Thời điểm này, toàn thành phố đồng lòng thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19. Trước nỗi lo của người dân về tình hình cung ứng thực phẩm, ngành công thương đã làm việc với các doanh nghiệp, đầu mối cung ứng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ về việc tăng cường dự trữ hàng.
Các đơn vị, doanh nghiệp chủ động bảo đảm cung ứng nguồn hàng. TRONG ẢNH: Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng bảo đảm nguồn hàng dồi dào phục vụ người dân. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Nguồn dự trữ dồi dào
Theo thông tin từ Ban quản lý chợ đầu mối Hòa Cường, trong sáng 1-8, có 28 xe tải chở hàng về chợ (16 xe trái cây, 12 xe rau, củ, quả) với sản lượng hơn 300 tấn. Các mặt hàng được bình ổn giá so với những ngày trước. Ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng ban quản lý chợ đầu mối Hòa Cường cho biết, ngoài khả năng cung ứng mỗi ngày từ 300-350 tấn rau, củ, quả, chợ đầu mối cũng dự trữ một số mặt hàng thiết yếu khác như gạo (1 tấn), dầu (500 lít), mỳ gói (1.500 thùng) mắm, muối, khẩu trang, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh... Hàng hóa tại chợ không thiếu hụt.
Theo đề nghị từ Sở Công thương, siêu thị Co.opmart Đà Nẵng đã chủ động tăng nguồn cung tất cả các mặt hàng thiết yếu. Cụ thể, 7 tấn gạo, 2 tấn thủy - hải sản, 1.000 quả trứng gà, 1.000 thùng mỳ gói... Tương tự, hệ thống siêu thị Vinmart dự trữ 10.000 quả trứng gà, 3 tấn gạo, các loại mắm, muối, dầu ăn đều được trữ kho với số lượng lớn.
Ông Trần Quốc Việt, Giám đốc siêu thị Vinmart cho biết: “Trước khi có thông tin áp dụng các quy định phòng, chống dịch cao hơn Chỉ thị số 16/CT-TTg, siêu thị đã chủ động tăng cường lượng hàng gấp 3-4 lần so với ngày thường. Ngoài ra, với các sản phẩm rau, củ, thịt, cá..., siêu thị chủ động làm việc với nhà cung cấp địa phương dự trù số lượng tăng cường, bổ sung hàng kịp thời khi cần, bảo đảm không đứt hàng. Trong quá trình mua sắm, siêu thị phát loa thông báo việc siêu thị vẫn mở cửa liên tục với giá cả bình ổn để phục vụ tiêu dùng thường xuyên cho người dân; khuyến cáo người dân yên tâm, không mua hàng số lượng lớn, chỉ mua với số lượng vừa đủ cho nhu cầu hằng ngày”.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 10 siêu thị lớn (Co.opmart, BigC, Lotte Mart, Vinmart, MM Mega...) và các chợ lớn (chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ đầu mối Hòa Cường) đăng ký tham gia cung ứng các mặt hàng thiết yếu như: gạo, mỳ gói, muối, dầu ăn, thịt các loại, thủy - hải sản, nước đóng chai, khẩu trang sát khuẩn, giấy vệ sinh... với nguồn hàng phong phú, lưu chuyển theo chu kỳ 2-3 ngày/lần. Trong khi đó, tại các chợ truyền thống, lượng hàng hóa thiết yếu hiện có giá trị khoảng10 tỷ đồng; thời gian lưu chuyển hàng hóa tại chợ theo chu kỳ từ 1-2 ngày/lần.
Tăng cường phòng dịch, khuyến khích mua hàng trực tuyến
Thời điểm này, việc kiểm soát phòng, chống dịch tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi đặc biệt được chú trọng. Tất cả các điểm bán hàng đều thực hiện phân luồng, hướng dẫn khách hàng giãn cách tối thiểu 2m khi mua hàng, nhất là tại khu vực thanh toán. Trước khi vào mua sắm, khách hàng sẽ được kiểm tra thân nhiệt, thực hiện khai báo y tế, rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang trong suốt quá trình mua sắm.
