ĐNO - Từ hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các cấp và nỗ lực bản thân, vợ chồng anh Đào Huy Tùng, chị Lê Thị Phương Thảo (quản lý trại nấm Huy Tùng, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) thành công với mô hình trồng nấm rơm công nghệ cao, mang về nguồn thu nhập ổn định.
Nấm rơm được chị Thảo trồng theo hình thức ứng dụng công nghệ cao trong khu nhà xưởng sản xuất có tổng diện tích khoảng 450m2. Ảnh: XUÂN SƠN |
Năm nay 68 tuổi, bà Nguyễn Thị Phước (phường Hòa Thọ Tây) tham gia làm việc tại trại nấm Huy Tùng khoảng 20 ngày/tháng. Nhiệm vụ của bà là đưa nguyên liệu vào phòng trồng nấm, thu hoạch và đẩy nguyên liệu ra ngoài. Bà chia sẻ, công việc ở trại nấm tương đối nhẹ nhàng, phù hợp với sức vóc phụ nữ. Thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng giúp bà có nguồn thu ổn định, trang trải kinh tế gia đình trong bối cảnh ảnh hưởng bởi Covid-19.
Bà Phước là một trong số gần chục người làm việc ở trại nấm Huy Tùng thời gian qua. Ở đây có 4 công nhân chính tham gia sản xuất trực tiếp và 5 lao động thời vụ, chủ yếu là hội viên chi hội Phụ nữ trên địa bàn phường Hòa Thọ Tây. Trại nấm này là thành quả của mấy năm tìm tòi, nghiên cứu và cả… thất bại của vợ chồng anh Đào Huy Tùng, chị Lê Thị Phương Thảo.
Chị Thảo kể, gia đình từ miền Bắc vào Đà Nẵng sinh sống và lập nghiệp từ mấy năm trước. Qua nhiều lần khảo sát, họ nhận thấy nấm rơm thường “cháy” hàng vào những ngày rằm, mồng Một với giá cả khá cao tại thị trường Đà Nẵng; điều kiện trồng nấm của nông dân cũng không được thuận lợi. Sẵn có đam mê làm nông nghiệp và không gian đất trồng tại nhà, anh chị quyết định thử nghiệm trồng nấm rơm chất lượng cao với giá cả hợp lý.
Hồi đầu, anh chị thực hiện phương pháp trồng nấm truyền thống trong phòng kín chừng 15m2. Sản phẩm cơ bản đồng đều và có chất lượng tốt với thời tiết và nhiệt độ thuận lợi, tuy nhiên phụ thuộc vào thời tiết cũng chính là hạn chế của phương pháp này.
“Nấm trồng theo cách truyền thống chỉ được mùa trong thời điểm từ tháng 4 đến tháng 8. Sau khoảng thời gian đó, Đà Nẵng bắt đầu vào mùa mưa, nhiệt độ lúc này giảm, nhất là vào ban đêm độ ẩm thay đổi liên tục nên việc trồng nấm lúc này sẽ gặp thiệt hại lớn. Vì vậy, cần phải thay đổi phương thức sản xuất sao cho vừa duy trì mô hình trồng nấm ổn định suốt cả năm, giảm phụ thuộc vào thời tiết”, chị Thảo chia sẻ.
Từ suy nghĩ ấy, hai vợ chồng mạnh dạn vay vốn mở rộng cơ sở sản xuất, áp dụng kỹ thuật và công nghệ cao vào trồng nấm với phương pháp canh tác mới. Một nhà xưởng sản xuất rộng khoảng 450m2 với kinh phí 650 triệu đồng được dựng lên. Đó là kết quả của 3 năm tìm tòi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm từ thất bại.
Từ sự hỗ trợ của Hội Nông dân, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Phụ nữ… với các chương trình hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao của thành phố, anh chị có sự góp sức đầu tư về kinh phí, thiết bị và đầu ra sản phẩm. Hiện tại, trại nấm Huy Tùng cơ bản sản xuất nấm rơm ổn định với chất lượng tốt quanh năm, không còn phụ thuộc vào thời tiết như trước.
Anh Tùng cho biết đã mở rộng 8 phòng trồng nấm khép kín với diện tích 35m2/phòng, nhiệt độ phòng dao động từ 30-35 độ C và được điều chỉnh bằng công nghệ sao cho phù hợp với sự sinh trưởng của cây nấm. Mỗi phòng cần khoảng 600kg nguyên liệu để cho ra 80kg nấm.
Theo anh Tùng, cách trồng nấm này vừa rút ngắn được vòng đời sinh trưởng của nấm trong hơn 2 tuần, gần phân nửa thời gian so với phương pháp truyền thống, qua đó xác định được thời gian cấy giống; bảo đảm nguồn nấm bán ổn định ra thị trường tại chợ đầu mối Hòa Cường, các chợ truyền thống, kênh bán hàng zalo và facebook.
Đặc biệt trong những ngày rằm và mồng Một, nấm được bán giá sỉ với 130.000-140.000 đồng/kg. Mỗi tháng, sau khi trừ hết chi phí, anh chị thu về khoảng 35 triệu đồng.
Những cây nấm sinh trưởng ổn định quanh năm nhờ phương pháp cấy trồng phù hợp. Ảnh: XUÂN SƠN |
Tại Cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp - Đổi mới - Sáng tạo” năm 2021 do Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Cẩm Lệ tổ chức, ý tưởng về mô hình trồng nấm rơm công nghệ cao do chị Thảo trình bày đã đoạt giải Nhì và được ban giám khảo đánh giá phù hợp với nhu cầu thực tế, thân thiện với môi trường.
Theo đó, thiết kế và máy móc ở trại nấm bảo đảm khía cạnh bảo vệ môi trường, hạn chế bụi, khí thải, tiếng ồn… và tận dụng tốt các nguyên liệu thải bỏ như bã mía, xơ dừa, lục bình, mùn thải… để cấy nấm. Các nguyên liệu thải này được ủ làm phân hữu cơ bán cho các vườn rau, cửa hàng về nông nghiệp trên địa bàn.
“Sắp tới chúng tôi dự định mở rộng cơ sở sản xuất và lập HTX nông nghiệp kết hợp giữa trồng nấm khép kín với cung cấp đất sạch, phân hữu cơ, trồng hoa và cây kiểng… để sản phẩm của mình có thể “phủ sóng” rộng đến các siêu thị mini, cửa hàng thực phẩm sạch tại Đà Nẵng. Đồng thời sẵn sàng chia sẻ phương pháp trồng nấm hiện tại đến những nông dân khác để cùng nhau phát triển nghề này”, chị Thảo cho biết.
XUÂN SƠN