Giải pháp làm lành mạnh hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản

Bài cuối: Tuân thủ quy định của pháp luật

.

Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, đề cao việc tuân thủ các quy định của pháp luật và thận trọng trong mua bán... là chìa khóa góp phần làm lành mạnh hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản hiện nay.

Thành phố chủ động rà soát quy hoạch, phản biện xã hội trước khi cấp chủ trương đầu tư đối với các dự án bất động sản lớn . TRONG ẢNH: Đô thị Đà Nẵng bên sông Hàn. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Thành phố chủ động rà soát quy hoạch, phản biện xã hội trước khi cấp chủ trương đầu tư đối với các dự án bất động sản lớn . TRONG ẢNH: Đô thị Đà Nẵng bên sông Hàn. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Chìa khóa từ minh bạch thông tin

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý và khai thác tòa nhà VNPT Trần Anh Quốc Cường, hoạt động đầu tư dự án và kinh doanh bất động sản (BĐS) là lĩnh vực kinh tế tổng hợp; có mối quan hệ khăng khít với nhiều lĩnh vực kinh tế; nhiều đối tượng tham gia để hình hành chuỗi giá trị dịch vụ và sản phẩm. Ở đây, vai trò quản lý Nhà nước thực sự phải được đề cao để kiểm soát chuỗi giá trị dịch vụ lẫn sản phẩm BĐS. Đặc biệt là kiểm soát giao dịch trong hoạt động kinh doanh BĐS để chống các hành vi thao túng thị trường, rối loạn thị trường cũng như các hành vi vi phạm pháp luật về chính sách tiền tệ, thuế, trật tư an toàn xã hội. Hoạt động môi giới BĐS cần được kiểm soát thông qua tập huấn, đào tạo chuyên môn lẫn kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp.

Vốn công tác nhiều năm trong kinh doanh BĐS và hành nghề môi giới BĐS, ông Trần Anh Quốc Cường cho rằng, hoạt động môi giới phải làm đúng vai trò của mình thông qua năng lực tư vấn, giúp khách hàng tìm ra được sản phẩm phù hợp và hợp pháp chứ không phải vì chiết khấu thù lao cao mà bất chấp các quy định của pháp luật, làm sai lệch thông tin sản phẩm… Khách hàng cần nghiên cứu, nắm bắt kỹ lưỡng tính pháp lý của dự án, chọn đúng chủ đầu tư có năng lực, chọn đúng sản phẩm phù hợp thay vì chỉ mua theo lợi nhuận hay quảng cáo sản phẩm.

“Sản phẩm BĐS có phân khúc ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và cũng có chu kỳ nhất định. Do đó, khách hàng cần nắm bắt các báo cáo thị trường BĐS, tham khảo thông tin thị trường, định hướng quy hoạch phát triển ở khu vực, địa phương để tìm được sản phẩm BĐS ưng ý và thành công trong đầu tư”, ông Cường nhấn mạnh. Cùng nhận định, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo bất động sản Nguyễn Đức Lập cho rằng, “chìa khóa” tốt nhất để lành mạnh hoạt động đầu tư và kinh doanh BĐS lẫn hạn chế tối đa các vi phạm liên quan đến dự án đầu tư lẫn kinh doanh BĐS là minh bạch thông tin. Một “điểm mù” thông tin chưa được sáng tỏ trong chuỗi dịch vụ và sản phẩm BĐS sẽ làm cho thị trường méo mó.

Kiểm soát hoạt động đầu tư dự án và kinh doanh bất động sản

Hoạt động đầu tư dự án và phát triển thị trường BĐS luôn tạo ra diện mạo mới cho đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Dẫu vậy, công tác quản lý nhà ở và thị trường bất động sản; quản lý trật tự xây dựng tại các công trình vẫn còn hạn chế, bất cập. Thời gian qua, một số công trình, dự án triển khai chưa bảo đảm các thủ tục đầu tư, tình trạng xây dựng vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn ra; trách nhiệm của một số cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ còn hạn chế. Ông Nguyễn Đức Lập cho rằng, hoạt động đầu tư dự án và kinh doanh BĐS hiện nay xuất hiện các điểm nghẽn trong hành lang pháp lý; khâu tổ chức thi hành các quy định của pháp luật cũng hạn chế dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật như: vi phạm trật tự xây dựng và xảy ra tình trạng tranh chấp, khiếu kiện…

Để gỡ điểm nghẽn này, thời gian gần đây, Sở Xây dựng đã chủ động minh bạch thông tin về các dự án đầu tư và kinh doanh BĐS với việc công khai danh sách các dự án đủ điều kiện mở bán; hướng dẫn khách hàng nắm bắt các thủ tục pháp lý trong giao dịch BĐS. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Văn Hoàng cho hay, sở đang nỗ lực kiểm soát hoạt động đầu tư dự án và kinh doanh BĐS trên địa bàn thành phố thông qua việc kịp thời thông tin và xử lý các hành vi mở bán dự án nhà ở hình thành trong tương lai chưa đủ điều kiện để bán. Đồng thời thông tin, hướng dẫn khách hàng, nhà đầu tư về  quy trình ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai…

Việc ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong chuỗi dịch vụ và kinh doanh BĐS trên địa bàn thành phố cũng được tăng cường. Theo Sở Tư pháp, thành phố đang triển khai đề án “Chống thất thu thuế đối với một số lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao về thuế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Cụ thể là ngăn chặn và xử lý thực trạng “ký gửi”, “ký chờ” nhằm trốn thuế khi ký kết các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng BĐS. Sở Tư pháp đang tham mưu UBND thành phố ban hành quy chế phối hợp liên ngành, theo đó đưa ra một số biện pháp, giải pháp phối hợp để ngăn chặn, phát hiện xử lý nghiêm hành vi trốn thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS, quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác chống thất thu thuế trong hoạt động chuyển nhượng, kinh doanh BĐS trên địa bàn thành phố.

Về đầu tư phát triển, thành phố đang nỗ lực tháo gỡ các nút thắt về pháp lý trong các dự án BĐS thông qua việc lập tổ chuyên trách xử lý các điểm nghẽn pháp lý tại các dự án sai phạm pháp luật, để khơi thông nguồn lực từ đất đai. Các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường cũng chủ động thông tin về các đồ án quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất qua hình thức số hóa, bảo đảm cho mọi đối tượng tìm hiểu, nắm bắt thông tin kịp thời và sử dụng thông tin hiệu quả.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, đề cao việc tuân thủ các quy định của pháp luật sẽ làm lành mạnh hoạt động đầu tư và kinh doanh BĐS, tạo ra chuỗi dịch vụ, sản phẩm BĐS an toàn.

Chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản

Ngày 15-6, UBND thành phố ban hành văn bản số 3272/UBND-STNMT về chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ do Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo tại công văn số 1382/UBND-KT ngày 17-3-2022 và chủ động thực hiện các nội dung chỉ đạo liên quan của Bộ Tài chính tại Công văn số 3849/BTC-TCT ngày 28-4-2022. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thường xuyên khảo sát để xây dựng cơ sở dữ liệu giá giao dịch từ chuyển nhượng BĐS, làm căn cứ tham mưu UBND thành phố xác định hệ số điều chỉnh giá đất hằng năm sát với giá giao dịch thực tế trên thị trường BĐS nhằm tránh thất thu thuế.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.