Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Trung thu, mọi năm, đây là thời điểm phố thị trường bánh trung thu sôi động. Tuy nhiên, năm nay, tình hình sản xuất và tiêu thụ bánh khá trầm lắng.
Siêu thị Big C đã bày biện bánh trung thu trên các quầy nhưng số lượng đặt mua khá ít. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Ảnh hưởng của Covid-19 khiến những tuyến phố trước đây tấp nập cảnh mua bán bánh trung thu như: Lê Duẩn, Phan Châu Trinh, Nguyễn Chí Thanh... giờ đây vắng bóng các quầy hàng, chỉ còn lác đác một số cửa hàng tiện ích, siêu thị, tạp hóa bày bán bánh trung thu nhưng cũng thưa thớt người mua.
Ông Phan Thống, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng cho biết, theo đánh giá thị trường của đơn vị, trong giai đoạn này, bánh trung thu không phải mặt hàng “thiết yếu”, do vậy, siêu thị không nhập mặt hàng này về bán mà chỉ tự sản xuất bánh nhân ngọt (bánh đậu xanh, đậu đỏ) với giá 69.000 đồng/hộp 2 bánh để phục vụ một số đối tượng khách có nhu cầu. Chúng tôi sản xuất mỗi ngày với số lượng rất ít, thường làm theo đơn đặt hàng chứ không làm số lượng lớn trưng bày như mọi năm”, ông Thống cho hay.
Tương tự, bà Phạm Thùy Dung, quản lý điều hành Ba Hưng Bakery cho hay, dù chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Trung thu nhưng hệ thống cửa hàng vẫn chưa chú trọng làm mặt hàng này mà chỉ tập trung sản xuất các loại bánh mỳ, bánh sandwich. “Có lẽ, phải đến sát ngày, chúng tôi mới làm số lượng ít bánh nướng để bán, chủ yếu nhắm vào nhu cầu mua ăn chứ không mua biếu. Bởi qua giai đoạn giãn cách kéo dài, đời sống người dân khó khăn, vấn đề đi lại, giao thương còn hạn chế nên việc mua bánh biếu tặng không rôm rả như mọi năm”, bà Dung chia sẻ.
Khảo sát tại các cửa hàng tạp hóa bán bánh trung thu, sức mua hiện ở mức rất thấp. Cửa hàng Yến Nga (170 Lê Độ) hay là nơi làm đại lý cho nhiều nhãn hàng bánh Trung thu và cung ứng theo đơn hàng lớn cho các công ty, doanh nghiệp để biếu, tặng đối tác, người lao động. Tuy nhiên, năm nay, đơn vị mới chỉ nhận làm đại lý cho thương hiệu Kinh Đô và Yến sào Khánh Hòa. “Cũng có một số đơn vị chào hàng nhưng đến giờ còn chưa được bán trực tiếp, người dân chưa được ra đường nhiều nên chúng tôi không nhận. Do không được bán trực tiếp cho người dân nên doanh thu bán lẻ hiện rất thấp”, bà Trương Thị Yến Nga, chủ cửa hàng nói. Còn theo bà Đặng Thị Tuyết (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn), gia đình bà cũng không đặt bánh trung thu do phải thắt chặt chi tiêu trong mùa dịch. Bên cạnh đó, phí ship cao cũng khiến bà đắn đo và quyết định không mua mặt hàng này.
Bên cạnh nhu cầu giảm hẳn thì một vấn đề khiến các đơn vị sản xuất bánh trung thu không mặn mà là vì khan hiếm nguồn nguyên liệu và giá thành nguyên liệu quá cao. Chị Nguyễn Hạnh (chủ tiệm bánh Cô Sen, đường Đống Đa, quận Hải Châu) bày tỏ, mọi năm, đến mùa trung thu là nhận đơn đặt trước 1 tháng để chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu và làm cho kịp để khách bắt đầu lấy bánh để biếu tặng. Tuy nhiên, năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp làm cản trở quá trình vận chuyển, giao thương khó khăn dẫn đến việc thiếu hụt và đắt đỏ. Thậm chí không chuyển nguyên liệu về được nên việc sản xuất bánh của cửa hàng không được kịp thời, do vậy không nhận đơn hàng vì không có nguyên vật liệu và nhân công làm bánh.
Về vấn đề kiểm soát chất lượng, ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố cho biết hiện vẫn duy trì 2 đoàn kiểm tra, giám sát các đơn vị cung cấp suất ăn, cung cấp thực phẩm; đồng thời giám sát an toàn thực phẩm bánh Trung thu nếu có. Đơn vị cũng đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện đề nghị tăng cường theo dõi vấn đề sản xuất, kinh doanh bánh trung thu trên địa bàn.
QUỲNH TRANG