Theo Sở Công thương, từ ngày 1-8, thành phố áp dụng thẻ QR Code mua hàng thiết yếu thay thế thẻ vào chợ QR Code. Thẻ QR Code mua hàng thiết yếu sẽ sử dụng chung cho việc đi mua các mặt hàng thiết yếu tại một trong các địa điểm: chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại trên địa bàn. Tần suất sử dụng thẻ 3 lần/tuần và ngày đi do UBND phường in trên phiếu, người dân được đến bất kỳ điểm bán hàng thiết yếu nào, thẻ được sử dụng tối đa 1 ngày/lần (đi đúng ngày và có giá trị quét 1 lần trong ngày).
Ông Phan Mạnh Hân, Phó ban quản lý chợ quận Sơn Trà cho biết, kiểm soát ra vào bằng thẻ QR Code mua hàng thiết yếu sẽ hạn chế việc người dân đến chợ nhiều lần trong ngày. Đây là một trong những hoạt động của chính quyền thành phố triển khai Chỉ thị số 05/CT-UBND của UBND thành phố về giãn cách xã hội để kiểm soát Covid-19.
Đối với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố, Sở Công thương hướng dẫn các đơn vị tải ứng dụng eTicket-Đà Nẵng, sau đó đăng ký và kích hoạt tài khoản. Đồng thời, khuyến nghị các đơn vị không được cho người vào mua sắm nếu không xuất trình được thẻ QR Code mua hàng thiết yếu hoặc thẻ QR Code không hợp lệ (không đúng mẫu, không đúng ngày, đã mua sắm tại địa điểm khác trong ngày... được thể hiện trên ứng dụng).
Ông Phan Thống, Giám đốc siêu thị Co.opmart Đà Nẵng cho hay, đơn vị đã triển khai ứng dụng quét QR Code mua hàng thiết yếu, tuy nhiên, nhiều người dân đến siêu thị bày tỏ, họ chưa nhận được thẻ mới. Với những trường hợp này, siêu thị vẫn giải quyết để người dân vào mua hàng, bảo đảm 5K.
Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Hữu Hạnh đề nghị, các cơ sở bán hàng cần tăng cường giải pháp bán hàng online, đặt mua hàng qua điện thoại. Sở Công thương đã tổng hợp danh sách các đơn vị, các hộ tiểu thương cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, suất ăn công nghiệp (đặt hàng hotline, giao hàng tận nhà) để phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân, hạn chế việc đi lại, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Theo đó, các mặt hàng được giao tận nhà đa dạng từ rau hành, lagim, thực phẩm khô, dầu, gạo, mắm đến thực phẩm thủy - hải sản, thịt, cá tươi sống mỗi ngày. Sở Công thương vừa có văn bản đề nghị các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối hàng hóa thiết yếu, ban quản lý các chợ... lập danh sách lái xe, nhân viên giao nhận của đơn vị mình và gửi danh sách về sở để được cấp giấy xác nhận đi đường.
Giám đốc Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng Phạm Tuấn Anh thông tin, việc thực hiện chủ trương của thành phố sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng cung ứng thịt heo, bò. Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng vẫn hoạt động bình thường, đáp ứng nhu cầu của người dân toàn thành phố. Hiện trên địa bàn có khoảng 54 đại lý, cửa hàng cung ứng gạo với khả năng cung ứng khoảng 1.280 tấn (trong đó, nguồn gạo dự trữ tại chợ Cồn là 12 tấn, chợ Đống Đa 1 tấn, chợ Hàn 1 tấn...); năng lực sản xuất khoảng 1,5 triệu gói mỳ ăn liền/mỗi ngày; 100.000-200.000 quả trứng gà/ngày. |
QUỲNH TRANG