Nỗ lực phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn

.

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế- xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ… Đến nay, nhiều lĩnh vực đang tạo được dấu ấn và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, trong đó có du lịch.

Du lịch Đà Nẵng đang phục hồi mạnh mẽ. Trong ảnh: Lễ hội khinh khí cầu tổ chức tại Đà Nẵng cuối tháng 3-2022 thu hút đông đảo du khách. Ảnh: XUÂN SƠN
Du lịch Đà Nẵng đang phục hồi mạnh mẽ. TRONG ẢNH: Lễ hội khinh khí cầu tổ chức tại Đà Nẵng cuối tháng 3-2022 thu hút đông đảo du khách. Ảnh: XUÂN SƠN

Thực tế cho thấy, phát huy thế mạnh về vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên cùng sự quan tầm, đầu tư của chính quyền địa phương, Đà Nẵng là địa phương có sự phát triển nhanh về du lịch ở vùng duyên hải miền Trung. Giai đoạn 2018-2019, ngành du lịch Đà Nẵng phát triển vượt bậc với tổng lượt khách do cơ sở lưu trú du lịch phục vụ trong năm 2019 đạt 8,04 triệu lượt, tăng 23,2% so với năm 2018. Trong đó khách quốc tế đạt 3,24 triệu lượt, tăng 24,7% khách nội địa, đạt 4,79 triệu lượt, tăng 22,3% doanh thu lưu trú, lữ hành đạt 8.650 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2018.

Theo đánh giá của ngành du lịch thành phố, tính đến năm 2019, du lịch đã cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với việc đáp ứng 6 tiêu chí đánh giá cơ bản dựa trên đóng góp trực tiếp của ngành du lịch vào GRDP thành phố hơn 10% (năm 2019 đạt 13,6%); phát triển du lịch phù hợp lợi thế địa phương, sản phẩm du lịch có tính đa dạng, bền vững; tăng trưởng lượng khách du lịch không dưới 7%/năm (giai đoạn 2011-2019 đạt 19,5%); số lượng, chất lượng nguồn lao động du lịch được bổ sung và nâng cao (tỷ lệ lao động trực tiếp chiếm 8,7% (50.963 người) trong tổng việc làm của xã hội; chi tiêu bình quân của khách du lịch ở mức tương đương cả nước (kết quả khảo sát năm 2019, chi tiêu bình quân khách nội địa có lưu trú là 1,55 triệu đồng/ngày (gần tương đương cả nước 1-1,6 triệu đồng/ngày), chi tiêu bình quân khách quốc tế có lưu trú khoảng 130 USD/ngày, gần tương đương cả nước 135 USD/ngày); đạt mức độ hài lòng của du khách thông qua các danh hiệu giải thưởng và kết quả khảo sát du lịch như: giải thưởng Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á năm 2016, top 10 thành phố tổ chức hội họp hàng đầu châu Á năm 2017; top xu hướng về lựa chọn điểm đến năm 2018, top 52 điểm đến năm 2019; top 10 điểm đến toàn cầu năm 2020; top 25 điểm đến khu vực châu Á được yêu thích nhất năm 2021…

Hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, liên tục được đầu tư. Năm 2021, thành phố có 1.272 cơ sở lưu trú với 44.810 phòng, trong đó có 216 cơ sở lưu trú hạng 3-5 sao và tương đương 26.822 phòng, chiếm khoảng 60% tổng số phòng trên địa bàn thành phố; 16 khu, điểm tham quan du lịch. Một số khu du lịch do các tập đoàn lớn đầu tư có hạ tầng, dịch vụ tốt, nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp, chu đáo như Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills; Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài; Công viên nước Mikazuki 360… Ngoài ra Đà Nẵng còn có Trung tâm Hội chợ triển lãm và Trung tâm Hội nghị và triển lãm Ariyana Đà Nẵng đủ điều kiện tổ chức các sự kiện quy mô quốc tế lớn như sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017…

Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho biết dịch bệnh bùng phát khiến ngành bị ảnh hưởng. Ngay sau khi Chính phủ cho phép phục hồi, mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, UBND thành phố đã ban hành các kế hoạch, phương án liên quan đến hoạt động du lịch trong giai đoạn bình thường mới để triển khai các chính sách, giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Trong dài hạn, Sở Du lịch sẽ xây dựng và triển khai các chiến lược quy hoạch phát triển du lịch của thành phố. Trong ảnh: Du khách vui chơi, trải nghiệm tại Khu du lịch  Sun World Bà Nà Hills. Ảnh: KIM LIÊN
Trong dài hạn, Sở Du lịch sẽ xây dựng và triển khai các chiến lược quy hoạch phát triển du lịch của thành phố. TRONG ẢNH: Du khách vui chơi, trải nghiệm tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills. Ảnh: KIM LIÊN

Đến nay, các hoạt động du lịch của Đà Nẵng đã khởi sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa kích hoạt các ngành kinh doanh khác và tạo việc làm cho người dân. Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, trước mắt sở sẽ cùng các sở, ban, ngành, địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến thị trường, khôi phục các đường bay nội địa và quốc tế; làm việc với các hãng hàng không trong nước, quốc tế để thông báo các chính sách và hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch để hình thành các liên minh kích cầu, khai thác thị trường.

Đồng thời cơ sở dịch vụ nghiêm túc thực hiện các quy định về đăng ký giá, niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, nghiêm cấm tùy tiện tăng giá, ép khách gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thành phố; chuẩn bị nguồn nhân lực bảo đảm số lượng, chất lượng, chú trọng kỹ năng thái độ phục vụ khách; bảo đảm an ninh, an toàn điểm đến; đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới và tăng cường hơn nữa công tác truyền thông quảng bá và kích cầu du lịch.

Về dài hạn, Sở Du lịch sẽ xây dựng triển khai thực hiện chiến lược quy hoạch phát triển du lịch bằng cách tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch; điều chỉnh quy hoạch chung gồm đề án cơ cấu lại ngành du lịch Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; kế hoạch phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025…

NHẬT HẠ

;
;
.
.
.
.
.