Nhượng quyền thương hiệu: Hướng đi mới cho các startup

.

Xu hướng nhượng quyền thương hiệu có sức hấp dẫn đối với các nhà khởi nghiệp (startup). Tại Đà Nẵng, nhiều mô hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu trong các lĩnh vực ăn uống, bán lẻ, thời trang, sức khỏe và làm đẹp… mang lại kết quả khả quan. Đây được xem là hướng đi mới cho các starup trên địa bàn thành phố.

Các startup khởi nghiệp từ các thương hiệu đã thành công nhằm rút ngắn thời gian tiếp cận khách hàng. Trong ảnh: Quán cà phê Milano trên tuyến đường Hồ Nghinh, quận Sơn Trà đã được nhượng quyền thương hiệu. Ảnh: CAO TÀI
Các startup khởi nghiệp từ các thương hiệu đã thành công nhằm rút ngắn thời gian tiếp cận khách hàng. TRONG ẢNH: Quán cà phê Milano trên tuyến đường Hồ Nghinh, quận Sơn Trà đã được nhượng quyền thương hiệu. Ảnh: CAO TÀI

Lợi thế khi được “dọn sẵn” đường đi

Theo TS Hà Thị Duy Linh, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, giảng viên Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng cho biết, mô hình nhượng quyền thương hiệu đem lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư. Một trong những lợi ích lớn nhất là các startup được nhận sự hỗ trợ về các chiến lược marketing quảng bá từ bên nhượng quyền. Bên nhận nhượng quyền được sử dụng thương hiệu của bên nhượng quyền, điều này giúp các startup rút ngắn khoảng thời gian tiếp cận khách hàng. Đây cũng là mô hình kinh doanh ít rủi ro bởi bên nhận nhượng quyền sẽ áp dụng mô hình kinh doanh đã được thiết lập từ trước.

Chị Lê Nhật Viễn, chủ cửa hàng thời trang thể thao Thế giới đồ tập (đường Ngô Gia Tự, quận Hải Châu) chia sẻ, việc kinh doanh dưới thương hiệu của những đơn vị đã có “tiếng” trong từng lĩnh vực là xu thế phù hợp với những người đam mê khởi nghiệp. Khi triển khai mô hình kinh doanh này, chị không phải lo lắng tìm kiếm nguồn hàng, lên kế hoạch, thiết kế các chiến dịch quảng cáo và trang trí cửa hàng. Mọi vấn đề đều được đơn vị nhượng quyền thương hiệu hướng dẫn cụ thể. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh vừa qua, cửa hàng của chị được miễn phí nhượng quyền. Đây là giải pháp nhằm chia sẻ khó khăn trong kinh doanh mà thương hiệu “Thế giới đồ tập” hỗ trợ cho chị; đồng thời nếu doanh thu không đạt, thương hiệu này cam kết không lấy phí nhượng quyền.

“Hiện tại, công việc kinh doanh của tôi đang tiến triển tốt. Trong thời gian đến, tôi dự định mở thêm vài cửa hàng nữa để mở rộng và phát triển công việc kinh doanh”, chị Viễn cho hay.

Cũng bắt đầu khởi sự bằng việc nhận nhượng quyền thương hiệu từ cà phê Milano, anh Đoàn Nguyễn Minh Kha, chủ quán cà phê Milano (đường Hồ Nghinh, quận Sơn Trà) bày tỏ, qua tìm hiểu về nhượng quyền các thương hiệu, anh nhận thấy thương hiệu Milano đề cao tính hiệu quả. Với các mô hình nhượng quyền khác nhau cũng giúp các startup thuận lợi khi lựa chọn mô hình phù hợp nhất. Hơn nữa, thủ tục nhượng quyền cũng thuận lợi, nhanh chóng. Khi thực hiện nhượng quyền, phía anh chỉ tuyển nhân viên phục vụ và bên đối tác sẽ giúp anh đào tạo nhân viên pha chế.

“Nhượng quyền thương hiệu giúp rút ngắn thời gian tiếp cận khách hàng, trong khi giá các loại thức uống đều tuân thủ theo quy định bảng giá chung của thương hiệu; nguồn hàng được nhập trực tiếp từ đơn bị nhượng quyền thương hiệu nên người tiêu dùng an tâm khi sử dụng và trải nghiệm tại cửa hàng”, anh Kha nói.

Xác định mục tiêu phù hợp

Một trong những khó khăn mà các startup phải đối mặt khi nhận chuyển giao nhượng quyền thương hiệu là vốn đầu tư bỏ ra ban đầu lớn, thậm chí 3-5 tỷ đồng đối với những thương hiệu nổi tiếng; đồng thời kèm theo những điều kiện nghiêm ngặt về vị trí cửa hàng, diện tích cửa hàng... Do đó, các chủ đầu tư cần cân nhắc kỹ về số vốn ban đầu. Bên cạnh đó, người nhận nhượng quyền cũng cần chú ý về chi phí cố định hằng tháng, đặc biệt là trong thời gian đầu để giảm thiểu các rủi ro.

Từ kinh nghiệm của mình, anh Đoàn Nguyễn Minh Kha nhấn mạnh, các startup phải xác định rõ khả năng của bản thân, bao gồm khả năng về tài chính, nguồn lực, phân khúc, đối tượng khách hàng cần nhắm đến và cần xác định rõ những mục tiêu để có chiến lược phù hợp. Hiện nay, nhiều thương hiệu đang thực hiện việc nhượng quyền kinh doanh nên để thành công, các startup cần lựa chọn thương hiệu lựa chọn sao cho phù hợp nhất với bản thân.

Còn theo TS Hà Thị Duy Linh, khó khăn lớn nhất của việc nhận nhượng quyền thương hiệu là sự phụ thuộc gần như tuyệt đối vào bên nhượng quyền. Từ bài học cửa hàng Tocotoco (79 Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng) năm 2018 cho thấy một sự thay đổi nhỏ trong mô hình kinh doanh cũng phải được sự đồng ý từ bên nhượng quyền, dù rằng sự thay đổi này là để phù hợp với thị hiếu của khách hàng ở khu vực của cửa hàng. Ngoài ra, các startup cũng có khả năng mất hợp đồng, chấm dứt hợp đồng nhượng quyền rất cao khi không thực hiện đúng các cam kết. Do đó, khi ký kết các hợp đồng nhượng quyền cần đọc kỹ các điều khoản. Việc thương lượng để thay đổi nội dung của hợp đồng nhượng quyền là không khả thi, việc này chỉ giúp các startup hiểu rõ hơn về hệ thống, nắm được các quy định nhượng quyền, nhận diện được các rủi ro, từ đó lên kế hoạch khắc phục các rủi ro và tận dụng các lợi thế của nhượng quyền thương hiệu.

CAO TÀI

;
;
.
.
.
.
.