Sau hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp”, hiện nay các sở, ban, ngành của thành phố đang tiếp tục đề xuất các giải pháp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp phục hồi và ổn định sản xuất, kinh doanh.
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Vinatex quốc tế - Chi nhánh Đà Nẵng (Khu Công nghiệp Hòa Khánh). Ảnh: P.V |
Tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn
Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (gọi tắt là Ban quản lý) đang xây dựng phương án về giảm tiền sử dụng hạ tầng cho doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao, khu công nghiệp. Ngoài ra, Ban quản lý đã làm việc trực tiếp và có công văn đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng tại các khu công nghiệp do tư nhân đầu tư chung sức cùng thành phố hỗ trợ các doanh nghiệp để khôi phục sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của Covid-19. Cụ thể là bằng hình thức giảm 25% tiền sử dụng hạ tầng năm 2021 cho các doanh nghiệp.
Đến nay, Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (chủ đầu tư Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng và Khu công nghiệp Liên Chiểu) thống nhất hỗ trợ giảm 25% với điều kiện doanh nghiệp thanh toán đúng thời hạn trong hợp đồng; Công ty TNHH Massda Land (chủ đầu tư Khu công nghiệp Đà Nẵng) hỗ trợ doanh nghiệp giãn tiến độ nộp tiền đến ngày 31-12-2021… Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, đơn vị đã đề xuất các phương án giảm tiền sử dụng hạ tầng cho doanh nghiệp đối với khu công nghệ cao, khu công nghiệp do Nhà nước đầu tư và khu công nghiệp do tư nhân đầu tư, trình UBND thành phố xem xét.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển thành phố cho biết, để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trước mắt, Quỹ Đầu tư phát triển thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận nguồn vốn vay của quỹ; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi cho một số khách hàng theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành để tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố cơ chế chính sách hỗ trợ lãi suất doanh nghiệp vay vốn tại Quỹ Đầu tư phát triển nhằm khôi phục và mở rộng sản xuất kinh doanh nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ. Bên cạnh đó, Quỹ Đầu tư phát triển tiếp tục đẩy mạnh giới thiệu danh mục cho vay mới ban hành tại Quyết định số 1568/QĐ-UBND của UBND thành phố về danh mục các lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025; lãi suất cho vay mới theo Quyết định số 41/QĐ-HĐQL ngày 1-7-2021 của UBND thành phố.
Hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng dự kiến phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai thực hiện cho vay vốn lưu động đối với các doanh nghiệp thuộc ngành nghề ưu tiên phục hồi sau dịch theo chủ trương của UBND thành phố.
Công nhân đang làm việc tại Công ty CP Dệt may 29-3. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Đề xuất hỗ trợ chi phí xét nghiệm, thúc đẩy lưu thông hàng hóa
Về hỗ trợ cho người lao động, thành phố đang tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do). Tính đến ngày 28-9, thành phố đã ban hành quyết định hỗ trợ cho 13.810 người với số tiền 20,44 tỷ đồng. Các quận, huyện đã chi cho 12.689 người với số tiền 18,43 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, đơn vị đang đề nghị UBND các quận, huyện rà soát, bổ sung thêm các đối tượng gặp khó khăn do Covid-19 để sở xây dựng tiêu chí xác định đối tượng, dự thảo văn bản trình UBND thành phố. Song song, sở tiếp tục giải quyết các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chú trọng tiêu chí đào tạo lại để đưa lao động sớm trở lại thị trường lao động, tiếp tục thực hiện chính sách giáo dục nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ và nhân rộng các mô hình đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại chỗ có hiệu quả ở các địa phương. Khi tình hình Covid-19 được kiểm soát, sở sẽ tổ chức khảo sát đời sống người dân để làm cơ sở tham mưu các chính sách hỗ trợ cho người dân.
Qua các ý kiến tại hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp”, các doanh nghiệp cho biết chi phí xét nghiệm Covid-19 đang là “gánh nặng” lớn với mỗi doanh nghiệp; đồng thời doanh nghiệp cũng quan tâm nhiều vấn đề lưu thông hàng hóa, hỗ trợ tín dụng. Hiện UBND thành phố đã giao Sở Y tế đề xuất chính sách và cơ chế hỗ trợ chi phí xét nghiệm, gửi qua Sở Tài chính để Sở Tài chính có tờ trình cho UBND thành phố.
Sở Giao thông vận tải đang tham mưu giải pháp phù hợp về lưu thông hàng hóa, nguồn nguyên vật liệu giữa các khu vực; tránh để tình trạng ùn ứ trong lưu thông hàng hoá. Ngoài các chính sách trên, theo Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố, các sở, ban, ngành đang tiếp tục phối hợp để đề xuất thêm một số chính sách về giá đất, gia hạn thuê đất đối với doanh nghiệp thuê đất theo hiện trạng sử dụng, cho giãn tiến độ triển khai dự án đầu tư do ảnh hưởng của Covid-19, triển khai chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân.
MAI QUẾ