn 880 ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 15.800 tỷ đồng.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Thị Thanh Tâm, thành phố đã khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị đầu tư cho nhiều dự án đầu tư trung hạn trong thời gian đến. Cụ thể, thành phố đề xuất bổ sung 11 dự án trọng điểm động lực. UBND thành phố đang triển khai 55 dự án công trình trọng điểm, động lực với tổng vốn đầu tư 47.960 tỷ đồng từ ngân sách thành phố và Trung ương; 31 dự án công trình trọng điểm động lực chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 với vốn đầu tư 37.436 tỷ đồng. UBND thành phố cũng xây dựng 3 kịch bản phát triển trong 6 tháng cuối năm và tùy theo tình hình thực tế áp dụng giải pháp điều hành kinh tế phù hợp. Tinh thần nhất quán là phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6% năm 2021.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng qua rà soát, Sở Tài Nguyên và Môi trường đã phê duyệt danh mục đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021 với 12 khu đất (hơn 84.5000m2) đã có chủ trương để đầu tư các công trình, dự án theo quy hoạch; đề xuất xin chủ trương đấu giá lô đất lớn và 200 lô đất tái định cư. Bên cạnh đó, sở sẽ trình danh mục các khu đất dự kiến đưa vào khai thác trong giai đoạn từ nay tới năm 2025 (năm 2022 đưa vào khai thác 33 khu với hơn 142.000m2; năm 2023 đưa vào khai thác 35 khu với hơn 163.000m2, năm 2024 đưa vào khai thác 47 khu với hơn 211.000m2). Hiện thành phố đang xây dựng phương án sử dụng những khu đất trống và đất tái định cư để trình HĐND thành phố thông qua, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực lớn về đất đai, tạo nguồn thu để đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích