Chọn chủ đề năm 2022 là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, ngay từ đầu năm, thành phố đã ban hành, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch khôi phục hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng hàng loạt sản phẩm, dịch vụ mới. Nhờ những nỗ lực đó, ngành du lịch thành phố đã có sự bứt phá, tăng trưởng rất ấn tượng trong thời gian qua.
Các khu, điểm du lịch tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn để phục vụ du khách. TRONG ẢNH: Các nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills. Ảnh: THU HÀ |
Du lịch tăng trưởng mạnh mẽ
Kể từ giữa quý 1-2022, nhu cầu đi du lịch Đà Nẵng của người dân tăng mạnh. Với việc ra mắt nhiều sản phẩm, dịch vụ đẳng cấp, ngành du lịch thành phố thu hút đông du khách không chỉ ở thị trường khách nội địa mà cả thị trường khách quốc tế. Sau khi thành phố tổ chức thành công sự kiện Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á (Routes Asia 2022), các chuyến bay đi và đến từ Đà Nẵng đã tăng nhiều cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch thành phố. Tính đến tháng 7-2022, Đà Nẵng có 9 đường bay nội địa với tần suất khoảng 600-800 chuyến/tuần; 10 đường bay quốc tế đã được nối lại, trung bình trong tháng 8-2022, có 22 chuyến bay quốc tế đến/ngày và 155 chuyến bay quốc tế đến/tuần.
Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố, số lượt khách mà cơ sở lưu trú phục vụ trong tháng 7-2022 ước đạt 514.800 lượt, tăng 13,1% so với tháng trước và gấp 15,3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 57.500 lượt, tăng 42,3% so với tháng trước, tăng 12,2 lần so với cùng kỳ. Du lịch nội địa tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Khách du lịch trong nước đến Đà Nẵng vào tháng 7-2022 ước đạt 457.300 lượt, tăng 10,2% so với tháng trước và gấp 15,7 lần so với tháng cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 1,88 triệu lượt, tăng 83% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đạt 127.000 lượt, tăng 44,3%; khách trong nước đạt 1,76 triệu lượt, tăng 86,6%. Số ngày lưu trú bình quân tính chung cho khách ngủ qua đêm 7 tháng ước đạt 2,5 ngày/lượt khách, trong đó, khách quốc tế ước đạt 2,4 ngày/lượt; khách trong nước đạt 2,5 ngày/lượt.
Theo đánh giá của Sở Du lịch, kết quả hoạt động của ngành du lịch Đà Nẵng trong quý 2 và tháng đầu của quý 3-2022 cho thấy triển vọng đưa du lịch Đà Nẵng trở lại thời kỳ như trước khi dịch bệnh xảy ra là hoàn toàn có thể. Để đạt được kết quả trên, thành phố liên tục làm mới các sản phẩm du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các sản phẩm du lịch mới như: dù lượn, vui chơi, giải trí dưới nước... Thời gian tới, thành phố đăng cai tổ chức Giải Golf phát triển châu Á - Asian Development tour (từ ngày 28-8 đến 3-9-2022); tiếp tục triển khai các chính sách MICE năm 2022 và dự kiến tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế VITM Đà Nẵng 2022 (tháng 12-2022)…
Tại hội thảo về “Phát triển Đà Nẵng thành điểm đáng đến và đáng sống” được tổ chức tại Đà Nẵng vào cuối tháng 6 vừa qua, nói về sự phát triển của Đà Nẵng, TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia kinh tế và hàng không, cho biết không gian hệ sinh thái du lịch của Đà Nẵng rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, đặc biệt, thành phố có định hướng đúng trong chiến lược đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện nay, khách nội địa đến Đà Nẵng đang rất tốt, các chuyến bay nội địa vượt mức trong năm 2019 khi dịch bệnh chưa xảy ra.
Nhiều sự kiện lễ hội được ngành du lịch thành phố tổ chức để thu hút khách. TRONG ẢNH: Du khách trải nghiệm làm bánh tráng tại Ngày hội ẩm thực và lễ hội bia diễn ra tháng 7-2022. Ảnh: THU HÀ |
Nỗ lực chuyển đổi số để thích ứng
Với sự tăng tốc, phát triển mạnh mẽ, ngành du lịch đã không ngừng vận động, thay đổi, làm mới để thích ứng với xu thế chung. Một trong số đó là ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số phù hợp.
Ông Trần Đức Thông, Quản lý khách sạn Draco Hotel & Suite (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho rằng, xu thế hiện nay của du khách là tìm kiếm thông tin chuyến đi, điểm đến trên các trang mạng xã hội, vì vậy, khách sạn cũng phải nhanh chóng thích ứng bằng cách kết nối với các đại lý bán hàng trực tuyến (Online travel agent- OTA) để bán phòng khách sạn, bán sản phẩm du lịch mình có. Bên cạnh đó, khách sạn cũng cần trang bị, bổ sung thêm các tính năng tiện ích đặt phòng, thanh toán trực tuyến cho khách…
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng đánh giá, chuyển đổi số đối với doanh nghiệp du lịch là xu hướng tất yếu để phát triển. Bởi việc nắm bắt công nghệ, đổi mới mô hình hoạt động và áp dụng các ứng dụng vào khâu quản lý, vận hành và phát triển dịch vụ đã trở thành yêu cầu cơ bản của thời đại mới. Ngoài các hình thức quảng bá truyền thông qua báo chí, video…, nhờ ứng dụng công nghệ 4.0 ở nhiều quốc gia, nhiều địa phương, các điểm đến là danh thắng đã được số hóa trở thành những tư liệu sống động và hấp dẫn, giúp du khách dễ dàng tìm hiểu kỹ thông tin và trải nghiệm trước thông qua công nghệ thực tế ảo (VR). Công nghệ hiện đại này đã giúp xóa rào cản khoảng cách về địa lý, thông tin đến khách hàng đa chiều hơn, khơi gợi quyết tâm đi du lịch của du khách…
Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Xuân Bình cho biết, hiện nay ngành du lịch Đà Nẵng đang nỗ lực thay đổi cách truyền thông điểm đến, từng bước ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để quảng bá du lịch, thu hút khách, trong đó có tour du lịch thực tế ảo VR360 “Một chạm đến Đà Nẵng” với các di tích, danh thắng, điểm đến nổi tiếng của thành phố. Ngành du lịch đang triển khai các nội dung trong chương trình thành phố thông minh, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Sở đã tổ chức nhiều lớp tập huấn để trao đổi thông tin, nâng cao nhận thức của các cơ sở kinh doanh cung ứng dịch vụ cũng như người lao động trong ngành du lịch.
“Để chuyển đổi số thành công, trước tiên phải xây dựng được cơ sở hệ thống dữ liệu của ngành du lịch; xây dựng được nền tảng trong đó kết nối, hỗ trợ quản lý Nhà nước cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần phối hợp kết nối với các đơn vị cung ứng dịch vụ chuyển đổi số để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch nâng cao hiệu quả kinh doanh, từ đó tăng sức cạnh tranh của điểm đến trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số”, ông Bình thông tin thêm.
THU HÀ